Ngày 06 tháng 4 năm 2023, Hội đồng phối hợp hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Thanh tra và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Hội nghị có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và hơn 120 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; đại diện lãnh đạo Thanh tra huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ, phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố; đại diện Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Công chứng viên.
Luật Thanh tra năm 2022 được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV;
gồm 8 chương, 118 điều, tăng 01 chương và 40 điều so với Luật Thanh tra năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật Thanh tra năm 2022 đã thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra và khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra hiện nay. Đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị. So với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 có một số điểm mới cơ bản như: Thứ nhất, Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành. Đây được xem là điểm mới đáng chú ý trong Luật Thanh tra 2022. Luật Thanh tra năm 2010 không quy định Thanh tra Tổng cục, Cục mà chỉ quy định Thanh tra chuyên ngành. Thứ hai, Ủy ban nhân dân tỉnh có quyền thành lập Thanh tra Sở; Thanh tra Sở được thành lập trong các trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Thứ ba, quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định cụ thể chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, cụ thể Luật quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Ngoài ra, Luật Thanh tra năm 2022 Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra, Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV; gồm 6 chương, 46 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Trong đó: Chương I, những quy định chung gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II, phòng ngừa bạo lực gia đình có 3 mục, 9 điều (từ Điều 9 đến Điều 17), Chương III, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình gồm 2 mục với 13 điều (từ Điều 18 đến Điều 30); Chương IV, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình có 11 điều (từ Điều 31 đến Điều 41); Chương V, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và khiếu nại, tố cáo, có 3 điều (từ Điều 42 đến Điều 44).
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có nhiều điểm mới so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Một trong những điểm mới của Luật Phòng chống bạo lực gia đình là bổ sung thêm nhiều định nghĩa, cụ thể: bổ sung Điều 2 giải thích từ ngữ được sử dụng trong Luật này, gồm định nghĩa của cấm tiếp xúc; nơi tạm lánh; giáo dục hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình. Bổ sung các hành vi bị coi là bạo lực gia đình lên 16 hành vi và sửa đổi một số hành vi. Mở rộng đối tượng bạo lực gia đình ngoài hôn nhân. Đặt người bị bạo lực gia đình là trung tâm phòng, chống bạo lực gia đình; như vậy, hiện nay, cả trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi đều là đối tượng được ưu tiên bảo vệ quyền lợi khi gặp phải hành vi bạo lực gia đình. Luật mới nhấn mạnh “bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em” và bổ sung, quy định rõ thêm các đối tượng ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích gồm “phụ nữ mang thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không chỉ là phụ nữ chung chung như hiện nay), người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc… Tháng 6 là tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; quy định này mới được bổ sung tại Điều 7 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022, theo đó, tháng 6 hàng năm được chọn để tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy việc phòng, chống bạo lực gia đình và tôn vinh giá trị gia đình. Bổ sung nhiều quyền của người bị bạo lực gia đình, hiện nay, Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 chỉ quy định 05 quyền của nạn nhân bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định 08 quyền của người bị bạo lực gia đình. Bổ sung người bạo lực gia đình phải lao động công ích, theo điểm i khoản 1 Điều 22 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là một trong những biện pháp để ngăn chặn bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh các văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua là những luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ đời sống xã hội của cán bộ, công chức và Nhân dân. Đặc biệt, đối với Luật Thanh tra 2022 sau khi có hiệu lực sẽ tác động trực tiếp tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra. Đồng thời đề nghị sau chương trình Hội nghị, các đại biểu tham dự căn cứ tình hình thực tế của ngành, địa phương chủ động, linh hoạt tổ chức triển khai, phổ biến kịp thời và rộng rãi đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, nhằm sớm đưa các luật đi vào thực tiễn cuộc sống, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh./.