Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, là văn bản pháp lý rất quan trọng, đã thể chế đầy đủ quan điểm, tư tưởng của Đảng về bảo vệ Tổ quốc; về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Luật Biên phòng Việt Nam gồm 06 chương, 36 điều, cụ thể: Chương I, Những quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8), Chương II, Hoạt động cơ bản về biên phòng, gồm 04 điều (từ Điều 9 đến Điều 12), Chương III, Lực lượng Bộ đội Biên phòng, gồm 12 điều (từ Điều 13 đến Điều 24), Chương IV, Bảo đảm biên phòng và chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, gồm 03 điều (từ Điều 25 đến Điều 27), Chương V, Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng, gồm 07 điều (từ Điều 28 đến Điều 34), Chương VI, Điều khoản thi hành, gồm 02 điều (Điều 35 và Điều 36).
Luật Biên phòng Việt Nam quy định đầy đủ, toàn diện, cụ thể về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Tổ quốc; đặc biệt là quy định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đáp ứng hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Trên cơ sở các điều khoản Luật Biên phòng Việt Nam giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chủ trì xây dựng và tham mưu cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành 02 nghị định và 02 thông tư quy định chi tiết.
Luật Thi đua, khen thưởng được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, gồm 8 Chương, 96 Điều (giảm 7 điều so với Luật hiện hành) được thể hiện ở 8 nhóm với những điểm mới chủ yếu sau: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được; Đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến); Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ…; quan tâm đến công tác khen thưởng ở cấp cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân; Mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập; Bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
Về bố cục Luật Thi đua, khen thưởng gồm 8 Chương, 96 Điều, cụ thể như sau: Chương I. Những quy định chung (gồm 15 điều, từ Điều 1 đến Điều 15); Chương II. Tổ chức thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua (gồm 17 điều, từ Điều 16 đến Điều 32); Chương III. Đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng (gồm 44 điều, từ Điều 33 đến Điều 76); Chương IV. Thẩm quyền quyết định, trao tặng; thủ tục, hồ sơ xét đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng (gồm 09 điều, từ Điều 77 đến Điều 85); Chương V. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong thi đua, khen thưởng (gồm 02 điều, Điều 86 và Điều 87); Chương VI. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về thi đua, khen thưởng (gồm 05 điều, từ Điều 88 đến Điều 92); Chương VII. Xử lý vi phạm (gồm 01 điều, gồm Điều 93); Chương VIII. Điều khoản thi hành (gồm 03 điều, từ Điều 94 đến Điều 96).