Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi toàn quốc về phòng, chống tham nhũng
Ngày cập nhật 24/06/2021

Ngày 22 tháng 6 năm 2021, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1037/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi tắt là Cuộc thi). Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 6 năm 2021.

 

Theo đó, đối tượng Cuộc thi là báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, báo cáo viên pháp luật cấp huyện (gọi chung là báo cáo viên pháp luật) và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã (tuyên truyền viên pháp luật) được công nhận tại Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Cuộc thi được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Nội dung thi về kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật, trọng tâm là kỹ năng thuyết trình; kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân.

Cách thức tổ chức thi: ở địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động phương án tổ chức Cuộc thi ở địa phương để lựa chọn 01 báo cáo viên pháp luật, 01 tuyên truyền viên pháp luật tham dự Cuộc thi do trung ương tổ chức.

Ở Trung ương Cuộc thi dự kiến tổ chức qua 02 vòng:

Vòng 1: hình thức thi vấn đáp trực tuyến, được tổ chức theo 03 khu vực. Mỗi khu vực gồm 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, như sau:

- Khu vực 1 gồm các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc.

- Khu vực 2 gồm các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk, Đắk Nông.

- Khu vực 3 gồm các tỉnh, thành phố: Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bế Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ.

- Cách thức thi: tại mỗi khu vực thi, Ban Tổ chức mở phòng họp trực tuyến (điểm cầu trung tâm đặt tại Bộ Tư pháp) kết nối với các thí sinh qua ứng dụng họp trực tuyến (Ban Tổ chức sẽ có thông báo sau). Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ thi lần lượt theo thứ tự bảng chữ cái. Tại mỗi điểm cầu, tuyên truyền viên pháp luật thi trước, báo cáo viên pháp luật thi sau. Mỗi thí sinh có 03 phần thi: Phần 1 – Giới thiệu; Phần 2 – Trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo; Phần 3 – Thuyết trình theo chủ đề.

Địa điểm thi của thí sinh do Sở Tư pháp và thí sinh thống nhất lựa chọn, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, chất lượng đường truyền ổn định, đáp ứng các yêu cầu của Cuộc thi trực tuyến và phòng, chống dịch bệnh Covid 19. Thời gian dự kiến tổ chức vào tháng 9, 10/2021 (02 ngày/01 khu vực).

Vòng 2:

Trên cơ sở kết quả thi Vòng 1, tại mỗi khu vực, Ban Tổ chức lựa chọn 03 báo cáo viên pháp luật, 03 tuyên truyền viên pháp luật đạt giải cao nhất của khu vực tham gia thi Vòng 2.

Hình thức thi dự kiến: thi trực tiếp trên sân khấu (căn cứ thực tế diễn biến của dịch bệnh Covid 19, Ban Tổ chức thi sẽ điều chỉnh hình thức thi phù hợp).

Cách thức thi: lần lượt thi từng thí sinh theo số báo danh. Mỗi thí sinh có 3 phần thi: Phần 1 – Giới thiệu; Phần 2 – Trả lời câu hỏi; Phần 3 – Thuyết trình theo chủ đề. Thời gian tổ chức dự kiến tháng 11/2021.

 

Tập tin đính kèm:
Xem tin theo ngày