Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tính thống nhất giữa Luật ban hành văn bản QPPL năm 2008 và Luật ban hành văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 và những kiến nghị, đề xuất
Ngày cập nhật 06/06/2013

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (gọi tắt là Luật năm 2008) và Luật ban hành văn bản văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004 (gọi tắt là Luật năm 2004) ra đời đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL của các cơ quan nhà nước Trung ương và các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc tồn tại song song hai văn bản Luật cùng điều chỉnh một hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến tính khả thi và hiệu lực thực tế trong quá trình áp dụng, cụ thể như sau:

1. Về nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Tại Điều 3 Luật năm 2008 quy định: “Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”. Nói cách khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta phải thống nhất trong quá trình xây dựng, ban hành cũng như trong quá trình thực hiện, áp dụng. Việc tồn tại hai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Trung ương và địa phương sẽ phá vỡ tính thống nhất đó.
2. Giữa Luật năm 2008 và Luật năm 2004 đang có những quy định mâu thuẫn lẫn nhau. Ví dụ: Thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của Thủ tướng Chính phủ theo Luật năm 2008 chỉ gồm một loại văn bản là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là văn bản áp dụng pháp luật (cá biệt). Trong khi đó, theo Luật năm 2004 thì Chỉ thị của UBND các cấp vẫn là văn bản QPPL.  
3. Luật năm 2008 có phạm vi điều chỉnh là hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp Trung ương, nhưng trong định nghĩa về văn bản quy phạm pháp luật của Luật này cũng như việc liệt kê các văn bản QPPL trong hệ thống văn bản pháp luật còn bao gồm cả văn bản QPPL của HĐND và UBND các cấp. Cụ thể: Điều 1 Luật năm 2008 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội”.  Như vậy, định nghĩa này không chỉ đề cập tới các văn bản QPPL ở cấp Trung ương mà còn bao hàm cả văn bản QPPL tại địa phương. Tuy nhiên, nội dung Luật này chỉ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản QPPL ở cấp Trung ương, còn các văn bản QPPL ở cấp địa phương lại dẫn chiếu áp dụng đến Luật năm 2004. Đây chính là sự mâu thuẫn, không thống nhất ngay trong chính Luật năm 2008.
4. Về hình thức hủy bỏ, bãi bỏ văn bản QPPL hiện cũng chưa có sự thống nhất. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật năm 2008 thì văn bản QPPL chỉ được hủy bỏ, bãi bỏ bằng văn bản QPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó. Trong khi đó, Khoản 1 Điều 11 Luật năm 2004 lại chỉ quy định Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ bằng văn bản của chính Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.
5. Về hiệu lực văn bản QPPL: Điều 79 Luật năm 2008 quy định trường hợp hiệu lực trở về trước của văn bản nhưng tại Khoản 2 Điều 51 Luật năm 2004 quy định “không được quy định hiệu lực trở về trước của văn bản”. Như vậy,  đã có sự không thống nhất trong việc áp dụng. Trên thực tế, một số quy định có lợi cho địa phương, cho cơ quan nhà nước và thậm chí cho một nhóm đối tượng thì cơ quan soạn thảo quy định hiệu lực trở về trước.
Những kiến nghị, đề xuất:
1. Đề nghị xem xét quy định mỗi cấp chỉ ban hành 1 loại văn bản quy phạm pháp luật và đặt tên các hình thức văn bản này không trùng lặp với các văn bản còn lại. Chẳng hạn Quốc hội chỉ ban hành Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ ban hành Pháp lệnh, Chính phủ chỉ ban hành Nghị định, Bộ trưởng chỉ ban hành Thông tư. Đề nghị xem xét đặt tên khác cho những văn bản quy phạm trùng tên với văn bản cá biệt, như Nghị quyết, Quyết định.
 Đề nghị bỏ các hình thức văn bản quy phạm pháp luật sau: Chỉ thị của UBND các cấp, vì Chỉ thị chỉ nên là là văn bản đôn đốc, nhắc nhở thực hiện những quy định đã có; Nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND của hai cấp xã, huyện, vì cấp này không cần thiết ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
2. Đề xuất: Việc hợp nhất hai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp là cần thiết, thống nhất về cơ sở lý luận và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần khắc phục được những bất cập đồng thời nâng cao được tính tính khả thi trong quá trình áp dụng. Bên cạnh đó, việc hợp nhất sẽ khắc phục được những mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định giữa văn bản Luật và dưới luật; giữa văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Trung ương và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan địa phương, góp phần hạn chế tình trạng vượt thẩm quyền trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ, địa phương như hiện nay; đảm bảo tính ổn định, thống nhất, minh bạch của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và mở rộng hội nhập quốc tế.
 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.564.416
Lượt truy cập hiện tại 18.380