Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.978.149
Truy cập hiện tại 5.797
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nền tảng trong việc giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế xã hội
Ngày cập nhật 01/04/2022

Ngày 30 tháng 3 năm 2022, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Hội đồng) tổ chức phiên họp tư vấn về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng và đồng chí Đào Chuẩn – Giám đốc Sở Tư pháp – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng chủ trì phiên họp; cùng các thành viên và Tổ thư ký Hội đồng.

 

Tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng thay mặt Hội đồng báo cáo tóm tắt tình hình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Năm 2021 và quý I/2022, dưới tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, việc triển khai các hoạt động theo kế hoạch đề ra gặp những khó khăn nhất định, nhưng Hội đồng đã kịp thời tư vấn chỉ đạo, chủ động rà soát các nhiệm vụ và điều chỉnh chương trình, kế hoạch, có giải pháp khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, hoàn thành mục tiêu công tác. Nổi bật là đã tư vấn chuyển hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) theo phương án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông tích cực thông tin, tuyên truyền. Nội dung PBGDPL tập trung phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh, triển khai các văn bản luật mới. Trong năm 2022, với chủ trương ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Hội đồng đã tư vấn xây dựng Kế hoạch thực hiện phù hợp.

Năm 2021, Hội đồng tiếp tục xác định mục tiêu cần phải đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để triển khai phù hợp với đối tượng, địa bàn, mục đích tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, địa phương chủ động, tích cực nghiên cứu, áp dụng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật sát thực có hiệu quả với người dân để xem xét, nhân rộng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL: nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh, trong năm 2021, Hội đồng đã dần thay đổi phương thức tuyên truyền pháp luật từ trực tiếp sang hình thức gián tiếp bằng việc đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL như: tích cực tuyên truyền, phổ biến thông qua Trang/Cổng thông tin điện tử, Mạng xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương và các phương tiện truyền thông (đăng tải gần 10.000 tin, bài, video clip, hình ảnh, hơn 650 phóng sự, chuyên đề giới thiệu, tuyên truyền pháp luật trên hệ thống đài truyền hình, loa phát thanh tại cơ sở...). Cùng với việc tăng cường sử dụng mạng xã hội như một công cụ tuyên truyền, PBGDPL đắc lực, đến nay, bên cạnh các Trang Thông tin điện tử chính thống, hầu hết các cơ quan, đoàn thể, địa phương đều đã lập Trang Facebook (Fanpage), nhóm Zalo... để đăng tải hoặc thông tin về tin tức hoạt động, giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, các chính sách mới ban hành và các vấn đề chính trị, xã hội được dư luận quan tâm liên quan tới lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị. Các bài viết, hình ảnh, video clip được đăng tải trên các Trang này đặc biệt có sức lan toả mạnh mẽ tới mọi tầng lớp Nhân dân với hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, bình luận, theo dõi...Năm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực tham mưu, chủ động tổ chức các cuộc thi pháp luật trực tuyến trên các nền tảng Internet, mạng xã hội, như: Cuộc thi “Tìm hiểu Luật Thanh niên năm 2020” theo hình thức tương tác trực tiếp trên Fanpage Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế (Ban Thường vụ Tỉnh đoàn); thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch Covid-19 trên mạng xã hội VCNet (Sở Giáo dục và Đào tạo); thi trắc nghiệm trên Internet về “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Hội đồng tham mưu UBND tỉnh tổ chức Cuộc thi báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tham dự Phiên họp, các thành viên Hội đồng đã đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật một cách hữu hiệu xuất phát từ thực tiễn, như: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tủ sách pháp luật cho ngư dân trên các tàu cá đánh bắt xa bờ; chú trọng phổ biến pháp luật cho đối tượng là trẻ vị thành niên; quan tâm bố trí kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…

Kết luận và chỉ đạo Phiên họp tư vấn của Hội đồng, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhất trí với báo cáo hoạt động của Hội đồng trong thời gian qua và nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, ghi nhận các ý kiến tư vấn, kiến nghị giải pháp của các thành viên Hội đồng. Năm 2021, tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực nhưng Hội đồng đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về phổ biến, giáo dục pháp luật. Chủ tịch Hội đồng lưu ý thêm đối với Cơ quan thường trực Hội đồng và các thành viên Hội đồng những vấn đề trọng tâm, đó là:

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng quan trọng, đồng chí Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh rằng: “công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nền tảng trong việc giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế xã hội”. Vì vậy, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương; đẩy mạnh chỉ đạo, nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các thành viên Hội đồng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, thể hiện quyết tâm triển khai các giải pháp của các thành viên Hội đồng.

Về hình thức, tiếp tục đa dạng hóa, đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin một cách triệt để trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Áp dụng hình thức, phương pháp phù hợp với đối tượng, địa bàn.

Về nội dung, ngoài các quy định pháp luật của Trung ương, chú trọng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, chủ trương, chính sách của tỉnh: Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh…

Về đối tượng, xác định đối tượng cần tập trung tuyên truyền, trong đó quan tâm hơn nữa đến nhóm đối tượng là thanh thiếu niên, đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực tôn giáo….

Về nguồn lực, thường xuyên củng cố, kiện toàn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực thực hiện công tác PBGDPL: báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, đảng viên, các tổ chức Hội, Đoàn,… , khai thác hiệu quả nguồn lực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xác định mỗi cán bộ, đảng viên là một báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày