Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.387.603
Truy cập hiện tại 10.719
Thừa Thiên Huế tổng kết Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo”giai đoạn 2017-2021
Ngày cập nhật 04/08/2021

Ngày 29 tháng 7 năm 2021, Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo” tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án giai đoạn 2017-2021. Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án; các Đồn biên phòng, đại diện lãnh đạo các xã biên giới trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ đạo chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tỉnh Thừa Thiên Huế là tỉnh nằm giữa dải đất miền Trung với 2 tuyến biên giới, biên giới trên bộ dài 89,202km giáp với 2 tỉnh (Sê Kông và Sa La Van) của nước bạn Lào, có 12 xã biên giới thuộc huyện A Lưới; tuyến biên giới trên biển dài 126km, có 21 xã, thị trấn biên giới thuộc 5 huyện, thị xã biên giới với tổng số 57.811 hộ trên 211.000 khẩu. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới của tỉnh cơ bản được ổn định, giữ vững; mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc được củng cố, Nhân dân phát huy cao tinh thần đoàn kết, chung sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, đời sống của nhiều người vẫn còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, tình trạng vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực, như: xuất nhập cảnh trái phép khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng quý hiếm, mua bán, sử dụng chất ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; sử dụng thuốc nổ, xung điện, khai thác nguồn lợi thủy sản, tranh chấp ngư trường, ngư dân khai thác thủy sản sai tuyến trái phép,...

Với đặc điểm tình hình như trên, Ban Chỉ đạo Đề án đã có những giải pháp triển khai có hiệu quả Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, góp phần thiết thực vào việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, người dân, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vụ biên giới.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ đạo đồng tình, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án. Sự tích cực, chủ động, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chủ trì Đề án là Bộ đội biên phòng tỉnh, các cơ quan, đơn vị, nhất là các xã biên giới, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Đề án; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, lực lượng tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại vùng biên giới với 43 tổ tuyên truyền viên cấp cơ sở gồm 215 người, 15 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.

Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với đối tượng, địa bàn. Đã biên soạn 278 đề cương, 88 tiểu phẩm pháp luật, 32 tiết mục văn nghệ, in và phát hành 42.000 tờ gấp; tiếp nhận và cấp phát băng, đĩa các loại. Các tài liệu trên được cấp phát cho cơ quan, đơn vị, địa phương làm tài liệu tuyên truyền và cung cấp cho các chủ phương tiện đánh bắt thủy sản. Củng cố, kiện toàn 33 câu lạc bộ tư vấn pháp luật. Cùng với các Tổ hòa giải ở cơ sở, các câu lạc bộ tư vấn pháp luật kịp thời giúp hòa giải, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng. Có 43 tủ sách pháp luật của các Đồn Biên phòng, các xã, thị trấn khu vực biên giới; 155 tủ sách pháp luật trang cấp cho các tàu cá đánh bắt xa bờ. Mỗi tủ sách pháp luật có từ 30-35 đầu sách pháp luật và thường xuyên được bổ sung. Đã tổ chức 102 lớp với 3.906 lượt người tham gia. Ngoài ra, nhiều hoạt động lồng ghép, kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân vùng biên giới được triển khai qua các chương trình, đề án khác đang được triển khai tại các đơn vị, địa phương, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư, treo pa nô, băng rôn, Trang thông tin điện tử, tổ chức tuyên truyền trực tiếp đồng thời kết nối với hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở 924 cuộc/47.805 lượt người; 743 tin, bài, 193 phóng sự, 107 chuyên mục của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, duy trì mỗi tháng 01 chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới”; thông qua Ngày pháp luật,...

Nội dung tuyên truyền tập trung vào pháp luật chuyên ngành, pháp luật mới ban hành, những vấn đề được cán bộ, nhân dân quan tâm, như: pháp luật biên giới quốc gia, dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; quy chế khu vực biên giới biển, quy định về đánh bắt thủy, hải sản trên biển; các nguyên tắc, thỏa thuận có liên quan đến biển, đảo đã ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Biển Đông; đặc biệt tuyên truyền các chủ phương tiện lắp đặt giám sát hành trình khi ra khơi đánh bắt hải sản; tuyên truyền phục vụ công tác phòng, chống hoạt động khai thác thủy sản sai tuyến trên vùng biển ven bờ của tỉnh cho ngư dân và các chủ phương tiện,...

 Việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác trong quần chúng Nhân dân về việc phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới, góp phần ổn định an chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, các cơ quan thực thi pháp luật.

Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Thanh Bình Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban chỉ đạo cũng lưu ý những tồn tại, hạn chế trong triển khai Đề án, từ đó yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới trong thời gian tới; tăng cường mối quan hệ phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện để hạn chế tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực; nghiên cứu lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, nghề nghiệp, nội dung tuyên truyền trọng tâm, dễ hiểu; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh cả nước thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt, đồng chí nhấn mạnh tầm quan trọng của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác này, phải xây dựng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân nói chung và cán bộ, Nhân dân vùng biên giới nói riêng trong Nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhân dịp này, nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thưc hiện Đề án đã được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Giấy khen của Ban Chỉ đạo Đề án.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày