Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.426.494
Truy cập hiện tại 25.089
Tình huống hòa giải về thừa kế
Ngày cập nhật 18/07/2022

1. Ông Vinh và bà Huế có 02 người con, 01 trai, 01 gái, tạo lập được ngôi nhà trên diện tích đất 300m2. Ông Vinh mất và không để lại di chúc.  Do thấy cuộc sống của người con gái khó khăn, nên bà Huế muốn bán một nửa diện tích đất và chia cho người con gái một khoản tiền. Khi bà bàn việc này với vợ chồng con trai thì người con trai không đồng ý vì cho rằng con gái đi lấy chồng thì không có quyền hưởng di sản dẫn đến mâu thuẫn. Bà Huế đã nhờ hòa giải viên can thiệp. Vậy, hòa giải viên sẽ áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải?

Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

 1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, Hòa giải viên cần căn cứ vào Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải thích cho người con trai của bà Huế và bà Huế hiểu rõ về người thừa kế theo pháp luật. Vì ông Vinh mất không để lại di chúc nên những người được thừa kế theo pháp luật bao gồm: bà Huế, người con trai và người con gái. Vì vậy, người con gái cũng được hưởng di sản của ông Vinh để lại.

2. Ông Dũng lập di chúc sau khi vợ qua đời để lại tài sản cho 2 con trai là anh Mạnh và anh Tiến mỗi người là một mảnh đất, còn ngôi nhà đang sống cùng anh Mạnh, ông để lại làm di sản thờ cúng và giao anh Mạnh quản lý . Khi ông Dũng mất và mở di chúc, anh Tiến đòi chia luôn ngôi nhà đó vì cho rằng đó là tài sản của bố anh để lại nên anh cũng có quyền. Anh Mạnh đã giải thích nhiều lần là bố đã để lại di chúc như vậy thì hai anh em phải thực hiện nhưng anh Tiến không đồng ý. Hai anh em xảy ra mâu thuẫn. Anh Mạnh đã nhờ hòa giải viên hòa giải. Hòa giải viên áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải?

 

Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Như vậy, Hòa giải viên cần căn cứ vào Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 để hòa giải cho anh Mạnh và anh Tiến, giải thích cho anh Tiến hiểu được quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng, di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý. Bên cạnh đó, Hòa giải viên cần nêu lên những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam về tình cảm anh em trong gia đình.

3. Sau khi bố mất, ba anh em Hùng, Hòa và Huy mở di chúc bố lập sẵn. Theo nội dung di chúc thì cả 3 anh em được hưởng di sản của bố ngang nhau. Tuy nhiên, Hùng và Hòa cho rằng Huy ham chơi, lười làm không đóng góp gì cho gia đình và không quan tâm đến bố khi ông còn sống nên không có quyền hưởng di sản bố để lại. Huy không đồng ý cho rằng, bố để di chúc như thế nào thì thực hiện như vậy. Do đó, Hùng, Hòa xảy ra mâu thuẫn với Huy. Huy đã nhờ hòa giải viên can thiệp. Hòa giải viên hòa giải áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải trong trường hợp này?      

Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người không được quyền hưởng di sản như sau:

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 nêu trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Như vậy, Hòa giải viên cần căn cứ vào Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải thích cho ba anh em hiểu rõ quy định về người không được hưởng di sản. Trong trường hợp này Huy không phải là người không được quyền hưởng di sản nên sẽ được hưởng tài sản của bố để lại theo di chúc.  Bên cạnh đó, Hòa giải viên cần nêu lên những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam về tình cảm gia đình, tình cảm anh em.

4. Sau khi chồng là ông Bảo qua đời, làm đám tang xong thì ông Xanh ở xóm bên đến nhà đòi bà Sen trả nợ cho chồng do trước khi mất ông Bảo có nợ một khoản tiền vay trong thời gian con bị ốm. Nhưng do quá nghèo nên bà Sen không có tiền để trả, ông Xanh đòi lấy tiền phúng điếu và tiền của ông Bảo để lại trả cho bà. Bà Sen cho biết toàn bộ tiền phúng điếu đều lo cho việc mai táng cho chồng, ông Bảo cũng không để lại tài sản gì cho bà cả chỉ có ngôi nhà để mẹ, con bà che mưa nắng. Nên, bà Sen mong ông Xanh cho bà thời gian, bà sẽ cố gắng làm việc để trả nợ cho ông. Ông Xanh không đồng ý, gây ồn ào. Bà Sen đã nhờ hòa giải viên giúp đỡ. Trong trường hợp này, Hòa giải viên áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải?

Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản;

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

5. Tiền công lao động;

6. Tiền bồi thường thiệt hại;

7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước;

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân;

9. Tiền phạt;

10. Các chi phí khác.

Như vậy, Hòa giải viên cần căn cứ vào quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 giải thích cho bà Sen và ông Xanh hiểu rõ quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, ưu tiên thanh toán trước tiên là các chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng. Ngoài ra, Hòa giải viên phải vận dụng đạo đức truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam về tình làng nghĩa xóm.   

5. Sau khi ông Lực chồng bà Mai mất, bà Mai cùng các con mở di chúc của ông Lực. Theo nội dung di chúc, ông Lực để lại cho vợ là bà Mai và hai người con trai là mỗi người một phần di sản của ông. Còn người con gái út, ông Lực không để lại di sản vì lý do là con gái sau này lấy chồng là con người ta và còn nhỏ nên không thể quản lý tài sản của mình. Do đó, bà Mai nói với hai người con trai chia cho con gái út một phần di sản của ông Lực để lại, nhưng hai người con trai không đồng ý to tiếng. Bà Mai đã nhờ hòa giải viên hòa giải. Vậy, Hòa giải viên áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải trong trường hợp này?

Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều 644 nêu trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Như vậy, Hòa giải viên căn cứ vào Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc để thực hiện hòa giải. Theo quy định, con gái út là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, con chưa thành niên. Do đó, con gái út được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật. Bên cạnh đó, Hòa giải viên cần nêu lên những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam về tình cảm gia đình.

6. Ông Phú và bà Dung có 2 người con trai là Nam và Tiến. Anh Nam và anh Tiến mỗi người có một con trai. Sau khi ông Phú chết, để lại diện tích đất 300m2 và tiền mặt 200 triệu đồng thì anh Nam muốn chia di sản thừa kế do ông Phú để lại. Nhưng do anh Tiến đã mất trước khi ông Phú qua đời nên phần di sản thừa kế của bố anh đề nghị chỉ chia cho mẹ anh và anh. Bà Dung không đồng ý cho rằng anh Tiến chết nên con anh sẽ được hưởng phần di sản này. Hai bên xảy ra mâu thuẫn. Bà Dung đã nhờ hòa giải viên hòa giải.  Vậy, Hòa giải viên hòa giải áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải trong trường hợp?

  Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 215 quy định về thừa kế thế vị như sau:

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Như vậy, Hòa giải viên cần căn cứ vào Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải thích cho anh Nam hiểu được quy định về thừa kế thế vị. Do anh Tiến (em trai anh Nam) chết trước ba anh (chết trước người để lại di sản). Vì vậy, người con trai của anh Tiến được hưởng phần di sản mà anh Tiến được hưởng nếu còn sống. Bên cạnh đó, Hòa giải viên cần nêu lên những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam về tình cảm gia đình.

7. Ông Du qua đời để lại di sản thừa kế số tiền 200 triệu đồng và diện tích đất 200mcho hai con là anh Khoa và chị Quyên, do chị Quyên ở xa nên phần di sản thừa kế này anh Khoa đang quản lý. Sau 5 năm kể từ ngày ông Du mất, chị Quyên yêu cầu chia di sản thừa kế, nhưng anh Khoa không đồng ý vì cho rằng thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế đã hết, nên hai anh em to tiếng cãi vã gây mâu thuẫn. Chị Quyên đã nhờ hòa giải viên can thiệp. Vậy, Hòa giải viên áp dụng nào quy định của pháp luật để hòa giải trong trường hợp này?

Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu thừa kế như sau:

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật Dân sự;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản 1 nêu trên.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, Hòa giải viên cần căn cứ vào Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải thích cho anh Khoa hiểu rõ quy định về thời hiệu thừa kế, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (kể từ thời điểm người để lại di sản). Do ông Du chết 5 năm nên thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế vẫn còn. Bên cạnh đó, Hòa giải viên cần nêu lên những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam về tình cảm gia đình, tình cảm anh em.

          8. Bà Vân thấy sức khỏe không ổn nên nói anh Việt gọi các con, cháu đến để dặn dò, bà nói sẽ để lại toàn bộ tài sản của bà cho người anh Việt và để anh lo thờ tự, hương khói cho ông bà tổ tiên. Nhưng năm tháng sau thì bà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Anh Việt nói với Linh (em gái) là toàn bộ tài sản của mẹ đã để lại cho anh, Linh không đồng ý vì cho rằng di chúc đó không hợp pháp. Hai bên tranh cãi, gây mâu thuẫn. Linh đã nhờ Hòa giải viên hòa giải. Hòa giải viên áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải trong trường hợp này?

Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc miệng như sau:

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

          Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Như vậy, Hòa giải viên căn cứ vào Điều 629, khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải thích cho các người con của bà Hà hiểu rõ về quy định di chúc hợp pháp và di chúc miệng. Vì sau ba tháng bà Hà vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt. Do đó di chúc miệng đó mặc nhiên bị hủy bỏ. Bên cạnh đó, Hòa giải viên cần nêu lên những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam về tình cảm gia đình, tình cảm anh em.

          9. Trước khi sinh được anh Tuấn, ông Anh và bà Tuyết có nhận chị Hoa là con nuôi. Tuy là con nuôi nhưng hai ông bà luôn xem chị Hoa như con ruột. Do đó, khi ông Anh qua đời, bà Tuyết muốn chia di ản thừa kế của ông Anh cho 2 con nhưng anh Tuấn không cho chị gái được nhận di sản của bố để lại vì cho rằng chị là con nuôi không có quyền được hưởng. Bà Tuyết không đồng ý làm hai mẹ con to tiếng, cãi vã. Bà Tuyết đã nhờ hòa giải viên can thiệp. Vậy, Hòa giải viên áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải trong trường hợp này?

Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Điều 653 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định vể quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ như sau:

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651(người thừa kế theo pháp luật) và Điều 652 (thừa kế thế vị) của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Như vậy, Hòa giải viên cần căn cứ vào Điều 651 và Điều 653 Bộ luật Dân sự giải thích cho anh Tuấn hiểu về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ và quy định về người thừa kế theo pháp luật. Con đẻ hay con nuôi đều được hưởng phần di sản thừa kế ngang nhau. Bên cạnh đó, Hòa giải viên cần nêu lên những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam về tình cảm gia đình, tình cảm anh em.

10. Sau khi vợ qua đời, ông Nam kết hôn với bà Huệ là mẹ đơn thân có 1 cô con gái là chị Hân. Bà Huệ và chị Hân về chung sống với ông Nam và cậu con trai của ông Nam là anh Quân. Tuy ở chung với cha dượng nhưng chị Hân quý mến ông Nam, thường xuyên quan tâm, chăm sóc ông và xem ông như bố đẻ của mình. Một thời gian sau, ông Nam bị bệnh chết không để lại di chúc. Anh Quân đề nghị phân chia di sản thừa kế do bố để lại và không đồng ý  cho em gái là chị Hân được hưởng di sản vì không có quan hệ huyết thống gì với bố của anh, bà Huệ không đồng ý, hai bên to tiếng, cãi vã dẫn đến mâu thuẫn. Do đó, bà Huệ đã nhờ hòa giải viên can thiệp. Vậy, Hòa giải viên áp dụng quy định nào của pháp luật để thực hiện hòa giải trong trường hợp này?           

Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế như sau:

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 (thừa kế thế vị) và Điều 653 (thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ) của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Như vậy, Hòa giải viên cần căn cứ vào quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải thích cho bà Huệ và những người con hiểu về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế. Chị Hân ở cùng với ông Nam thường xuyên quan tâm, chăm sóc và xem ông như bố đẻ của mình, có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng nhau. Do đó, chị Hân cũng được hưởng di sản thừa kế do ông Nam (bố dượng) để lại. Bên cạnh đó, Hòa giải viên cần nêu lên những truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam về tình cảm gia đình.

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày