Thừa Thiên Huế: 10 năm đưa Luật hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống
Ngày cập nhật 28/11/2023

Là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, từ lâu, hòa giải ở cơ sở đã được xem phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, ngăn ngừa những mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội, đồng thời là một phương thức an dân, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”. Để ghi nhận, biểu dương những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở, cũng như nhìn nhận những kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện, vào sáng ngày 24 tháng 11 năm 2023, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.

 

Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong 10 năm qua, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp tổ chức hơn 300 đợt tuyên truyền, trong đó có các nội dung liên quan về hòa giải ở cơ sở với trên 70.000 lượt Nhân dân tham dự. Biên soạn, phát hành hàng trăm ngàn Tờ gấp pháp luật, sách, bản tin pháp luật; đăng tải các tình huống giải đáp pháp luật, câu chuyện, tiểu phẩm pháp luật với các chủ đề liên quan đến lĩnh vực về dân sự, hôn nhân và gia đình, trật tự xã hội,...liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở,...Với sự tích cực, kịp thời trong công tác truyền thông, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở đã bước đầu nâng cao nhận thức của Nhân dân ở cơ sở về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở.

Không chỉ quan tâm, bồi dưỡng phát triển đội ngũ tập huấn viên và hòa giải viên ở cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách, tham mưu công tác hòa giải của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương cũng được xác định là lực lượng quan trọng, góp phần quan trọng quyết định đến chất lượng của hoạt động hòa giải. Cùng với việc tổ chức các buổi Hội thảo, Tọa đàm, Hội nghị nhằm thông tin thực trạng triển khai hòa giải ở cơ sở, tạo diễn đàn để trao đổi hai chiều về các vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước, nêu ra những tồn tại, hạn chế, để đề ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời; Hội đồng PBGDPL hai cấp cũng luôn tạo điều kiện, khen thưởng, tuyên dương kịp thời nhằm động viên, khích lệ tinh thần đối với đội ngũ này.

Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở; đặc biệt từ sau khi Nghị quyết liên tịch số 01/2014/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở được ban hành, Mặt trận Tổ quốc xã, thị trấn đã phối hợp với công chức Tư pháp - hộ tịch hướng dẫn các thôn, xóm, tổ dân phố tích cực đưa hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư,… qua đó đã đưa hoạt động hòa giải ngày càng đến gần với Nhân dân, mang lại ý nghĩa thiết thực về an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thông qua các tham luận được trình bày tại Hội thảo đã cho thấy, nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác hòa giải ở cơ sở đã có sự chuyển biến mạnh mẽ; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ hòa giải viên tại địa phương càng ngày càng phát huy được vai trò, trách nhiệm trong công tác hòa giải; nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân đã được giải quyết kịp thời, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu và khiếu kiện vượt cấp. Một số địa phương đã thực hiện tốt việc quan tâm, giải quyết kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân ngay từ khâu hòa giải nên không có điểm nóng về đơn thư khiếu nại, tố cáo; an ninh trật tự được giữ vững, hình thành ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong cộng đồng dân cư.

Hội thảo tổng kết cũng nhận được một số ý kiến đánh giá khách quan từ các chuyên gia, nhà khoa học đối với kết quả 10 năm đưa Luật Hòa giải ở cơ sở vào thực tiễn. Đồng thời ghi nhận các giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ của hòa giải viên; những đề xuất nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật của cơ chế hòa giải nhằm tạo nền móng pháp lý vững chắc cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả.

  

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp đã ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương 10 năm qua như: Số vụ việc hòa giải thành là 8.988/11.176 tổng số vụ việc tiếp nhận (chiếm tỉ lệ 80,42%); tỉ lệ nữ hòa giải viên trong tổ hòa giải luôn được đảm bảo; trên 85% lực lượng hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng mỗi năm; tham dự và đạt giải khuyến khích Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III và IV với chất lượng các phần thi được Ban Giám khảo đánh giá cao,.... Cùng với việc Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về việc tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” giai đoạn 2024-2030, đã cho thấy ý nghĩa, vị trí quan trọng của công tác hòa giải; với những nội dung và nhiệm vụ cụ thể, bám sát yêu cầu xây dựng đất nước trong tình hình mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin – phần mềm quản lý công tác hòa giải ở cơ sở, đồng chí tin tưởng rằng, sau khi Đề án được triển khai, sẽ đem lại một diện mạo mới cũng như giúp cho chế định về hòa giải ở cơ sở ngày càng thực chất và trở thành một công cụ quản lý nhà nước đắc lực.

*** Để biểu dương, tôn vinh những điển hình xuất sắc đã có nhiều đóng góp trong công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương, tại Hội thảo đã tiến hành trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho đại diện 15 tập thể và 19 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày