Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số nội dung mới về theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Ngày cập nhật 15/11/2012

Ngày 23/7/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP). Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2012 và quy định một số nội dung mới cơ bản như sau:

Một là, về đối tượng áp dụng, đối tượng áp dụng quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã mở rộng hơn. Tại Thông tư số 03/2010/TT-BTP, đối tượng áp dụng là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là Bộ, ngành), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh). Còn đối tượng áp dụng của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP là Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Hai là, về nguyên tắc theo dõi tình hình thi hành pháp luật bổ sung thêm nội dung mới: “Huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân” là một trong năm nguyên tắc cơ bản trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Ba là, trước đây, khi thực hiện Thông tư số 03/2010/TT-BTP, do chưa có quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã trong việc thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nên quá trình triển khai áp dụng gặp nhiều vướng mắc, bất cập.
Đến nay, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo đó, Ủy ban nhân dân các cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương, như sau:
Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương.
Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được phân công.
Tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham mưu, giúp người đứng đầu cơ quan chuyên môn theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Bốn là, tại Thông tư số 03/2010/TT-BTP, nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật được quy định còn chung chung, không phù hợp, thiếu tính khả thi. Trong khi đó, Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã bổ sung nội dung này các tiêu chí rõ ràng, khả thi hơn. Theo đó, nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật gồm: Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; tình hình tuân thủ pháp luật.
Năm là, nội dung thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật được quy định tại Điều 11 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP so với Thông tư số 03/2010/TT-BTP đã có quy định mới:
“ 1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp tổng hợp thông tin về tình hình thi hành pháp luật từ báo cáo của các cơ quan nhà nước quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này theo các nội dung sau đây:
a) Số lượng, hình thức và tên văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; số lượng, hình thức và tên văn bản ban hành chậm tiến độ và lý do chậm tiến độ; số lượng văn bản không thống nhất, không đồng bộ và tính khả thi không cao;
b) Nội dung, hình thức tập huấn, phổ biến pháp luật đã được thực hiện; thực trạng về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, các điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật;
c) Tình hình hướng dẫn áp dụng pháp luật, tình hình áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền;
d) Tình hình xử lý vi phạm pháp luật.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp.
Tổ chức, cá nhân có thể trực tiếp cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật hoặc qua Trang thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.
Thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp phải được kiểm tra, đối chiếu trước khi sử dụng để đánh giá tình hình thi hành pháp luật”.
Sáu là, về xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật là nội dung mới được quy định cụ thể tại Điều 14 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP:
“1. Căn cứ kết quả thu thập thông tin, kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, Bộ, Cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo các nội dung sau đây:
a) Ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
b) Thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, phổ biến pháp luật; bảo đảm về tổ chức, biên chế, kinh phí và các điều kiện khác cho thi hành pháp luật;
c) Kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực;
d) Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật;
đ) Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật;
e) Thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo đề nghị của Bộ Tư pháp hoặc của Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Ủy ban nhân dân cấp dưới có trách nhiệm xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp”.
Bảy là, trong khi Thông tư số 03/2010/TT-BTP không có điều khoản riêng quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, mà quy định phân tán ở các điều khoản khác nhau, thì Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã dành một Điều riêng (Điều 17) để quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nội dung này cùng với nội dung quy định tại khoản 3 Điều 5, Điều 14 và những nội dung khác có liên quan của Nghị định đã tạo cơ chế pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương.
Tám là, Điều 18 Nghị định quy định về sự phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo đó, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đây là nội dung hoàn toàn mới./.
 

Trương Thị Xuân Hải
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.563.832
Lượt truy cập hiện tại 18.017