Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.974.453
Truy cập hiện tại 3.892
Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế: “Đưa hòa giải ở cơ sở thực sự trở thành một phần của đời sống”
Ngày cập nhật 08/06/2022

Nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ hòa giải viên cũng như hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; sau một năm gián đoạn do dịch bệnh Covid – 19, sáng ngày 03 tháng 6 năm 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở năm 2022. Hội thảo do đồng chí Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì cùng sự tham gia của các đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ - Hội Nông dân - Hội Cựu chiến binh tỉnh, đại diện Lãnh đạo Phòng Tư pháp cấp huyện cùng công chức Tư pháp – hộ tịch, hòa giải viên một số xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố Huế.

Năm 2021, ngành Tư pháp đã gặp nhiều khó khăn do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, để đảm bảo hiệu quả, chất lượng của công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp và các địa phương đã chủ động thay đổi phương pháp nhằm thích ứng tình hình mới và đảm bảo mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Để Hội thảo nắm được toàn cảnh tình hình thực tế và kết quả nổi bật của công tác hòa giải ở cơ sở, đồng chí Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã tóm lược tình hình thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở năm 2021 và một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong công tác hòa giải trong tình hình mới hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe tham luận đến từ các cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức phụ trách quản lý nhà nước về công tác hòa giải. Hầu hết các tham luận đều đã phản ánh sâu sát thực tiễn hòa giải ở cơ sở, những tồn tại và trăn trở trong việc đề ra biện pháp để nâng cao chất lượng hoà giải. Tại phần trình bày của mình, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã mạnh dạn đề xuất mô hình hoà giải trực tuyến, đây là một ý tưởng khá mới lạ, cần được xem xét, phát triển trong bối cảnh công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang ngày được phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Với tham luận đến từ Phòng Tư pháp huyện A Lưới, Hội thảo đánh giá cao những nỗ lực và sự quan tâm của chính quyền địa phương trong công tác tư pháp nói chung và công tác hoà giải nói riêng. Dù là một huyện vùng núi với nhiều khó khăn từ điều kiện tự nhiên và con người nhưng các cán bộ, công chức ngành Tư pháp của huyện vẫn phát huy trách nhiệm, góp phần ổn định cuộc sống của Nhân dân. Cũng trong phần này, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Sở Tư pháp cũng đã đưa ra một khó khăn, tồn tại lớn nhất hiện nay trong công tác hoà giải ở cơ sở đó là vấn đề về kinh phí để hỗ trợ cho tổ hoà giải và chi thù lao hoà giải viên, đây được xem là yếu tố quan trọng góp phần duy trì hiệu quả của nhiệm vụ hoà giải.

Đặc biệt, tại Hội thảo, các hòa giải viên đã có dịp được chia sẻ câu chuyện hòa giải có thật của bản thân đến với các đại biểu. Là những người trực tiếp tham gia thực hiện công tác hòa giải tại cơ sở, nhiều vụ, việc hòa giải đã để lại ấn tượng sâu sắc, khó quên đối với các hoà giải viên. Với vai trò là người hòa giải, các đồng chí không chỉ tích cực phát huy trách nhiệm của mình, mà còn cũng đưa ra những cách làm hay như biện pháp “tự hoà giải trong họ tộc” (huyện Phú Vang) hay sự phân định rõ ràng những mô hình hoà giải để có cách giải quyết phù hợp (huyện Phú Lộc). Qua hai câu chuyện mà hoà giải viên đã chia sẻ, các đại biểu tại Hội thảo có thêm những góc nhìn mới về công tác này, hiểu hơn về tâm tư, áp lực và nỗi khó khăn, vất vả của các hoà giải viên.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã có phần thảo luận khá sôi nổi, nhiều đề xuất mang tính chất xây dựng, tâm huyết đã được nêu ra bàn luận như: sưu tầm, thẩm định và phát hành tuyển tập những câu chuyện hoà giải có thật ở cơ sở để làm tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền, qua đó không chỉ làm phong phú thêm tủ sách pháp luật mà còn là nguồn tư liệu giá trị trong nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn (Hội Nông dân tỉnh); đề xuất về xây dựng một đội ngũ hoà giải viên theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn về lượng, đảm bảo về chất nhằm hạn chế tình trạng xử lý vụ việc theo hướng cảm tính, không theo quy định pháp luật, dẫn tới tranh chấp, mâu thuẫn không được giải quyết triệt để (Phòng Tư pháp thành phố Huế); đề xuất xem xét, bổ sung, hoàn thiện một số chế định về quyền lợi của hoà giải viên, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để nâng cao vị trí, vai trò của công tác hoà giải trong cuộc sống (Phòng Tư pháp huyện Quảng Điền)...

Sau khi lắng nghe những ý kiến thảo luận, đồng chí Nguyễn Văn Hưng – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã có một số trao đổi trở lại cùng các đại biểu. Đồng chí hết sức hoan nghênh và ghi nhận những đóng góp tâm huyết của các đại biểu, đặc biệt là những sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng hoà giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, đồng chí cũng bày tỏ sự đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn, áp lực của các hoà giải viên, đặc biệt là công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã trong thời điểm khối lượng công việc của Ngành Tư pháp ngày càng lớn. Đồng chí đề nghị các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị, nhất là Phòng Tư pháp cấp huyện cần quan tâm, phối hợp và phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, đồng thời trong thời gian tới cần có phương hướng để khắc phục những tồn tại, vướng mắc như tại Hội thảo đã đặt ra.

Nhìn chung, Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở năm 2022 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hi vọng rằng trong thời gian tiếp theo, công tác hoà giải ở cơ sở sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thực sự đưa hoà giải ở cơ sở trở thành một biện pháp, một công cụ quản lý nhà nước đắc lực, hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày