Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.387.603
Truy cập hiện tại 30.129
Giải đáp một số trường họp hòa giải về bồi thường ngoài hợp đồng
Ngày cập nhật 18/07/2022

1. Anh Tuấn là chủ cửa hàng đồ gỗ của thị xã. Hôm nay, nhân dịp cuối năm nên cửa hàng đóng cửa sớm để tổ chức liên hoan. Trong buổi liên hoan, vì ham vui và được các anh em mời bia liên tục nên anh Tuấn đã uống khá nhiều. Sau khi kết thúc liên hoan, anh Tuấn đi bộ về nhà, tuy nhiên, do say xỉn, tinh thần không tỉnh táo, trong lúc đi ngang qua quán ăn bên đường, anh đã xô ngã cháu Nga đang phụ mẹ bưng bát nước sôi khiến cháu bị bỏng cả hai tay. Sau khi thăm khám tại bệnh viện, cháu Nga được xác định bỏng độ 1. Mẹ cháu Nga yêu cầu anh Tuấn phải bồi thường tiền khám, chữa bệnh nhưng anh Tuấn từ chối với lý do mình không cố ý trong chuyện này. Do hai bên không giải quyết được nên mẹ cháu Nga đã mời ông Minh là hòa giải viên và cũng là Tổ trưởng Tổ dân phố đến để giải quyết. Ông Minh muốn biết pháp luật có quy định như thế nào về việc trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời, Điều 596 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra như sau:

1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Như vậy, ông Minh căn cứ quy định trên để phân tích cho anh Tuấn hiểu về hành vi của anh. Trong trường hợp này, dù anh Tuấn không cố ý làm cháu Nga bị thương nhưng do anh Tuấn đã sử dụng bia (chất kích thích) dẫn tới không tỉnh táo, không làm chủ được hành vi, xô ngã cháu Nga khiến cháu bị bỏng, do đó, anh Tuấn phải bồi thường thiệt hại theo quy định.

 

2. Cháu Quân (14 tuổi) là con trai của vợ chồng chị Hoa. Tuy nhỏ tuổi nhưng cháu khá nghịch ngợm, thường xuyên tìm trò để trêu đùa hàng xóm. Một lần cháu nhìn thấy ông Bình đang nhốt đàn gà vào lồng chuẩn bị đem bán, đợi đến lúc ông Bình đi khỏi, liền ra mở cửa lồng, tháo dây thả toàn bộ số gà của ông Bình xuống đường. Sau khi ông Bình phát hiện đã vội vàng đuổi bắt, tuy nhiên vẫn bị mất hơn một nửa đàn. Tức giận với hành vi nghịch ngợm của cháu Quân, ông Bình đã sang nhà chị Hoa yêu cầu vợ chồng anh chị đền bù cho ông số gà đã bị mất do cháu Quân thả. Tuy nhiên chị Hoa không chịu với lý do cháu Quân còn nhỏ, không có tiền để đền và việc cháu đã làm anh chị không hề biết. Ông Bình đuối lý nên đã mời ông Đông là hòa giải viên của thôn đến để giải quyết. Ông Đông đề nghị cho biết pháp luật có quy định như thế nào về việc trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời Khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Như vậy, căn cứ quy định trên, ông Đông để phân tích cho vợ chồng chị Hoa hiểu về hành vi của cháu Quân. Trong trường hợp này, cháu Quân mới 14 tuổi (chưa đủ 15 tuổi), đồng thời cháu không thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý theo quy định tại Điều 599 Bộ Luật dân sự năm 2015, nên việc bồi thường thiệt hại do cháu gây ra sẽ do bố mẹ thực hiện. Vì vậy, vợ chồng chị Hoa phải bồi thường thiệt hại cho ông Bình theo quy định.

 

3. Do mâu thuẫn trong chuyện hợp tác làm ăn nên Thái thường xuyên gây gổ với anh Thành. Một lần Thái đi về nhà, trên đường đi ngang qua nhà anh Thành, Thái nhìn thấy nhà anh Thành đang đào móng chuẩn bị làm nhà, Thái chợt nhớ lại chuyện mình năn nỉ, xin anh Thành cho vay thêm tiền để có vốn nhập hàng nhưng anh Thành từ chối vì lý do không có tiền. Nay thấy anh Thành chuẩn bị xây nhà, Thái vô cùng tức giận, cho rằng anh Thành lừa mình nên đã hùng hổ nhặt một cây gậy lao đến đánh nhau với anh Thành. Nhờ có học võ từ nhỏ nên anh Thành nhanh chóng trấn áp được Thái. Tuy nhiên, sau khi giữ được Thái, dù Thái đã lên tiếng xin tha nhưng anh Thành đã liên tiếp đánh mạnh vào chân của Thái khiến Thái bị gãy xương ngón chân. Gia đình Thái đã yêu cầu anh Thành phải bồi thường chi phí khám chữa bệnh. Anh Thành không đồng tình nên đã mời anh Tân là hòa giải viên của xã đến để giải quyết. Anh Tân đề nghị cho biết pháp luật có quy định như thế nào về trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời Điều 594 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau

Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Như vậy, căn cứ quy định trên, trong trường hợp này, anh Tân cần giải thích rõ cho gia đình anh Thành hiểu rằng, mặc dù hành vi của anh Thành xuất phát từ việc ngăn chặn Thái gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của mình, nhưng khi Thái đã chịu thua và không còn khả năng tấn công, anh Thành vẫn đánh Thái đến gãy chân. Theo quy định nêu trên, trường hợp này đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, do đó, anh Thành phải bồi thường thiệt hại cho Thái.

 

4. Bà Quý và bà Tâm vốn là hàng xóm sát nhà nhau. Trong một lần bà Quý sơ ý quên không đóng cửa chuồng, đàn trâu nhà bà Quý đã sang vườn nhà bà Tâm dẫm nát khiến bộ số rau màu bà Tâm đang chuẩn bị hái đem bán đều bị phá, không còn giá trị. Sau khi phát hiện sự việc, bà Tâm đã yêu cầu bà Quý phải bồi thường thiệt hại do đàn trâu nhà bà Quý gây ra. Tuy nhiên bà Quý không đồng ý và cho rằng đây là sự việc ngoài ý muốn, bà Quý không cố tình thả trâu để phá rau nhà bà Tâm. Hai bà lời qua tiếng lại, cuối cùng hai bà cùng đến nhà của bà Hải, hòa giải viên của thôn để giải quyết. Bà Hải thắc mắc pháp luật có quy định như thế nào về trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời Điều 603 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Như vậy, căn cứ quy định trên, bà Hải cần giải thích rõ cho bà Quý hiểu rằng, mặc dù bà không cố ý thả trâu, nhưng bà là chủ sở hữu của đàn trâu đã phá nát rau của bà Tân. Do đó, theo quy định, bà Quý phải chịu trách nhiệm bồi thương thiệt hại do đàn trâu của mình đã gây ra.

 

5. Chị Lan và chị Oanh là công nhân của nhà máy dệt may. Gần đây, chị Lan được chủ nhà máy đề bạt lên chức vụ quản lý chuỗi sản xuất. Vì ghen tị với chị Lan, chị Oanh đã cố tình bịa chuyện chị Lan ăn bớt vật liệu trong lúc làm việc, khiến nhà máy thiệt hại gần 10 triệu đồng. Ông chủ nghe được tin tức này thì đã yêu cầu chị Lan nghỉ việc 1 tháng không hưởng lương để điều tra. Chị Lan rất buồn tủi và xấu hổ nên đã phát bệnh trầm cảm phải vào viện điều trị 1 tuần. Sau thời gian điều tra, phát hiện chị Oanh là người đưa tin sai lệch, chị Lan đã yêu cầu chị Oanh phải bồi thường thiệt hại gồm tiền lương 1 tháng nghỉ việc, chi phí điều trị tại bệnh viện và chi phí bồi thường tổn thất tinh thần do tin đồn chị Oanh đưa ra. Tuy nhiên chị Oanh chỉ xin lỗi công khai và không chịu bồi thường vì lý do không xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Chị Lan đã nhờ ông Đăng, hòa giải viên tại địa phương để giải quyết. Ông Đăng băn khoăn chưa rõ pháp luật có quy định như thế nào về trường hợp này?  

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời Điều 592 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau:

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, căn cứ quy định trên, ông Đăng cần giải thích để chị Oanh hiểu rằng, chị đã có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín đến chị Lan, do đó chị phải bồi thường thiệt hại cho chị Lan, bao gồm: thu nhập thực tế bị mất, khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà chị Lan gánh chịu, viện phí chữa trị bệnh do bị tổn thương tinh thần gây ra theo quy định pháp luật.

 

6. Công ty TNHH A.B hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm. Vừa qua, nhằm ra mắt một loại bánh mới, Công ty đã yêu cầu các nhân viên đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Theo sự phân công của công ty, anh Hoàng đã dựng một tấm biển để quảng cáo. Tuy nhiên do việc lắp đặt cẩu thả nên biển quảng cáo đã bị trật ra khỏi khung và rơi xuống người cháu Kim, khiến cháu bị gãy tay. Gia đình cháu Kim yêu cầu công ty bồi thường tiền viện phí. Tuy nhiên công ty A.B từ chối vì lý do việc này do cá nhân anh Hoàng gây ra nên công ty không phải chịu trách nhiệm. Gia đình cháu Kim đã nhờ ông Nghĩa, hòa giải viên tại địa phương để tìm cách giải quyết. Ông Nghĩa đề nghị cho biết pháp luật có quy định như thế nào về trường hợp này? 

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời Điều 597 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra như sau:

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trong trường hợp này, anh Hoàng là nhân viên của công ty A.B, trong lúc thực hiện nhiệm vụ của công ty giao là lắp đặt biển quảng cáo, đã gây ra tai nạn cho cháu Kim khiến cháu bị gãy tay. Do đó, công ty A.B có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu Kim. Sau khi công ty A.B đã bồi thường cho gia đình cháu Kim thì có quyền yêu cầu anh Hoàng – người có lỗi đã lắp đặt biển cẩu thả dẫn tới tai nạn, phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định. Ông Nghĩa căn cứ quy định trên để hướng dẫn, trả lời cho gia đình cháu Kim được biết.

 

7. Hải và Tuấn là hàng xóm và cùng là sinh viên năm cuối của một trường Đại học trên địa phương. Do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm nên Hải thường xuyên gây sự với Tuấn, nhiều lần có chặn đường, dằn mặt Tuấn để cảnh cáo. Tức giận vì bị Hải gây gổ, ức hiếp, Tuấn đã kể chuyện này cho hai người bạn khác của mình và được hai người bạn xúi giục trả thù. Tuấn nghe lời bạn nên đã theo dõi Hải, sau khi biết Hải thường xuyên đi làm thêm về muộn, Tuấn và nhóm bạn đã phục kích, đánh lén Hải. Do quá bất ngờ và chỉ có một mình nên Hải không kịp chống trả. Sau khi đánh cho Hải một trận thì Tuấn và hai người bạn nhanh chóng bỏ trốn. Do Hải chỉ bị thương nhẹ nên gia đình Hải đã yêu cầu Tuấn cùng nhóm bạn phải bồi thường chi phí thuốc men, điều trị tại bệnh viện cho Hải. Tuy nhiên, Tuấn đổ lỗi cho hai người bạn của mình và không muốn bồi thường cho Hải. Gia đình Hải đã đề nghị ông Nam, hòa giải viên tại địa phương để giải quyết. Ông Nam muốn biết pháp luật có quy định như thế nào về trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời Điều 587 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra như sau:

Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Như vậy, ông Nam căn cứ quy định trên để giải thích cho Tuấn biết về hành vi của nhóm người Tuấn là trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại (cùng tham gia đánh đập Hải). Do đó, Tuấn và hai người bạn đó phải liên đới bồi thường cho Hải. Trách nhiệm bồi thường của Tuấn và hai người bạn kia được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người, trường hợp nếu không xác định được mức độ lỗi thì Tuấn và các bạn phải bồi thường thiệt hại cho Hải theo phần bằng nhau.

