Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.464.111
Truy cập hiện tại 28.250
Giải đáp tình huống một số trường họp hòa giải liên quan đến các quyền về tài sản
Ngày cập nhật 18/07/2022

1. Do cần tiền chơi Game, cháu An (12 tuổi) đã bán chiếc xe đạp điện mà bố mẹ mua cho để đi học với giá 01 triệu đồng cho ông Lợi (thợ sửa xe đầu phố). Sau khi phát hiện con không đi xe đạp về nhà, nhiều lần tra hỏi, bố mẹ cháu An mới biết việc mua bán đó. Bố mẹ cháu An đã tìm gặp ông Lợi đề nghị được chuộc lại chiếc xe và hoàn trả ông 01 triệu đồng nhưng ông Lợi không đồng ý vì cho rằng việc mua bán giữa ông và cháu An là hoàn toàn tự nguyện, ông không có trách nhiệm phải trả lại chiếc xe. Hai bên lời qua tiếng lại, bố mẹ cháu An đã tìm đến Tổ hòa giải đề nghị giúp đỡ. Nếu được giao hòa giải vụ việc trên, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 3 Điều 21 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.”

Khoản 1 Điều 125 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện: “Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý...”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên thuyết phục hai bên hòa giải không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Thuyết phục ông Lợi nhận lại 01 triệu đồng và trả lại chiếc xe đạp điện mà bố mẹ mua cho cháu An để đi học vì cháu An là người chưa thành niên, việc thực hiện giao dịch giữa cháu An và ông Lợi phải được sự đồng ý của bố mẹ cháu An.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Anh Hợi có một chiếc xe SH mode, biển số phong thủy rất đẹp, đi lại rất an toàn. Anh Mùi rất thích chiếc xe đó nên đã hỏi mua và được anh Hợi đồng ý bán với giá 50 triệu đồng. Hai bên ký hợp đồng mua bán viết tay, tiến hành bàn giao tiền, giấy tờ đăng ký xe (có giấy biên nhận) nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ. Riêng xe, anh Mùi đề nghị ba hôm sau sang lấy vì hôm đó mới được ngày đẹp. Hôm sau, anh Ngọ sang nhà anh Hợi chơi, biết chuyện bán xe đã khuyên anh Hợi không nên bán chiếc xe SH vì nó rất hợp phong thủy và đem lại nhiều may mắn cho anh Hợi, nếu bán đi sẽ bị mất lộc. Nghe bùi tai, anh Hợi đã sang nhà anh Mùi đề nghị hủy việc mua bán xe, trả lại tiền và xin nhận lại giấy tờ xe nhưng anh Mùi không đồng ý. Hai bên lời qua tiếng lại anh Hợi trả lại tiền và bỏ về. Nhiều lần anh Mùi sang nhà anh Hợi đề nghị lấy xe về và trả lại tiền cho anh Hợi nhưng anh Hợi không đồng ý. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Nếu được hòa giải vụ việc trên, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức:

“Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần tìm hiểu nguyên nhân và thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Đề nghị anh Hợi bàn giao xe SH cho anh Mùi đúng như giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản viết tay giữa anh Hợi và anh Mùi để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Trong lúc vợ vắng nhà, chồng chị Hạnh là anh Cường đã bán chiếc xe đạp điện của vợ cho ông Cương cùng xóm với giá 5 triệu đồng. Khi bán xe, ông Cương có băn khoăn vì chị Hạnh không có nhà nhưng anh Cường khẳng định đây là xe của anh, anh đã bàn bạc, thống nhất với chị Hạnh việc bán xe nên ông cứ yên tâm, hai bên ký hợp đồng mua bán viết tay, trao tiền và nhận xe (có giấy biên nhận). Sau đó, ông Cương đã bán lại chiếc xe cho anh Vui với giá 6 triệu đồng. Khi về nhà, biết chuyện, chị Hạnh đã liên hệ với ông Cương đề nghị hủy hợp đồng mua bán xe và nhận lại xe vì đó là chiếc xe thuộc sở hữu của chị, lại là vật kỷ niệm với gia đình bên ngoại. Thực tế trước đó, anh Cường không hề bàn bạc với chị việc bán xe. Ông Cương nói xe ông đã bán cho anh Vui, nếu muốn lấy lại thì đến anh Vui mà chuộc. Chị Hạnh đã liên hệ với anh Vui đề nghị nhận lại xe và trả đủ tiền cho anh nhưng anh Vui không đồng ý vì anh mua xe của ông Cương chứ không mua xe của chị, việc mua bán xe giữa ông Cương với chồng chị là hợp pháp, không có lý gì anh phải trả lại xe cho chị. Chị Hạnh đã liên hệ với Tổ hòa giải đề nghị giúp đỡ chị. Là Hòa giải viên được phân công tham gia hòa giải vụ việc, ông/bà cần hòa giải thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu:

“1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167, Bộ luật dân sự 2015 cụ thể: “Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần tìm hiểu nguyên nhân và thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Đề nghị anh Vui cho chị Hạnh chuộc lại xe vì xe thuộc sở hữu của chị, lại là vật kỷ niệm với gia đình bên ngoại và việc anh Cường bán xe của chị là nằm ngoài ý muốn của chị.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Nhà ông C và bà T là hai hộ liền kề, ranh giới giữa hai nhà là hàng cây râm bụt được trồng từ hơn 20 năm nay. Để chuẩn bị tổ chức lễ cưới cho con trai, ông C đề nghị bà T cho phá hàng râm bụt để xây tường rào chung, nhưng bà T không đồng ý. Theo bà T, ông C muốn xây tường thì cứ xây trên phần đất nhà mình, nếu phá hàng râm bụt sẽ lấn sang phần đất nhà bà. Ông C cho rằng hàng râm bụt là ranh giới chung giữa 2 gia đình, việc xây tường rào là vì lợi ích chung nên ông vẫn xây tường, kể cả bà T không đồng ý. Hôm ông C xây dựng tường rào, các con bà T đã ngăn cản, không cho tiến hành dẫn đến cãi vã to tiếng và nguy cơ xảy ra xung đột. Nếu được giao hòa giải vụ việc, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định ranh giới giữa các bất động sản như sau:

“1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.

Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần thuyết phục hai bên không nên cãi vã to tiếng và không để xảy ra xung đột, các bên có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung. Cần thuyết phục để bà T hiểu rõ ý nghĩa của bức tường rào. Xây tường rào kiên cố vừa sạch, vừa đẹp, vừa đảm bảo an toàn cho cả hai gia đình; là sở hữu chung của hai gia đình, việc xây tường rào là vì lợi ích chung. Trong trường hợp bà T không đồng ý, ông C vẫn có thể xây tường trên phần đất nhà mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của bà T.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

5. Mốc giới phân chia thửa đất nhà ông A và bà B ở hai đầu là hai cọc đá được chôn từ 20 năm nay. Năm 2006, khi xây chuồng lợn, ông A đã để lại 50cm đất cách mốc giới và dự định sau này sẽ làm đường ống thoát nước chạy dọc theo. Nay bà B cho san nền xây bếp sát với chuồng lợn nhà ông A, chỉ cách 30 cm. Ông A yêu cầu bà B dừng xây dựng để kiểm tra mốc giới. Qua kiểm tra, thấy bà B xây dựng lấn sang phần đất nhà Ông 20 cm nên hai bên xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Nếu được giao hòa giải vụ việc, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 176 Bộ luật dân sự năm 2015  quy định mốc giới ngăn cách các bất động sản như sau:

“1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.

2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.

Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

3. Đối với mốc giới là tường nhà chung, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý.

Trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình.

Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần nêu truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm, thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Đề nghị bà B dừng ngay việc xây dựng để các bên tiến hành hòa giải.  Hai bên cần có nghĩa vụ tôn trọng  mốc giới phân chia thửa đất nhà ông A và bà B là ở hai đầu hai cọc đá được chôn từ 20 năm nay.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

6. Nhà ông Minh liền kề với nhà ông Chiến. Gần phần đất giáp ranh giữa hai nhà, ông Minh trồng 02 cây nhãn. Một cây có nhiều lá rụng, đọng lại trên mái nhà và nhiều cành ngả sang đất nhà ông Chiến làm hư hỏng mái ngói. Một cây bị nghiêng, gần bật gốc, có nguy cơ đổ vào nhà ông Chiến. Nhiều lần, ông Chiến đề nghị ông Minh chặt các cành vươn sang đất nhà mình và đốn cây nhãn bị nghiêng để tránh cây đổ nhưng ông Minh không đồng ý. Hai bên nhiều lần to tiếng gây căng thẳng, làm mất trật tự khối xóm. Hàng xóm đã nhiều lần khuyên can nhưng không được, xung đột, mâu thuẫn có nguy cơ gia tăng cao. Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 2 Điều 175 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về ranh giới giữa các bất động sản:

“Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Khoản 1 Điều 177 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại:

“Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần nêu truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm, thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, không nên to tiếng làm mất trật tự khối xóm. Đề nghị ông Minh chặt các cành cây vươn sang đất nhà ông Chiến và đề nghị chặt ngay cây Nhãn có nguy cơ bật gốc để tránh cây đổ sang nhà ông Chiến. Trường hợp ông Minh không đồng ý, ông Chiến có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Ông Minh phải chịu chi phí chặt cây.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

7. Một tối đi đường, ông A nhặt được chiếc túi, trong đó có 01 máy tính xách tay, 05 triệu đồng và một số giấy tờ tùy thân của ông B nhưng không rõ địa chỉ. Ông A đã liên hệ với cán bộ xã để thông báo cho người bị mất biết đến nhận, đồng thời mang tiền, máy tính về nhà; giao máy tính cho con trai là M sử dụng, do vô tình M đã làm đổ chai nước dẫn đến chập điện và hỏng máy tính. Ba ngày sau, ông B đến nhà ông A xin nhận lại tài sản vì hôm đó do say rượu lên đánh rơi mà không biết. Ông A đồng ý trả lại 5 triệu và giấy tờ tùy thân cho ông B, riêng máy tính do đã chập điện và hỏng lên ông A xin phép ông B thứ lỗi và chấp nhận đền bù 03 triệu đồng. Ông B không đồng ý vì máy tính đó ông mới mua giá 12 triệu đồng, ít nhất ông A phải bồi thường 8 triệu, do không thống nhất được mức bồi thường nên hai bên đã lời qua tiếng lại gây mâu thuẫn, tranh chấp. Nếu được giao hòa giải vụ việc, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 230 Bộ luật dân sự năm 2015  quy định xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên:

“1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần nêu truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam và thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Phân tích để ông B hiểu rõ việc ông A đã liên hệ với cán bộ xã thông báo cho người bị mất biết và đến nhận là việc làm phù hợp theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Đề nghị ông B chấp nhận về việc bồi thường chiếc máy đã chập điện và hỏng do ông A nhặt được mặc dù ông đã giao máy tính cho con trai là M sử dụng là không đúng và ông A đã xin phép ông B thứ lỗi, việc máy tính bị hỏng là do M là con ông vô tình làm đổ chai nước dẫn đến chập điện và máy tính bị hỏng chứ không phải do ông cố ý thực hiện.

 Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

8. Nhà ông Minh và ông Huân cùng đấu thầu hai đầm sát nhau để nuôi trồng thủy sản. Đầm nhà ông Minh chuyên nuôi tôm, đầm nhà ông Huân chuyên nuôi cá, mọi người trong làng đều biết việc này, tuy nhiên, sau trận mưa rào, nước lụt, tôm từ đầm nhà ông Minh nhảy tràn sang đầm nhà ông Huân. Thấy đầm nhà mình tự dưng rất nhiều tôm, ông Huân đã cất vó, bắt tôm đem bán, ông Minh biết chuyện đã yêu cầu ông Huân trả lại số tôm đã bắt. Ông Huân không đồng ý vì “cá vào ao ai người đó hưởng”, “tôm ở ao ông thì ông bắt” dẫn đến mâu thuẫn, xung đột. Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 233 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước: “Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu vật nuôi dưới nước đó thuộc về người có ruộng, ao, hồ.”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần nêu truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm và thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Đề nghị ông Huân phải trả lại số tôm đã bắt do số tôm từ đầm của nhà ông Minh nhảy tràn sang đầm nhà ông Huân với số tôm đã đem bán cần phải bồi thường.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

9. Nhà ông Dậu và ông Sửu ở cạnh nhau, nhà ông Dậu ở ngoài, nhà ông Sửu ở trong. Khi ông Sửu làm nhà, ông Dậu đã đồng ý để đường dây tải điện và đường dây điện thoại nhà ông Sửu được đi qua nhà mình với điều kiện không làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến an toàn của gia đình ông Dậu. Nay ông Sửu mắc truyền hình cáp, tiện thể ông muốn cải tạo lại đường dây để bảo đảm an toàn. Lúc này ông Dậu đề nghị ông Sửu phải di chuyển đường dây ra hướng khác, không được cho đường dây đi qua nhà ông như trước nữa nhưng ông Sửu không đồng ý, vì vậy hai bên đã lời qua tiếng lại, gây xích mích, không ai chịu ai, xung đột, mâu thuẫn giữa hai nhà có nguy cơ nảy sinh. Được giao hòa giải vụ việc trên, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 255 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác: “Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần nêu truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm và thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Thuyết phục ông Dậu để cho ông Sửu mắc đường cáp truyền hình, đường dây tải điện và thong tin liên lạc một cách hợp lý. Đề nghị khi mắc đường dây, ông Sửu  phải bảo đảm an toàn và không được làm ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà ông Dậu.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

10. Là hàng xóm thân thiết nhiều năm, ông B có nhu cầu được mua con bò cái của ông A để nhân giống với giá 10 triệu đồng. Hai bên đã thống nhất việc mua bán, ông B trao đủ 10 triệu cho ông A, riêng việc nhận bò, hai bên thống nhất hai hôm sau sẽ giao nhận để được ngày tốt. Hôm sau, ông A nghĩ lại thấy bán bò giá đó là thấp, lại biết được con bò cái đó đang có chửa nên tiếc không muốn bán. Vì thế, hôm ông B sang nhận bò, ông A đã không giao mà đề nghị ông B chấm dứt việc mua bán bò, ông A sẽ trả lại 10 triệu đồng cho ông B. Vì muốn có được con bò tốt, ông B đã không đồng ý do việc mua bán đã hoàn thành, tiền ông đã trả, chỉ còn mỗi việc giao nhận bò nên không có lý do gì để chấm dứt việc mua bán cả. Vì thế hai bên đã xảy ra tranh chấp, lời qua tiếng lại. Nếu được phân công hòa giải vụ việc trên, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”

Điều 430 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”

Khoản 1 Điều 434 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thoả thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thoả thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý”.

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần thuyết phục ông A  thực hiện đúng  việc giao bò cái cho ông B như đã thỏa thuận ban đầu, mặt khác có thể thuyết phục ông B là hàng xóm thân thiết nhiều năm trả thêm cho ông A một khoản tiền nhỏ để cả hai bên cùng có lợi.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày