Sở Tư pháp đánh giá tình hình thực hiện mô hình số 08 đối với các tổ chức hành nghề công chứng
Ngày cập nhật 08/08/2023

Ngày 04 tháng 8 năm 2023, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện mô hình số 08 “Toàn bộ các cơ sở công chứng, chứng thực bảo đảm điều kiện cho người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc VneID khi đi công chứng, chứng thực thay cho các loại giấy tờ” với sự tham gia của đại diện các cơ quan, tổ chức: Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Công chứng viên tỉnh và 11 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Văn Hưng – Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì.

Trong công tác triển khai thực hiên mô hình số 05, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 1240/KH-STP ngày 07/6/2023 đề ra các nhiệm vụ cụ thể và lộ trình thực hiện; ban hành các văn bản nắm bắt tình hình, kết quả và khó khăn, vướng mắc của các tổ chức hành nghề công chứng khi sử dụng thiết bị đọc QR và thiết bị đọc chip trên căn cước công dân; phối hợp với Công an tỉnh, Hội Công chứng viên tỉnh triển khai điểm việc sử dụng thiết bị đọc chip trên căn cước công dân tại Văn phòng công chứng Hồ Phi Hùng; kiến nghị Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp hướng dẫn tiêu sử dụng các thông tin từ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thay cho các loại giấy tờ liên quan trong hoạt động công chứng để đảm bảo mục tiêu hạn chế yêu cầu công dân xuất trình các loại giấy tờ liên quan,…

Qua báo cáo tình hình thực hiện điểm của Văn phòng công chứng Hồ Phi Hùng và ý kiến các tổ chức hành nghề công chứng, hiện nay việc sử dụng thiết bị đọc chip trên căn cước công dân trong hoạt động công chứng còn một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu như: Nội dung thể hiện qua thiết bị đọc chip bao gồm thông tin liên quan đến cha, mẹ, vợ, chồng. Tuy nhiên, những thông tin thu được từ thiết bị này không thể thay thế được các giấy tờ về hộ tịch theo quy định của Luật Công chứng và Luật Hộ tịch. Do đó, trong hồ sơ, người yêu cầu công chứng vẫn phải cung cấp các giấy tờ liên quan nêu trên. Một số thông tin của công dân khi có thay đổi nhưng chưa được cập nhật kịp thời (thông tin về nơi thường trú,…),…

Đồng chí Nguyễn Văn Hưng – Giám đốc Sở Tư pháp – Chủ trì Hội nghị ghi nhận và chia sẽ những khó khăn, vướng mắc hiện nay của các tồ chức hành nghề công chứng và cho biết, những khó khăn, vướng mắc này đang được các cơ quan chức năng xem xét, phối hợp giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời nhấn mạnh, chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; tỉnh Thừa Thên Huế được chọn điểm để thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” với 24 mô hình, trong đó có mô hình số 08. Việc triển khai được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh và sự hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ của Ngành Công an, đồng chí đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng tích cực hưởng ứng, tham gia để sớm đạt được mục đích chuyển đổi số quốc gia.

Mô hình số 08 là một trong 24 mô hình đang được triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế theo Kế hoạch phối hợp số 171/KHPH-BCA-UBND ngày 28/4/2023 của Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cụ thể: (1) Đảm bảo điều kiện công dân số; (2) Chuẩn hoá xác thực tập trung (SSO) VDXP; (3) Triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu; (4) Tự động hoá Trung tâm hành chính công thông qua tương tác Kiosk; (5) Xây dựng tối thiểu 20 dịch vụ công không sử dụng hồ sơ giấy; (6) Quản lý chương trình An sinh xã hội thông qua VneID; (7) Khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân và VneID; (8) Triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực; (9) Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại: nhà trọ; nhà nghỉ; khách sạn 2-3 sao, khách sạn 4 sao, khách sạn 5 sao; nhà khách; nhà công vụ; (10) Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại: nhà cho thuê; nhà ở trong khu công nghiệp, khu chế xuất; (11) Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại Cơ sở khám chữa bệnh; (12) Triển khai Camera AI kiểm soát ra/vào tại Khu du lịch; (13) Triển khai Camera AI kiểm soát ra/vào tại Khu Công nghiệp; (14) Triển khai Camera AI kiểm soát ra/vào tại Nhà gia, bến tàu; (15) Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (cơ sở cầm đồ, cơ sở dịch vụ bảo vệ, dịch vụ thừa phát lại, cơ sở khác); (16) Triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe; (17) Triển khai giải pháp xử phạt giao thông và trật tự an toàn xã hội; (18) Phân tích tình hình dân cư; (19) Phân tích tình hình lao động; (20) Phân tích tình hình du lịch thông qua lưu trú; (21) Phân tích tình hình trật tự, an toàn xã  hội trên địa bàn; (22) Truyền thông nội bộ cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước; (23) Truyền thông chính sách qua hệ thống LED, Pano, Áp phích, Truyền thanh cơ sở, Truyền hình địa phương, hệ thống phát thanh thông minh, nên tảng số; (24) Trung tâm Giám sát an ninh mạng SOC tỉnh Thừa Thiên Huế./.

 

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày