Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị địa phương và thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh.
Thông qua Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ các ưu điểm, khuyết điểm, những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện Đề án, xác định phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 – 2023” luôn được sự đồng thuận, ủng hộ, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các địa phương, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào cuộc sống. Trong đó, Bộ Quốc phòng đã biên soạn, in ấn, phát hành 15.000 cuốn Luật Cảnh sát biển Việt Nam, 6000 cuốn Luật Cảnh sát biển Việt Nam song ngữ, 15.000 văn bản quy phạm pháp luật về cảnh sát biển,... Cấp tỉnh (thành phố) tổ chức trên 72 hội nghị tập huấn cho 42.500 lượt người. Cấp huyện, quận, thị xã tổ chức trên 740 hội nghị tập huấn cho 136.200 lượt người. Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã thu hút 829.360 lượt người tham gia với 2.073.430 bài thi. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng tải trên 3.500 tin, bài, ảnh, phóng sự; tổ chức 160 chương trình phát thanh, phát sóng 10 phim tài liệu; thực hiện 150 chương trình “Biển đảo Tổ quốc” phản ánh chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và Luật Cảnh sát biển Việt Nam;… Nhiều mô hình đã phát huy tốt hiệu quả như: Dân hỏi cơ quan chức năng trả lời; Tổ quốc và người chiến sĩ; Phụ nữ với pháp luật; Phong trào tự quản ngư trường bến bãi; Tổ tàu thuyền đoàn kết; Ăn sáng cùng ngư dân; … Bên cạnh một số kết quả đạt được sau 5 năm triển khai Đề án còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc chưa chặt chẽ; chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của cơ quan, đơn vị được giao chủ trì phối hợp thực hiện Đề án ở đơn vị, địa phương; nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có thời điểm chưa phong phú, đa dạng; chưa sát với từng đối tượng, từng địa bàn dân cư; mức độ chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận Nhân dân, nhất là ngư dân trực tiếp làm ăn trên biển chưa vững chắc; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, tình trạng ngư dân vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản vẫn xảy ra; công tác tuyên truyền phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho chủ doanh nghiệp vận tải biển trong nước, quốc tế chưa thực sự hiệu quả; điều kiện cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, hệ thống thông tin, truyền thông ở các xã, huyện đảo ven biển còn khó khăn; đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật mỏng; ngư dân nhận thức không đồng đều, ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền;…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề nghị Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Đề án. Về phương hướng thời gian tới, Hội nghị xác định: Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhất là 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát huy vai trò các phương tiện thông tin đại chúng, thiết chế văn hóa nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Cảnh sát biển Việt Nam./.