Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Đình Hạnh, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Vì vậy các hòa giải viên, cần phải có kỹ năng nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở, đồng chí hy vọng rằng các hòa giải viên sẽ nghiêm túc tiếp thu các kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, báo cáo viên sẽ truyền đạt vào ngày hôm nay để nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên.
Tại Hội nghị 02 báo cáo viên pháp luật của Sở Tư pháp đã triển khai 02 chuyên đề, gồm: Một số kỹ năng về hòa giải ở cơ sở và quy định của pháp luật về thừa kế. Qua đó, đã truyền tải một số kiến thức chung về hòa giải ở cơ sở, kỹ năng hòa giải ở cơ sở, quy định của pháp luật về thừa kế tại Phần thứ IV Chương XXI Bộ Luật Dân sự năm 2015 đến các hòa giải viên. Đặc điểm của hòa giải ở cơ sở; phạm vi hòa giải ở cơ sở, giải thích để hòa giải viên nắm rõ các vụ việc nào được hòa giải ở cơ sở và vụ việc nào không được hòa giải ở cơ sở; Quyết định công nhận hòa giải thành tại Tòa án; kinh phí và chế độ của Tổ hòa giải, hòa giải viên; các kỹ năng hòa giải ở cơ sở: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng khai thác thông tin, tài liệu, chứng cứ, kỹ năng tìm mâu thuẫn, xung đột, kỹ năng tra cứu, tham khảo văn bản pháp luật, kỹ năng ghi chép biên bản hòa giải, lập văn bản hòa giải thành, văn bản hòa giải không thành và ghi sổ theo dõi vụ việc hòa giải.
Chuyên đề về thừa kế được báo cáo trình bày quy định tại Phần thứ IV Chương XXI Bộ Luật Dân sự năm 2015, gồm có 55 Điều. Thừa kế được hiểu là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản. Trong đó, thừa kế được chia thành 02 hình thức: Thừa kế theo di chúc: là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống (Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015). Thừa kế theo pháp luật: là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định (Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015). Người thừa kế theo pháp luật, gồm có 3 hàng: hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Thông qua Hội nghị các hòa giải viên ở cơ sở đã nắm bắt và hiểu được các quy định của pháp luật về thừa kế, pháp luật về hòa giải ở cơ sở và đặc biệt là các kỹ năng hòa giải ở cơ sở, nhằm củng cố, nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực cho đội ngũ hòa giải viên. Qua đó, số vụ việc hòa giải thành ngày càng tăng lên và góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Huế nói riêng và địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung./.