 

8. Gia đình chị Thúy hiện đang cho chị Hà thuê một ki ốt cho thuê gần chợ để làm tiệm cắt tóc, gội đầu. Trong ki ốt, chị Thúy đã trang bị đầy đủ bình nước nóng, các loại giá đỡ, gương, bàn, ghế để chị Hà thuê. Tuy nhiên, trong lúc đang kinh doanh, chị Hà đã xảy ra mâu thuẫn với khách dẫn tới đánh nhau, làm hư hỏng toàn bộ nội thất, làm bể gạch nền nhà và nứt tường tại ki ốt. Chị Hà thấy không sử dụng được nên đã đề nghị trả tại ki ốt không tiếp tục thuê nữa. Tuy nhiên, chị Thúy yêu cầu chị Hà phải bồi thường toàn bộ nội thất chị Hà đã làm hỏng, phí sửa chữa ki ốt và tiền thuê ki ốt trong một tháng tiếp theo do trong thời gian sửa chữa không thể cho người khác thuê. Chị Hà không đồng ý với yêu cầu này nên đã đề nghị bà Tám, hòa giải viên tại địa phương để giải quyết. Bà Tám muốn biết pháp luật có quy định như thế nào về trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời Điều 589 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, bà Tám giải thích cho chị Hà hiểu rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chị đối với chị Thúy. Ngoài việc bồi thường tài sản bị hư hỏng và chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại (phí sửa chữa lại ki ốt) thì chị Hà có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất (thời gian tu sửa ki ốt không thể cho người khác thuê) theo quy định pháp luật.

 

9. Gia đình ông Tạo có nuôi 02 con chó Pitbull (giống chó dữ, đứng đầu trong danh sách các loài chó nguy hiểm) để giữ nhà. Hai con chó này khá to lớn và rất hung hãn, thường xuyên dọa sợ những người đến chơi nhà ông Tạo. Tuy nuôi chó dữ nhưng gia đình ông Tạo không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào như rọ mõm, xích dây hoặc nhốt trong chuồng mà thường thả rông. Một lần do sơ ý quên không khóa cổng, chó nhà ông Tạo đã sổng ra ngoài và tấn công một bé gái, nhờ người lớn nhanh chóng cứu giúp nên cháu chỉ bị thương nhẹ và đi tiêm phòng bệnh dại. Gia đình cháu bé yêu cầu ông Tạo phải bồi thường tiền thuốc và tiền khám bệnh của cháu. Ông Tạo đã hỏi bà Định – hòa giải viên của phường về việc pháp luật có quy định như thế nào về trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời, Khoản 1, 2 Điều 601 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, bà Định giải thích cho ông Tạo biết chó nhà ông đang nuôi thuộc loại thú dữ là nguồn nguy hiểm cao độ, vì vậy, ông Tạo – chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải trông giữ đàn chó theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp này, do chó của ông đã khiến cháu bé bị thương nên ông phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu là đúng với quy định.

 

 10. Chị A bị Tòa án tuyên là người bị mất năng lực hành vi dân sự. Gia đình đưa chị vào bênh viện E để điều trị, quản lý, chăm sóc. Tuy nhiên, trong giờ khám bệnh hằng ngày, nhân lúc các bác sĩ thiếu quan sát và bảo vệ không chú ý, chị A đã trốn ra khỏi bệnh viện. Sau khi ra ngoài, do đói bụng nên chị đã ăn trộm một hộp sữa tại cửa hàng tạp hóa của bà Mai để uống. Khi bị phát hiện, chị la hét, xông vào đập phá cửa hàng khiến nhiều hàng hóa bị hư hỏng. Bà Mai đã liên hệ với bà Ngọc – hòa giải viên tại địa phương để hỏi về vấn đề bồi thường thiệt hại cho bà?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời, Khoản 2, 3 Điều 599 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý như sau:

2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

3. Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, bà Ngọc phân tích cho bà Mai được biết, chị A là người bị mất năng lực hành vi dân sự và đang trong thời gian do bệnh viện E trực tiếp quản lý. Do đó, trường hợp chị A gây thiệt hại cho bà Mai thì bà bệnh viện E có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Nếu bệnh viện E chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý chị A thì sẽ không phải bồi thường và trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của chị A sẽ phải bồi thường.

 

11. Anh Phước thuê người đến xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, thợ xây không dựng bạt phủ và làm đổ xi măng, vôi vữa sang vườn cây cảnh để kinh doanh của nhà chị Huệ, khiến cây cảnh của chị bị chết. Chị Huệ rất tức giận và đã yêu cầu anh Phước phải có trách nhiệm bồi thường những cây cảnh đã bị chết và không bán được. Anh Phước từ chối và đổ lỗi cho người thợ xây, yêu cầu người này phải bồi thường cho chị Huệ. Do không thống nhất được phương án giải quyết nên chị Huệ đã liên hệ với ông Long – hòa giải viên tại địa phương. Ông Long muốn biết pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời, Điều 605 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, ông Long giải thích cho anh Phước và chị Huệ được biết, trường hợp này anh Long là chủ sở hữu công trình xây dựng do đó, anh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng của mình đã gây thiệt hại cho chị Huệ. Trường hợp này, do người thi công có lỗi (không phủ bạt) trong việc để công trình xây dựng gây thiệt hại nên cũng phải liên đới bồi thường.

 

12. Bảo vốn là thanh niên không có công ăn việc làm tại địa phương. Thời gian qua, Bảo có quan hệ tình cảm với Châu (con gái ông Khánh). Ông Khánh đã quyết liệt ngăn cấm và có lần đã đánh đuổi Bảo. Bảo rất tức giận và quyết tìm cách trả thù ông Khánh. Được biết gia đình ông Khánh vừa an táng cho người thân nên Bảo đã quyết định đi phá mộ của gia đình ông. Việc làm này của Bảo bị người dân phát hiện và báo cho ông Khánh. Ông Khánh thấy mồ mả của người thân bị phá thì vô cùng đau lòng, do đó ông buộc Bảo phải bồi thường thiệt hại. Ông đã liên hệ với ông Nhân – hòa giải viên tại địa phương để được hướng dẫn giải quyết. Ông Nhân muốn biết pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Đồng thời, Điều 607 Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả như sau:

1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, ông Nhân giải thích cho ông Khánh biết Bảo phải bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm mồ mả của mình, khoản tiền bồi thường bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo quy định của pháp luật.

 

13. Do mâu thuẫn trong công việc kinh doanh nên anh Lực đã chặn đánh anh Quân, khiến anh Quân bị chấn thương nhẹ phần mềm, phải điều trị tại bệnh viện. Gia đình anh Quân yêu cầu anh Lực bồi thường chi phí điều trị, tiền lương trong thời gian bị nghỉ việc và chi phí tổn thất tinh thần. Tuy nhiên anh Lực chỉ đồng ý bồi thường tiền viện phí và từ chối bồi thường các khoản còn lại. Anh Lực đã liên hệ với bà Thảo – hòa giải viên tại địa phương để được hướng dẫn giải quyết. Bà Thảo thắc mắc không biết pháp luật quy định như thế nào về trường hợp này?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 590 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, bà Thảo giải thích cho anh Lực hiểu việc gia đình anh Quân yêu cầu bồi thường các khoản tiền như: thu nhập thực tế bị mất và bù đắp tổn thất về tinh thần mà anh Quân gánh chịu như trên là phụ hợp theo quy định của pháp luật.

 

14. Hiện nay, trong địa phương của bà Trâm xảy ra nhiều các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp dẫn tới ẩu đả, gây thương tích, nhiều vụ còn xảy ra thiệt hại về tài sản. Những người có liên quan tới các vụ việc trên yêu cầu người gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường nhưng các đối tượng thường tìm cách từ chối với nhiều lý do. Để đảm bảo việc xử lý, giải quyết các vụ việc sao cho thấu tình đạt lý, bà Trâm rất muốn được biết pháp luật quy định như thế nào về nguyên tắc bồi thường thiệt hại?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 585 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Như vậy, bà Trâm căn cứ quy định nêu trên để giải thích cho những người có liên quan được biết và thực hiện việc bồi thường thiệt hại do mình, người thân gây ra theo đúng quy định pháp luật.

 

15. Anh Đức là người làm công cho gia đình của bà Nga. Anh được bà Nga tin tưởng và giao nhiệm vụ trông giữ kho hàng của gia đình bà. Tuy nhiên, đêm hôm quá, do mưa lớn và có sấm sét đã khiến cầu dao điện bị phát nổ dẫn tới cháy kho hàng. Bà Nga yêu cầu anh Đức phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do anh đã không kiểm tra hệ thống điện của nhà kho dẫn tới cháy nổ và không kịp thời chữa cháy. Anh Đức không đồng ý vì đây không phải lỗi của anh. Anh đã tìm tới bà Lý là hòa giải viên của phường để được giải quyết. Bà Lý băn khoăn trường hợp này thì pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 584 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, việc nhà kho xảy ra cháy nổ là do sự kiện bất khả kháng (sấm sét dẫn tới hỏa hoạn), không phải là lỗi của anh Đức. Do đó, anh Đức không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày