Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tiến sỹ Lê Vệ Quốc - Vụ trưởng vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp đã nhận định: Tập huấn nghiệp vụ về đảm bảo bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở là vấn đề rất khó vì trình độ, nhận thức, kỹ năng giữa các tổ hòa giải, hòa giải viên hiện nay chưa đồng đều. Với mong muốn mang lại sự công bằng cho các bên tham gia hòa giải, đảm bảo kết quả hòa giải thực sự bền vững, việc trau dồi kiến thức, kỹ năng, ứng xử cho hòa giải viên về bảo đảm bình đẳng giới, đồng chí hi vọng rằng thông qua hội nghị lần này, các đại biểu là tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên sẽ có cơ hội để cùng chia sẻ, lĩnh hội phương pháp tập huấn tích cực, góp phần đảm bảo bình đẳng giới ngày càng thực chất.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã bày tỏ sự vinh dự khi Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên được Bộ Tư pháp lựa chọn tổ chức Hội nghị tập huấn. Đây không chỉ là dịp để trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, nâng cao kỹ năng mà còn là cơ hội để các báo cáo viên, các hòa giải viên tại cấp huyện được giao lưu, gặp gỡ với các tập huấn viên, Lãnh đạo cơ quan Tư pháp cấp trên, Lãnh đạo Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp.
Theo đó, thời gian tập huấn diễn ra trong 04 ngày, trong đó, Hội nghị tập huấn cho tập huấn viên cấp huyện (02 ngày, từ ngày 27-28/6/2022) và Hội nghị tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở (02 ngày, từ ngày 29-30/6/2022). Tại Hội nghị, các Báo cáo viên hướng dẫn chuyên sâu cho tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên ở cơ sở về các chủ đề như: Một số kiến thức cơ bản về giới; kỹ năng hòa giải nhằm đảm bảo bình đẳng giới; quy trình hòa giải ở cơ sở nhằm đảm bảo bình đẳng giới; thực hành hòa giải ở cơ sở nhằm đảm bảo bình đẳng giới; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương...
Được biết, vào năm 2019, trong khuôn khổ dự án EU JULE, Chương trình phát triển Liên hợp quốc phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp đã tiến hành một số nghiên cứu về hòa giải ở cơ sở, tham khảo ý kiến của hòa giải viên cũng như người dân về công tác hòa giải ở cơ sở, khó khăn, thách thức họ gặp phải. Đa số các hòa giải viên ý kiến rằng, họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực tế để đảm bảo tính nhạy cảm giới và làm việc với các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ, trẻ em. Điều này ảnh hưởng tới hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
Xuất phát từ thực tế nêu trên, việc trang bị kiến thức về giới, bình đẳng giới và kỹ năng hòa giải ở cơ sở để bảo đảm bình đẳng giới cho hòa giải viên ở cơ sở là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt đối với hòa giải viên là đồng bào dân tộc thiểu số, hòa giải viên ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Hi vọng rằng, với phương pháp tập huấn mới, nội dung chuyên đề thiết thực cùng sự chuẩn bị chu đáo từ phía Ban Tổ chức, các đại biểu là tập huấn viên cấp huyện, hòa giải viên sẽ lĩnh hội đầy đủ tinh thần của Hội nghị tập huấn, góp phần hoàn thành mục tiêu mà dự án đã đặt ra, cũng như phục vụ cho công tác hòa giải có liên quan đến giới và bình đẳng giới, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương.