Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.739.660
Truy cập hiện tại 11.006
Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg – dấu mốc mới của công tác đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Ngày cập nhật 09/05/2023

Ngày 08 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg). Trên cơ sở Quyết định số 619/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28 tháng 7 năm 2017 quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua hơn 04 năm thực hiện, Quyết định số 619/QĐ-TTg đã góp phần hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý để triển khai đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên cả nước, giúp chính quyền cấp xã tăng cường trách nhiệm trong quản lý nhà nước, tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó, các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật của của Đảng và Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của Nhân dân. Các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật tại cơ sở được quan tâm, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật của Nhân dân trên địa bàn cấp xã. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chú trọng, thực hiện nghiêm túc. Cơ sở làm việc của chính quyền các xã, phường, thị trấn được cải thiện đáng kể...

 

Tuy nhiên, qua hơn 04 năm thực tế, Quyết định số 619/QĐ-TTg cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: (1) Trong quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa quy định cụ thể thời hạn của cấp tỉnh. (2) Tiêu chí đánh giá “phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm của chính quyền cấp xã” vẫn chưa được cụ thể hóa trong các văn bản liên quan. (3) Một số chỉ tiêu, tiêu chí khó thẩm định, phụ thuộc nhiều vào sự đánh giá một cách chủ quan của đơn vị khi tự chấm điểm, ví dụ: tổ chức quán triệt, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành cho cán bộ, công chức cấp xã, triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn cấp xã bằng hình thức phù hợp; bố trí đủ kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở theo quy định…(4) Quyết định số 619/QĐ-TTg chủ yếu quy định về các điều kiện đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và trình tự, thủ tục để thực hiện mà chưa thực sự tạo động lực mạnh để chính quyền sở tại nhìn nhận, chưa đề ra giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong việc khắc phục hạn chế cũng như không ngừng nâng cao việc thực hiện các điều kiện nói chung và các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật nói riêng; thiếu các quy định cụ thể, chi tiết hơn để “xây dựng đạt chuẩn tiếp cận pháp luật”…

Những vướng mắc nêu trên đã ảnh hưởng phần nào đến hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, từ đó đặt ra vấn đề cần phải ban hành văn bản mới nhằm khắc phục, điều chỉnh các tiêu chí, chỉ tiêu sao cho phù hợp với thực tiễn công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong tình hình mới.

Từ những yêu cầu cấp thiết nêu trên, ngày 22 tháng 7 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg), được áp dụng từ năm 2022 và thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg.

Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg gồm 5 tiêu chí với 20 chỉ tiêu (so với Quyết định số 619/QĐ-TTg đã lược bỏ 08 chỉ tiêu do trùng lắp, chồng chéo; sửa đổi 16 chỉ tiêu nhằm phù hợp, khả thi trong việc thực hiện; bổ sung 04 chỉ tiêu theo hướng tập trung tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, bảo đảm an toàn an ninh trật tự…). Nhìn chung, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg được xây dựng tinh gọn, dễ áp dụng với trọng tâm là việc xây dựng, ban hành văn bản theo thẩm quyền để đảm bảo thi hành Hiến pháp, pháp luật tại cơ sở; tiếp cận thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ ở cấp xã; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Một vai điểm mới quan trọng ở Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg là việc quy định về điều kiện áp dụng mức điểm tổng chung thống nhất, không phân loại cấp xã loại I, loại II và loại II nhằm đảm bảo sự công bằng cho người dân cả nước trong thụ hưởng quyền, lợi ích chính đáng theo quy định của pháp luật; tăng thời gian thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho cả cấp xã, cấp huyện để bảo đảm chất lượng công tác đánh giá, phù hợp với tính chất của yêu cầu, nhiệm vụ được giao; bỏ điều kiện về kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính ở cấp xã để tránh việc thực hiện mang tính chất hình thức, chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, một số tiêu chí, chỉ tiêu mới đáng chú ý như: tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến giáo dục pháp luật (chỉ tiêu 5 tiêu chí 2); thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý (chỉ tiêu 3 tiêu chí 3); không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (chỉ tiêu 3 tiêu chí 5); đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo đúng quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (chỉ tiêu 4 tiêu chí 5).

Đồng thời, tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg đã quy định mới, phân công nhiệm vụ cũ thể, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương trong trường hợp xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không đúng quy định pháp luật.

Để kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 286/KH-UBND ngày 17/9/2021 về thực hiện quy định đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, xác định 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; quán triệt, phổ biến, tập huấn để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, cộng đồng về tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; triển khai, hướng dẫn vận hành, áp dụng phần mềm quản lý, đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; kiểm tra, khảo sát mức độ hài lòng của Nhân dân, tổng hợp, báo cáo, tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng.

Có thể nói, việc ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg là dấu mốc quan trọng, từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần đưa công tác chuẩn tiếp cận pháp luật thật sự là động lực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hiện nay./.

 

Xem tin theo ngày