Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số nội dung cơ bản của Luật Nhà ở năm 2014
Ngày cập nhật 02/02/2015

Ngày 25 tháng 11 năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Nhà ở 2014. Luật có 13 Chương và 183 điều, quy định về sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam, áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.

Theo đó, Chương 1 quy định những vấn đề chung về quyền có chổ ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân; chính sách bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của nhà nước…Luật Nhà ở 2014 gồm các nhóm nội dung chính sau: Nội dung về sở hữu nhà ở (Chương 2); nhóm nội dung quy định phát triển nhà ở (Chương 3), về Chính sách nhà ở xã hội (Chương 4), về Tài chính cho phát triển nhà ở (Chương 5), quy định về quản lý và sử dụng nhà ở (Chương 6), quy định về Quản lý sử dụng nhà chung cư (Chương 7), các nội dung giao dịch về nhà ở quy định tại Chương 8,  nội dung về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài (Chương 9, quy định về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về nhà ở (Chương 10), Chương 11 quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước quản lý về nhà ở và Chương 12 quy định việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nhà ở.

Về sở hữu nhà ở, Luật quy định có 03 đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật (Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.)

Để được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân phải có các điều kiện sau: Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và sở hữu nhà thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật và sở hữu nhà thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật…

Bên cạnh việc quy định các chính sách và yêu cầu cho phát triển nhà ở, Luật quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở tại địa phương trong việc xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, theo đó: Trên cơ sở Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn của địa phương đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chương trình phát triển nhà ở của địa phương bao gồm cả tại đô thị và nông thôn cho từng giai đoạn 05 năm và 10 năm hoặc dài hơn để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi phê duyệt; căn cứ chương trình phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm và 05 năm trên địa bàn bao gồm kế hoạch phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân, trong đó phải xác định rõ kế hoạch phát triển nhà ở xã hội để cho thuê…

Chính sách về nhà ở xã hội (Chương 4), đây là nội dung nhằm thế chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nhà ở. Tại Chương này, bên cạnh quy định các nội dung liên quan đến chính sách phát triển và quản lý nhà ở xã hội để cho thuê, mua bán; chính sách nhà ở xã hội do gia đình, cá nhân tự xây dựng, cải tạo, sửa chữa để ở… Luật quy định cụ thể 10 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này; học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở…

Ủy ban nhân dân các cấp là cơ quan có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn, có trách nhiệm: Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển, quản lý nhà ở; ban hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về nhà ở, cơ chế, chính sách cho phát triển và quản lý nhà ở; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phân loại nhà ở và quản lý chất lượng nhà ở; quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở; thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, đình chỉ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở; quản lý hồ sơ nhà ở; quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; quản lý các dự án đầu tư xây dựng nhà ở…

Ngô Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Thực hiện Quyết định số 762/QĐ-UBND ngày 27/3/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kiểm tra liên ngành việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm...
Ngày 22 tháng 4 năm 2024, ngày ngày đầu tiên tỉnh Thừa Thiên Huế kích hoạt thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.678.773
Lượt truy cập hiện tại 434