Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Luật Cảnh sát cơ động gồm 05 chương, 33 điều, cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; vị trí, chức năng; nguyên tắc hoạt động; xây dựng Cảnh sát cơ động; ngày truyền thống; hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động; các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động, gồm 13 điều (từ Điều 9 đến Điều 21), quy định về nhiệm vụ; quyền hạn; bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự; Vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin; biện pháp công tác; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tịn, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, phương tiện, thiết bị dân dự; hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động; nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an tỉnh; điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ và phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ.
Chương III. Đảm bảo hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động, gồm 06 điều (từ Điều 22 đến Điều 27), quy định về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm; trang bị; trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của Cảnh sát cơ động; chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động; đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động.
Chương IV. Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động , gồm 05 điều (từ Điều 28 đến Điều 32), quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; trách nhiệm và chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động.
Chương V. Điều khoản thi hành, gồm 01 điều (Điều 33), quy định về hiệu lực thi hành.
Luật Điện ảnh năm 2022 gồm 8 chương, 50 điều cụ thể; Chương I. Những quy định chung, gồm 09 điều (từ Điều 1 đến Điều 9); Chương II. Sản xuất phim, gồm 05 điều (từ Điều 10 đến Điều 14); Chương III. Phát hành phim, gồm 03 điều (từ Điều 15 đến Điều 17); Chương IV. Phổ biến phim, gồm 15 điều (từ Điều 18 đến Điều 32); Chương V. Lưu chiểu, lưu trữ phim, gồm 04 điều (từ Điều 33 đến Điều 36); Chương VI. Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, gồm 10 điều, bao gồm 02 mục. Mục 1 quy định về Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh gồm 05 điều (từ Điều 37 đến Điều 41), Mục 2 quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh gồm 03 điều (từ Điều 42 đến Điều 44); Chương VII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh, gồm 03 điều (từ Điều 45 đến Điều 47); Chương VIII. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 48 đến Điều 50). Luật Điện ảnh kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với trước.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, gồm 04 Điều: Điều 1, sửa đổi, bổ sung 102 điều của Luật SHTT (sửa đổi, bổ sung 88 điều hiện hành, bổ sung 14 điều mới) và bãi bỏ 02 điều; Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan: Luật Hải quan (tên Mục 8 Chương III, khoản 2 Điều 73); Luật Khoa học và Công nghệ (Điều 41, Điều 43); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (khoản 4 Điều 105); Luật Giá (Điều 19, Điều 22); Điều 3. Hiệu lực thi hành; Điều 4. Quy định chuyển tiếp.