Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.387.603
Truy cập hiện tại 4.221
Tiểu phẩm pháp luật ĐẶT CỌC
Ngày cập nhật 18/10/2021

Ông Phú và bà Cúc là hàng xóm tuy gần nhà nhưng xa cửa ngõ nên cũng ít gặp nhau.Hôm nay có việc nên ông Phú đến trước cổng nhà bà Cúc gọi to:

 

Ông Phú: Bà Cúc ơi! Bà Cúc! Bà có nhà không ra mở cửa cho tôi vào nhờ chút chuyện có được không?

Ông Phú gọi to nhiều lần mà không có tiếng trả lời. Định bụng quay về thì có tiếng lạch cạch mở cổng. Thằng Tin, cháu bà Cúc đang chơi ở sân sau nhà chân tay lấm lem chạy nhanh ra nhìn thấy ông miệng cười toe toét.

Ông Phú: Ô, thằng Tin. Bà con có nhà không mà sao ông gọi nãy giờ không thấy trả lời.

Cu Tin (lại nhoẻn miệng cười): Con chào ông ạ. Hì hì. Con đang chơi ở sân sau nên mãi mới nghe thấy tiếng ông gọi. Nếu ông ở bên nhà gọi là con nghe thấy liền. Bà con đang cho trâu ăn ở sau vườn. Chắc bà cũng không nghe thấytiếng ông gọi. Ông vào nhà để con xuống gọi bà ạ. (Thằng bé vừa nói vừa chạy biến vào trong nhanh như chớp)

Ông Phú (gọi với): Tin ơi, đứng lại đã, không phải ra gọi bà đâu. Con dẫn ông ra vườn để ông hỏi bà chuyện này luôn.

Thằng Tin dẫn ông Phú ra phía chuồng bò. Bà Cúc đang chăm chú cho bò ăn nhường như không chú ý lắm đến xung quanh.

Ông Phú: Chào bà, bà đang cho bò ăn à? Sao hôm nay bà không thả như mọi khi mà giữ ở nhà cho ăn vậy?

Bà Cúc: Ôi, chào ông. Hôm nay trời mưa nên tôi không thả trâu, vừa mới tranh thủ cắt được ít cỏ cho chúng nó ăn. Ông sang chơi hay có việc gì không? Sao ông không vào nhà mà ra tận đây thế này? Có chuyện gì cần nói thì mời ông lên nhà uống nước.

Ông Phú: Bà cứ kệ tôi, nói ở đâu chẳng được, hàng xóm với nhau mà bà khách sáo làm gì. Chắc tại tôi với bà là hàng xóm nhưng gần nhà xa cửa ngõ nên mới không thân thiết bà nhỉ. Tôi đùa thôi, hôm trước nghe chú Bảo nói bà muốn bán mấy con trâu. Tôi đang cần mua nên sang hỏi bà việc ấy đây.

Bà Cúc: À vâng. Tôi đang định bán 2 con trâu để sửa lại nhà cho sang năm thằng Út lấy vợ còn có chỗ chui ra chui vào. Chứ nhà cửa tềnh toàng, chật chội quá mà thằng cả với thằng Út cùng ở chung nên cũng khó khăn.

Ông Phú: Vậy, bà định bán con nào? Có định bán hết mấy con trong chuồng không?

Bà Cúc: Không tôi không bán hết đâu. Tôi nói rồi, tôi chỉ bán 2 con trâu ở góc kia. Mấy con còn lại tôi để nuôi.

Ông Phú ra xem 2 con trâu có vẻ ưng ý. Liền hỏi bà Cúc:

Ông Phú: Hai con trâu này được đó. Bà để cho tôi luôn hai con này nhé!

Bà Cúc: Ấy, mời ông lên nhà uống nước rồi nói chuyện. Chứ ai lại đứng ở chuồng trâu nói chuyện thế này không hay lắm.

Ông Phú và bà Cúc cùng đi vào trong nhà.

Bà Cúc (rót nước): Mời ông uống nước ạ. Ông ưng 2 con trâu ấy chưa?

Ông Phú: Ừ, thỉnh thoảng thằng Tin dắt bò đi chăn tôi cũng biết rồi. Biết bà có ý định bán nên sang hỏi mua đây. Tôi thử chăn nuôi thêm xem thế nào chứ hai vợ chồng cứ bám vào mấy sào ruộng không ăn thua bà ạ. Cả năm không biết bao nhiêu đám chạp, giỗ, cưới nên phải cố làm để được đồng nào hay đồng đó phải không bà ? Vậy, hai con trâu này giá bao nhiêu thế bà?

Bà Cúc: Chả là anh Hùng chỗ lò mổ ở thị trấn cũng vào hỏi mua nhưng hai con trâuđể đẻ thì tốt bây giờ bán cho người ta làm thịt tôi thấy tiếc quá nên vẫn chần chừ. Ông mua về nuôi thì tôi để cho ông. Chỗ hàng xóm láng giềng tôi chả nói thách làm gì. Tôi để lại cho ông 30 triệu. Ông có lấy ngay không?

Ông Phú: Vâng. Giá cả như vậy tôi cũng thấy hợp lí rồi. Nhưng để sang tuần nữa được không bà. Tôi còn về làm lại cái chuồng, chuẩn bị các thứ trước khi đem trâu về.

Nghe ông Phú nói như vậy, bà Cúc có vẻ muốn nói nhưng vẫn chần chừ.

Ông Phú liền hỏi: Tôi đề nghị như vậy không được hả bà? Có vấn đề gì bà cứ trao đổi với tôi, đừng ngại.

Bà Cúc: Chẳng giấu gì ông, tôi đang cần tiền ngay để mua vật liệu xây dựng. Tôi đã đặt người ta rồi. Họ nói ngày kia sẽ mang đến nên giờ ông nói thế tôi chẳng biết phải làm thế nào cả.

Ông Phú (cười): Ôi, tưởng chuyện gì. Thế này đi, tôi đặt cọc trước cho bà 10 triệu để bà lấy tiền mua vật liệu xây dựng. Bà nuôi hộ tôi 2 con trâu mấy hôm, hôm nào sửa chuồng xong, lấy trâu về thì tôi gửi bà hết số tiền còn lại có được không ?

Bà Cúc: Vâng, như vậy cũng được ông ạ, tiền vật liệu chừng đó cũng tạm đủ rồi.

Ông Phú:Đây. Tôi gửi bà 10 triệu nhé.

Bà Cúc: Để tôi viết cho ông cái giấy làm tin nhé chứ ai lại nhận tiền không thế này!

Ông Phú: Thôi khỏi bà ạ. Tuy nhà chúng ta cách xa cửa ngõ nhưng vẫn là hàng xóm láng giềng với nhau, tin tưởng là chính chứ giấy tờ làm gì cho phiền phức. Thôi bà làm gì thì làm đi. Tôi về đây. Chào bà!

Bà Cúc: Vâng. Chào ông! Tôi sẽ chăm sóc tốt cho 02 con trâu của ông nhé !

Đến ngày hẹn, ông Phú mang số tiền còn lại sang nhà bà Cúc bắt trâu về nuôi.

Ông Phú: Chào bà! Hôm nay đẹp ngày tôi sang bắt trâu đây bà ạ! Hai con trâu của tôi được bà chăm sóc chắc to thêm một chút rồi nhỉ ?

Bà Cúc: Chào ông! Mời ông vào, hai con trâu tôi buộc ở góc vườn kia ông ạ. Tôi vừa cho chúng ăn xong.

Bà Cúc ra phía gốc cây gỡ dây dắt 2 con trâu ra cho ông Phú. Ông Phú kiểm tra lại thấy một con trâu bị thương ở chân nên nhăn mặt.

Ông Phú: Bà Cúc này, hình như con trâu này mới bị thương, hôm trước tôi xem chưa có vết thương này bà ạ. Có phải nó gặp vấn đề gì không ?

Bà Cúc: À vâng. Tôi cũng định nói với ông. Hôm trước thằng Tin mang bò ra đồng chăn. Không hiểu mải chơi thế nào đến tối về tôi mới phát hiện ra một con bị thương ở chân, bước đi khập khiễng. Tôi cũng nhờ chị Sen cán bộ thú y đến xem rồi. Chị ấy nói con trâu không bị sao cả chỉ là xây xước phần mềm, vài hôm sẽ khỏi bác ạ.

Ông Phú: Tôi thấy vết thương khá lớn, làm sao mà vài hôm khỏi được. Hôm trước tôi đến xem đặt cọc là con trâu lành lặn, bây giờ bà lại giao cho tôi con trâu què về nuôi rồi gặp vấn đề gì thì sao. Thôi, tôi không lấy 02 con trâu này nữa. Bà trả lại tiền cọc cho tôi.

Bà Cúc: Ông nói thế là không được. Hôm ông hỏi mua trâu, tôi nể tình hàng xóm láng giềng mới bán cho ông, rồi lại chăn dắt giúp ông suốt mất ngày nay. Nếu tôi bán cho anh Hùng thì đã lấy đủ tiền ngay hôm ấy rồi. Bán xong là xong, chẳng tốn công chăm sóc, cũng chẳng mất tiền thuốc men. Vừa mất công, vừa mất của. Đúng là làm phúc phải tội mà. Tiền tôi đã mua vật liệu xây dựng hết rồi, không có đâu mà trả lại cho ông. Thôi, ông trả tôi đủ tiền rồi dắt trâu về đi, mấy hôm nữa là nó khỏi mà.

Ông Phú: Ơ, bà này nói hay nhỉ. Rõ ràng người ta đã thỏa thuận với bà, đặt cọc đàng hoàng. Bà nhận lời rồi thì phải chăm sóc cho cẩn thận. Để con trâu bị thương không đi được thế kia mà bảo mấy hôm nữa khỏi là khỏi thế nào? Tôi bỏ tiền mua trâu lành lặn để nuôi bán chứ nuôi trâu bị thương thì tôi mua lam gì cho nhọc công.

Hai bên đang lời qua tiếng lại, không ai chịu nhường ai thì ông Mạnh trưởng thôn tới:

Ông Phú: Bà Cúc ơi, bà có nhà không? Tôi đến thông báo một số quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và một số vấn đề liên quan đến hỗ trợ và tiêm vắc xin. Ôi, ông Phú cũng ở đây à? Lâu lắm không thấy ông sang nhà tôi đánh cờ. Luôn tiện gặp ông đây, tôi thông báo với ông luôn, khỏi sang nhà ông nhé ! Mà hai ông bà nói chuyện gì mà “rôm rả” thế, tôi ở ngoài cổng cũng nghe thấy tiếng không biết là đang tranh luận hay cãi nhau vậy ?

Bà Cúc: Ôi may quá có bác Mạnh ở đây. Tôi nhờ bác phân xử cho tôi chuyện này. Cứ cãi nhau với ông Phú tôi thấy khó chịu và bực mình quá !

Ông Mạnh: Chuyện gì hả bà? Hàng xóm, láng giềng với nhau, có gì thì tranh luận chứ sao lại cãi nhau. Bà nói xem tôi có giúp được gì không?

Bà Cúc: Để tôi kể ông nghe, chuyện là thế này: Tuần trước tôi có bán cho ông Phú đây 02 con trâu lấy tiền sửa nhà để thằng Út sang năm lấy vợ. Ông Phú đồng ý mua nhưng vì còn phải sửa chuồng nên gửi nhà tôi chăn dắt mấy hôm. Ông ấy đặt cọc trước cho tôi 10 triệu. Do sơ suất trong lúc chăn giữ, nên một con trâu bị thương ở chân, tôi đã mời cán bộ thú y đến chữa trị, chị Sen nói vết thương này chỉ ở phần mềm, không ảnh hưởng đến xương, vài hôm sau sẽ hết. Tôi vừa chăm sóc vừa tốn tiền điều trị, thế mà ông Phú nhất định không chịu lấy 02 con trâu nữa, dù chỉ 01 con bị thương, bắt tôi trả lại tiền cọc. Tiền tôi đã mua vật liệu xây dựng hết rồi, lấy đâu ra để trả ông ấy bây giờ.

Ông Phú: Tôi đã đặt cọc cho bà, thì bà phải đảm bảo hôm nay giao 02 con trâu cho tôi theo đúng thỏa thuận ban đầu. Bây giờ con trâu bị thương là lỗi của bà, tôi không đồng ý mua nữa thì bà phải trả tiền cọc cho tôi là đúng rồi còn gì. Bác Mạnh, bác là cán bộ thôn, bác hiểu biết pháp luật, bác giải thích cho bà ấy hộ tôi.

Ông Mạnh: Tôi thấy việc của hai ông bà cũng không có gì phức tạp. Theo quy định của pháp luật, nếu việc mua bán bò giữa hai ông bà đã được đặt cọc, nếu ông Phú không đồng ý mua thì tiền đặt cọc thuộc về bà Cúc, còn bà Cúc đổi ý không bán thì phải trả gấp đôi số tiền cọc lại cho ông Phú. Ở đây ông Phú không đồng ý mua 02 con trâu là do con trâu bị thương, không giống như  thỏa thuận ban đầu nên có quyền từ chối mua trâu. Tôi sẽ trích dẫn một số quy định của pháp luật về đặt cọc cho hai ông, bà biết nhé:

Điều 328 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về đặc cọc như sau:

 “1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Điều 38 Nghị định số 21/2021/NĐ-CPngày 19 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụquy định về quyền, nghĩa vụ của các bên trong đặt cọc, ký cược như sau:

1. Bên đặt cọc, bên ký cược có quyền, nghĩa vụ:

a) Yêu cầu bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc xác lập giao dịch dân sự đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược; thực hiện việc bảo quản, giữ gìn để tài sản đặt cọc, tài sản ký cược không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;

b) Trao đổi, thay thế tài sản đặt cọc, tài sản ký cược hoặc đưa tài sản đặt cọc, tài sản ký cược tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp được bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược đồng ý;

c) Thanh toán cho bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược.

Chi phí hợp lý quy định tại điểm này là khoản chi thực tế cần thiết, hợp pháp tại thời điểm chi mà trong điều kiện bình thường bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược phải thanh toán để đảm bảo tài sản đặt cọc, tài sản ký cược không bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;

d) Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược được sở hữu tài sản đặt cọc, tài sản ký cược quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên;

đ) Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

2. Bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược có quyền, nghĩa vụ:

a) Yêu cầu bên đặt cọc, bên ký cược chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc xác lập giao dịch dân sự khác đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược;

b) Sở hữu tài sản đặt cọc trong trường hợp bên đặt cọc vi phạm cam kết về giao kết, thực hiện hợp đồng; sở hữu tài sản ký cược trong trường hợp tài sản thuê không còn để trả lại cho bên nhận ký cược;

c) Bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược;

d) Không xác lập giao dịch dân sự, khai thác, sử dụng tài sản đặt cọc, tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên đặt cọc, bên ký cược;

đ) Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định”.

Ông Phú: Bà thấy chưa?

Ông Mạnh: Ấy ấy, ông Phú cứ bình tình nghe tôi nói hết đã. Tuy ông có quyền từ chối mua trâu nhưng việc con trâu bị thương ở chân là rủi ro nằm ngoài ý muốn của bà Cúc; bà Cúc cũng chủ động mời cán bộ thú y đến chữa trị, vết thương nhẹ không chạm vào xương, sẽ sớm lành lại. Việc ông Phú đòi lại tiền cọc và không mua trâu, thì sẽ gây khó khăn cho bà Cúc, trong lúc bà Cúc đang cần bán trâu để có tiền sửa lại nhà. Chuyện rủi ro xảy ra không ai mong muốn, các bên nên cùng nhau chia sẻ, gánh vác. Tôi thấy nên giải quyết thế này: Bây giờ ông Phú để trâu ở lại nhà bà Cúc, bà Cúc có nghĩa vụ chăm sóc, chữa trị vết thương. Trong hai tuần, nếu trâu trở lại bình thường và không ảnh hưởng đến việc đi, đứng của nó sau này thì ông Phú đem tiền đến trả đủ cho bà Cúc để dắt trâu về. Sau hai tuần mà trâu vẫn chưa lành vết thương, thì bà Cúc có nghĩa vụ trả lại tiền cọc cho ông Phú. Ông bà thấy làm thế có được không?

Bà Cúc: Tôi thấy bác Mạnh nói thế là hợp tình hợp lý.

Ông Phú: Tôi cũng thấy vậy. Đúng là hai ông bà già lẩm cẩm, có vậy mà không nghĩ ra, suýt nữa thì lời qua tiếng lại mà làm mất đoàn kết, ảnh hưởng đến tình làng, nghĩa xóm. Bà cho tôi xin lỗi nhé!

Bà Cúc: Cũng là lỗi tại tôi chưa suy nghĩ cho thấu đáo. Chết thật, nãy giờ cứ đứng ngoài sân, mời hai ông vào nhà uống nước.

Cả ông Phú và bà Cúc cùng cười, nói chuyện vui vẻ với ông Mạnh như chưa có việc cãi nhau cách đây mấy phút./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày