Xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030
Ngày cập nhật 10/06/2021

Ngày 24 tháng 5 năm 2021, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nghị quyết đánh giá chung, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước, giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều chỉ tiêu tại Nghị quyết đều đạt và vượt. Đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở các cấp học, tạo nền tảng quan trọng để phát triển toàn diện, vững chắc. Cải cách hành chính trong giáo dục được chú trọng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong trường học có nhiều chuyển biến tích cực.

Mạng lưới trường lớp, các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được sắp xếp, sáp nhập hợp lý, tinh gọn, đáp ứng nhu cầu và quy mô học sinh. Đội ngũ nhà giáo, quản lý giáo dục có trình độ và năng lực ngày càng cao, cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu giáo viên bộ môn. Công tác phổ cập giáo dục được quan tâm; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế.

Đại học Huế khẳng định vị thế của Đại học vùng, trung tâm lớn đào tạo đại học và sau đại học. Là địa chỉ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung, Tây nguyên và cả nước. Đã thực hiện tái cấu trúc, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc tinh gọn, hiệu quả. Tổ chức thành công nhiều hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao thứ hạng trên các bảng xếp hạng Đại học.

Học viện âm nhạc Huế, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Huế, Trường Đại học Phú Xuân, các cơ sở đào tạo đã phát huy thế mạnh, dần khẳng định vai trò, vị thế trong đào tạo, nghiên cứu. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển biến theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đa dạng về loại hình và ngành, nghề đào tạo.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các cấp, bậc học và các vùng miền. Cơ sở vật chất một số trường học chưa chuẩn hóa, hiện đại. Một bộ phận nhà giáo chưa tích cực đổi mới trong quản lý, dạy học. Hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển chậm. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa mạnh. Mục tiêu xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia chưa hoàn thành. Công tác nghiên cứu khoa học – công nghệ trong hệ thống chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Sự gắn kết, phối hợp giữa Đại học Huế với tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả chưa cao. Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp còn hạn chế.

Trên cơ sở đánh giá nêu trên, Nghị quyết số 05-NQ/TU đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Thừa Thiên Huế là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đổi mới toàn diện giáo dục Phổ thông, giáo dục Nghề nghiệp và giáo dục Đại học, phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong bối cảnh mới, yêu cầu cấp thiết về nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Về mục tiêu cụ thể: Phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong tốp 300 các trường đại học hàng đầu Châu Á. Hoàn thiện khu đô thị Đại học Huế với đầy đủ công năng. Phát triển trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình “Trường – Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Xây dựng Học viện Âm nhạc Huế xứng tầm là một trong ba cơ sở đào tạo, nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn có uy tín, thương hiệu của cả nước. Phát triển từ 1 đến 2 trường cao đẳng chất lượng cao. Xây dựng trường THPT chuyên Quốc học Huế trở thành điểm sáng về chất lượng giáo dục; Trường THCS Nguyễn Tri Phương trở thành trường kiểu mẫu, chất lượng cao của toàn quốc.

Nghị quyết nêu rõ các chỉ tiêu, cụ thể: đến năm 2025, Đại học Huế có từ 150-155 ngành đào tạo đại học; 95-100 ngành đào tạo thạc sỹ, 55-60 ngành đào tạo tiến sỹ, 20-30 ngành đào tạo trọng điểm, tiên tiến và liên kết quốc tế; 10-15 chương trình đào tạo đồng cấp bằng; 30% chương trình đào tạo đại học và sau đại học song ngữ Việt – Anh; 50% chương trình đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến. Có ít nhất 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành đào tạo, khởi nghiệp hoặc tiếp tục học tập, nghiên cứu. Quy mô tuyển sinh mới hàng năm: 11.000-12.000 sinh viên; tổng quy mô sinh viên toàn tỉnh là 55.000-60.000 sinh viên và học viên. Tuyển sinh trình độ thạc sỹ, tiến sỹ hàng năm không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh.

Đến năm 2025, có 1.400 tiến sỹ, trong đó có 400 giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. 100% cơ sở đào tạo nghề được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, trong đó, một số tiêu chí tiếp cận trình độ các nước ASEAN và quốc tế. Phấn đấu có 80% người học có việc làm sau đào tạo. Mạng lưới đủ năng lực đào tạo bình quân hàng năm khoảng 16.000-18.000 người. 100% giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định, trong đó, 40-50% có trình độ sau đại học.

Đến năm 2025, toàn tỉnh huy động được ít nhất 43% trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 98% trẻ em độ tuổi mẫu giáo đến trường. 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở. Phân luồng sau trung học cơ sở tỷ lệ 70% -30% và sau trung học phổ thông tỷ lệ 60%-40%. Xếp hạng tốt nghiệp phổ thông nằm trong top 15 của quốc gia. Trung bình đạt 01 giải quốc tế/năm; trên 80% học sinh dự thi quốc gia đạt giải. Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ III trước năm 2030. Tăng tỷ lệ trường đạt kiểm định chất lượng, trường đạt chuẩn quốc gia tất cả các cấp bậc học lên 90%. Có trên 90% cán bộ quản lý và giáo viên cấp học mầm non và phổ thông đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, trong đó có 23-25% trên tiêu chuẩn.

Các nhiệm vụ và giải pháp chính để thực hiện, đó là tiếp tục rà soát, sắp xếp bảo đảm quy hoạch mạng lưới trường, lớp và cơ sở đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo; đổi mới mạnh mẽ và tăng cường hiệu lực,hiệu quả công tác quản lý giáo dục; phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục – đào tạo đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng các chính sách phù hợp để phát triển giáo dục – đào tạo chất lượng cao; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với hình thức phù hợp; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý Nhà nước về giáo dục – đào tạo./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày