Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.387.603
Truy cập hiện tại 56
TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG VÀ QUY ĐỊNH VỀ LY HÔN
Ngày cập nhật 12/09/2020

TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG VÀ QUY ĐỊNH VỀ LY HÔN

 

1. Chị Ngọc cho biết: Chị và chồng chị đăng ký kết hôn trước khi cưới hai tháng, trong ngày cưới gia đình hai bên cho cô dâu nhẫn vàng, hoa tai vàng (tổng cộng là là 18 chỉ vàng). Cuộc sống của hai vợ chồng chị sau cưới khá hạnh phúc. Tuy nhiên, sau khi có đứa con đầu tiên, anh chồng thường xuyên gây gỗ, lạnh nhạt với vợ; đỉnh điểm, thời gian gần gây, chồng chị Ngọc còn đòi chia tiền cưới để sử dụng riêng. Chị không đồng ý nhưng chồng chị cho rằng, đó là tài sản chung của hai vợ chồng, chị phải chia đôi cho anh một nữa, nếu không anh sẽ không để yên. Chị Ngọc tìm đến Tổ hòa giải Tổ dân phố K đề nhờ giúp đỡ và hỏi, số vàng cưới đó là tài sản riêng hay là tài sản chung của hai vợ chồng?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:“Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này (về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân); tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”.

Như vậy, nếu trong ngày cưới gia đình hai bên cho cô dâu vàng, đồ trang sức khác mà không nói cho cả hai vợ chồng thì đó là tài sản riêng của cô dâu. Tuy nhiên, thông thường, quà cưới là của người thân, bạn bè tặng hai vợ chồng nhằm chúc phúc cho hai người có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Do đó, đây có khả năng là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc xác định mâu thuẫn cơ bản nhất trong mối quan hệ của vợ chồng chị Ngọc là về cách sống của hai người, dẫn tới vấn đề tranh chấp tài sản là cưới. Trong đó, nguyên nhân chính xuất phát từ chồng chị Ngọc thường xuyên gây gỗ, lạnh nhạt với vợ. Hòa giải viên cần tìm hiểu rõ tường tận sự việc từ phía chị Ngọc và chồng chị Ngọc, viện dẫn quy định pháp luật, đạo đức, văn hóa, truyền thống của người Việt Nam để khuyên giải, giúp đỡ anh chị tìm được tiếng nói chung.

2. Bà Lan tìm đến Hòa giải viên là bà Phương, tâm sự và đề nghị giúp đỡ: Con gái tôi lấy chồng cách đây 03 năm. Trước đây tôi cứ ngỡ con gái mình sống hạnh phúc lắm nhưng thời gian gần đây, tôi tình cờ biết được chồng con gái tôi là người thô lỗ, thường xuyên say xỉn và vũ phu, con gái tôi đã hững chịu nhựng hậu quả từ tính khí đó của chồng. Tôi rất thương con gái tôi, vì sợ bố mẹ buồn nên không bao giờ nói sự thật về chồng với tôi. Sau khi biết sự việc, mặc dù rất đau long nhưng tôi đã khuyên con nên ly hôn, tuy nhiên con tôi chưa chịu ly hôn vì thương con còn nhỏ. Gần đây, con gái tôi lại bị chồng bạo hành đến sưng mặt. Vậy cho tôi hỏi, tôi có thể yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn thay con gái tôi không? Bà Phương với vai trò là Hòa giải viên phải tư vấn cho bà Lan như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn cụ thể như sau:

"Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ."

Trong tình huống trên, con gái bà Lan là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng của con gái bà gây ra làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của con gái bà thì bà Lan với vai trò là mẹ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con gái mình. Bên cạnh việc tư vấn rõ về pháp lý theo đề nghị của bà Lan, bà Phương cần căn cứ quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 tư vấn bà Lan biết hành vi của chồng con gái bà là hành vi bạo lực gia đình. Nếu anh ta vẫn tiếp diễn những hành vi vũ phu, đánh đập vợ thì con gái bà có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; yYêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc; được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác… Trên tinh thần đó, hòa giải viên động viên về tinh thần, hỗ trợ, giúp đỡ mẹ con bà Lan để có thể sáng suốt giải quyết đúng đắn vấn đề của gia đình.

3. Anh Hòa trú tại xã PT, huyện Phú Vang cho biết, vợ anh đang định cư ở nước ngoài. Vừa qua, anh được biết vợ anh đang sinh sống như vợ chồng và đã có con với người đàn ông khác. Nay anh muốn ly hôn, nhưng vợ anh không đồng ý. Anh cũng rõ địa chỉ nơi ở hiện tại của vợ nên không liên lạc được. Anh tìm đến Hòa giải viên nhờ giúp đỡ, tư vấn giúp xem anh có thể ly hôn không và cơ quan nào giải quyết? Hòa giải viên vận dụng quy định pháp luật nào để giúp anh Hòa?

Trả lời:

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

 

“Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn” (khoản 1 Điều 51)

“Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Luật này có quy định khác” (khoản 1 Điều 122).

“Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam” (khoản 3 Điều 123).

“Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam” (khoản 2 Điều 127).

Trường hợp trên, quan hệ hôn nhân và gia đình giữa hai vợ chồng anh Hòa là công dân Việt Nam, mà một bên (vợ anh) định cư ở nước ngoài, được xác định là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.  Do vợ anh Hòa là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam và hai người không có nơi thường trú chung, nên pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để giải quyết ly hôn. Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn, có yếu tố nước ngoài.

Như vậy, thì theo quy định này, anh có quyền đơn phương xin ly hôn. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện, nơi anh cư trú.

4. Vợ chồng chi Hoa lấy nhau được 5 năm, do chị Hoa mang bệnh nên dù liên tục chạy chữa tốn nhiều tiền bạc, thời gian vẫn không có kết quả. Chị Hoa muốn nhận con nuôi song gia đình nhà chồng không đồng ý. Dù còn tình cảm với chồng nhưng chị Hoa không thể cố gắng thêm được nữa vì thấy mệt mỏi và bế tắc. Giờ chị có thể đơn phương ly hôn để chồng đi tìm hạnh phúc mới không? Chị Hoa đã tâm sự và nói về nguyện vọng của mình với hòa giải viên thôn K để nhờ tư vấn, giúp đỡ. Hòa giải viên K phải tư vấn như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.”

Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định lLy hôn theo yêu cầu của một bên:

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn của Cha, mẹ, người thân thích khác khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ, thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

 Nội dung hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt quy định trong Điều 56 vừa nêu trên được hướng dẫn chi tiết tại mục 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán ngày 23/12/2000, cụ thể như sau:

“a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt”.

Như vậy, đối chiếu các quy định trên, chị Hoa có quyền đơn phương ly hôn và phải có các chứng cứ, tài liệu… để chứng minh cho việc hôn nhân giữa hai người đã đến mức độ trầm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì tòa mới có thể xem xét giải quyết yêu cầu. Nếu xét thấy trường hợp của chị có đủ căn cứ cho ly hôn theo quy định của pháp luật thì tòa án sẽ quyết định cho ly hôn. Bên cạnh quy định pháp luật cần tư vấn theo yêu cầu của chị Hoa, hòa giải viên cần tìm hiểu rõ sự tình câu chuyện, tâm ý, nguyện vọng của chồng chị Hoa, gia đình hai bên, căn cứ đạo đức, văn hóa, truyền thống để hòa giải, giúp đỡ vợ chồng chị Hoa.

5. Chị Loan 30 tuổi, lấy chồng và có 1 bé trai 6 tuổi. Trong thời gian chung sống, hai vợ chồng đã nảy sinh nhiều bất đồng quan điểm, thêm vào đó chồng chị ngoại tình bỏ đi lúc con 2 tuổi, sau 1 năm lại về, nghĩ vì con nên chị cứ dửng dưng mà không hề nghĩ tới việc ly hôn, do đó chị ở nhà ngoại còn chồng ở nhà nội, thi thoảng chồng chị lên chơi với con và có chút ít tiền trợ cấp.  Bây giờ cuộc sống hôn nhân ngày càng trở nên căng thẳng và chị muốn chấm dứt vì con chị ngày càng lớn, cháu càng nhận biết được mọi chuyện xảy ra giữa hai người. Tuy nhiên, chồng chị không chấp nhận ly hôn và có ý tranh nuôi con. Chị Loan đã nhờ Tổ hòa giải giúp đỡ, tư vấn xem chị có thể nuôi con không? Được biết, chồng chị làm nghề tự do (có thu nhập), chị Loan làm kế toán cho 1 doanh nghiệp tư nhân?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo quy định trên, nếu vợ chồng chị Loan không thỏa thuận được việc ly hôn thì chị có quyền đơn phương ly  hôn. Trường hợp ly hôn, con trai của hai người đã 6 tuổi nên Tòa án sẽ xem xét về tình trạng của hai bên để đưa ra quyết định về quyền nuôi con, cụ thể: Tòa án xem xét về việc đáp ứng nhu cầu tình cảm, chăm sóc cho đưa trẻ; việc đáp ứng vật chất cho đưa trẻ… Nếu ai đảm bảo được các yêu cầu tốt hơn thì Tòa án sẽ giao con cho người đó nuôi. Ngoài ra, hòa giải viên cần tìm hiểu thêm về tâm tư, nguyện vọng của chồng chị Loan để hiểu rõ tường tận mọi việc; trên cơ sở đó, căn cứ quy định pháp luật, đạo đức, văn hóa, truyền thống để hòa giải, giúp đỡ gia đình chị Loan tìm ra một hướng đi tốt nhất.

 6. Chị Hòa trú tại xã VA, đã sống như vợ chồng với một người đàn ông và có một con chung 1 tuổi. Gần đây do mâu thuẫn nên chị quyết định chia tay (chưa đăng kí kết hôn) nhưng ai cũng muốn giữ con. Chị Hòa nhờ Tổ hòa giải giúp đỡ, tư vấn trong trường hợp không đăng ký kết hôn thì Tòa án xử không và chị có thể nuôi con được không?

Trả lời:

Điều 14, Điều 15, Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

1.  Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định dưới đây.

Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

2. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

3. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2013 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Căn cứ quy định trên, Tòa án sẽ không giải quyết vấn đề liên quan đến nghĩa vụ vợ chồng vì giữa chị Hòa và cha của con chị không đăng ký kết hôn. Tòa sẽ giải quyết các vấn đề về quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên. Đối với trường hợp của chị Hòa, con chị 1 tuổi, nghĩa là dưới 36 tháng tuổi thì giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Ngoài tư vấn đề pháp lý, hòa giải viên cần tìm hiểu thêm sự việc từ chị Hòa, cha của con chị Hòa, và những người liên quan để hiểu rõ sự việc; qua đó, trên cơ sở pháp luật, đạo đức, văn hóa, truyền thống để hòa giải, giúp đỡ mẹ con chị Hòa có cuộc sống ổn định.

  7. Anh Ninh và vợ tôi ly hôn đã được 5 năm. Khi ly hôn có một con chung. Đến nay, con gái của anh đã được 7 tuổi và sống với mẹ. Vào thời điểm ly hôn, vợ anh Ninh không yêu cầu cấp dưỡng và được Tòa án đồng ý. Hiện tại vợ anh có quan hệ với một người đàn ông và có một đứa con trai 2 tuổi. Nay vợ anh lại yêu cầu anh Ninh phải cấp dưỡng nuôi con. Anh Ninh nhờ Tổ hòa giải tư vấn giúp, anh có thể không đồng ý cấp dưỡng và giành lại quyền nuôi con có được không?

Trả lời:

Điều 115 và Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

1.  Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn

Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.

2. Mức cấp dưỡng

 Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

 Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức theo quy định, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Do đó, vợ anh Ninh có quyền yêu cầu anh Ninh tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi có lý do chính đáng. Trường hợp không thỏa thuận được thì vợ anh Ninh có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Về việc giành lại quyền nuôi con, anh có quyền yêu cầu Tòa án xem xét, quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như trên. Anh cần phải chứng minh vợ của anh không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Ngoài ra, do con chung của hai người đã được 7 tuổi nên việc thay đổi người trực tiếp nuôi con còn phải xem xét nguyện vọng của con. Ngoài quy định pháp luật như trên, hòa giải viên cần tìm hiểu rõ sự việc từ những người liên quan và trên cơ sở đạo đức, truyền thống, và đặc biệt là vì sự phát triển tốt nhất của đứa trẻ để khuyên giải anh Ninh có hướng xử lý phù hợp nhất.

8. Anh Hòa và chị Kim là vợ chồng trẻ mới cưới. Hai người có sự thỏa thuận về tài sản là tài sản riêng của ai thuộc về người đó, chỉ đóng góp mỗi tháng 2 triệu đồng/người để chi tiêu sinh hoạt chung. Trong quá trình chung sống, phát sinh thêm một số việc cần chi tiêu chung, hai người có đóng góp nhưng vượt quá thu nhập của chị Kim, trong khi đó, anh Hòa không chịu đóng góp thêm. Từ sự việc này, hai người phát sinh mâu thuẫn, ồn ào và hòa giải viên đã phải vào cuộc giúp đỡ. Ông Mạnh là hòa giải việc trực tiếp hòa giải vụ việc này, ông đề nghị cho biết, ông phải áp dụng quy định pháp luật nào về tài sản của vợ chồng để khuyên giải hai bên?

Trả lời:

Điều 29 và Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

 Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

 Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.

Theo quy định trên, vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên. Như vậy, anh Hòa là người có thu nhập cao hơn chị Kim, trước việc chi tiêu chung của vợ chồng, anh Hòa có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của anh. Ông Mạnh vận dụng quy định pháp luật trên, đồng thời nói rõ về đạo đức, truyền thống gia đình của người Việt Nam, của người đàn ông trong gia đình để khuyên giải anh Hòa, giúp hai vợ chồng trẻ vun đắp gia đình.

9. Vợ chồng chị Thủy và các con của anh chị hiện đang sống tại ngội nhà khang trang thuộc trung tâm thành phố Huế. Gần đây, do có việc riêng cần tiền nên chồng chị Thủy muốn bán căn nhà này. Chị Thủy không đồng ý vì đây là chỗ ở duy nhất của cả gia đình, nếu bán đi thì sẽ sống ở đâu. Chồng chị Thủy nhất quyết bán nhà vì đây là nhà riêng của anh nên anh có quyền định đoạt. Từ sự việc này, anh chị mâu thuẫn, đặc biệt chị Thủy cảm thấy tổn thương khi chồng lên tiếng về tài sản chung riêng mà không nghĩ đến chị bao năm qua đã vì chồng con mà hy sinh bản thân. Chị Trang là Hòa giải viên tiếp nhận vụ việc này, chị đề nghị cho biết, quy định pháp luật nào điều chỉnh vấn đề này?

Trả lời:

Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng: Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

Trong trường hợp của vợ chồng chị Thủy, nhà ở là tài sản riêng của chồng chị nên theo quy định của pháp luật, anh có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng. Từ quy định của pháp luật, chị Trang là Hòa giải viên giải thích để chị Thủy hiểu rõ vấn đề này, đồng thời, gặp gỡ chồng chị Thủy để tìm hiểu thêm nguyên nhân dẫn đến quyết định bán nhà là chỗ ở duy nhất của gia đình; tìm giải pháp bảo đảm chỗ ở của gia đình trong trường hợp phải bán nhà; đồng thời, bằng đạo đức, truyền thống, phong tục để khuyên chồng chị Thủy không nên có những lời nói, phân biệt tài sản rạch ròi, làm tổn thương người vợ.

10. Vợ chồng anh Ánh vừa mua một xe ô tô trị giá hơn 1 tỷ đồng. Vợ anh Ánh muốn cả 2 người cùng đứng tên trong giấy đăng ký quyền sở hữu. Anh Ánh vì muốn nhanh gọn nên cho rằng chỉ cần một mình anh đứng tên đăng ký vì đằng nào cũng là tài sản chung của vợ chồng. Vợ anh không đồng ý và vẫn nhất quyết muốn cùng đứng tên giấy tờ. Vì việc này mà hai vợ chồng anh mâu thuẫn gần cả tháng nay. Ông Sỹ là Hòa giải viên tiếp nhận vụ việc này, ông Sỹ đề nghị cho biết, quy định của pháp luật cần áp dụng trong trường hợp này là gì?

Trả lời:

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình quy định tài sản chung của vợ chồng:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân (trừ trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung

1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện như sau:

Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng (khoản 1, 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình). Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân (khoản 2 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật Hôn nhân và gia đình thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.

Nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết như sau: Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Căn cứ quy định trên, Hòa giải viên giải thích để anh Ánh hiểu, hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng. Trường hợp anh Ánh muốn đứng tên một mình để thuận tiện trong các giao dịch liên quan đến tài sản thì phải có sự thỏa thuận với vợ và hai vợ chồng xác lập việc đại diện theo ủy quyền theo đúng quy định. Trên cơ sở đó, vợ chồng anh Ánh lựa chọn phương án thực hiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của hai vợ chống để hóa giải mâu thuẫn cũng như bảo đảm theo quy định pháp luật.

11. Chồng chị Khánh là doanh nhân, anh chị có hai người con 8 tuổi và 5 tuổi. Để bảo đảm nguồn vốn kinh doanh, vừa qua, chồng chị đề nghị với chị chia tài sản chung của hai vợ chồng để anh lấy vốn làm ăn. Chị Khánh không đồng ý vì cảm thấy việc này “không bình thường”, và nếu chia tài sản rồi thì “tiền an nấy tiêu”, vậy cuộc sống của mẹ con chị ra sao vì kinh tế cả gia đình phụ thuộc vào việc kinh doanh của chồng chị. Chính vì vậy, giữa hai vợ chồng xảy ra xích mích. Chị Khánh nhờ anh Hùng là hòa giải viên giúp đỡ, tư vấn về việc chia tài sản chung của vợ chồng. Hòa giải viên áp dụng quy định pháp luật nào để tư vấn, giúp đỡ vợ chồng chị Khánh?

Trả lời:

Điều 38,  40, 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp chia tài chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn”.

Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

“1. Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

2. Thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 nêu trên không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba”.

 Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

“Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Hòa giải viên căn cứ vào quy định trên, phân tích, giải thích để chị Khánh hiểu pháp luật có quy định về việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Do đó, việc này là có căn cứ pháp lý chứ không phải “không bình thường”, và việc “không bình thường” này là do những lo ngại của chị về hậu quả sau khi chia tài sản chung liên quan đến tình cảm, gia đình… Để đánh giá sự việc một cách toàn diện, hòa giải viên nên tìm gặp chồng chị Khánh để tìm hiểu thêm về việc có cần thiết phải chia tài sản chung không. Nếu bắt buộc tình huống phải chia tài sản chung của vợ chồng, thì khuyên anh chị nên có thỏa thuận cụ thể về hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tải sản riêng của mỗi bên để đảm bảo cuộc sống chung của gia đình. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, nếu việc chia tài sản chung ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên và không có tài sản để tự nuôi mình thì pháp luật không cho phép chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

12. Vợ anh Hòa được bố mẹ để lại tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất ở 100m2 tại thành phố Huế. Vì bố mẹ anh Hòa gặp khó khăn nên anh Hòa đề nghị vợ bán mảnh đất này đi để hỗ trợ một phần chi phí cho ông bà. Tuy nhiên, vợ anh Hòa không đồng ý và nói rằng, đây là tài sản riêng của chị và chị không muốn bán. Từ sự việc này, anh Hòa mâu thuẫn với vợ. Hòa giải viên phải áp dụng quy định pháp luật gì để tư vấn, giúp đỡ hai vợ chồng anh Hòa?

Trả lời:

Điều 43 và 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

 Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng  trong thời kỳ hôn nhân; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng;  trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng (trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác).

 Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng

1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

3. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

4. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

Theo quy định của pháp luật, tài sản vợ anh Hòa được thừa kế từ cha mẹ của chị là tài sản riêng của chị. Do đó, chị có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản này. Đối với anh Hòa, muốn giúp đỡ bố mẹ thì anh có thể bàn với chị để tìm các giải pháp khác. Không nên vì vấn đề này mà ảnh hưởng đến hòa khí gia đình.

13. Chị Trân và chị Kim thời gian qua xảy ra xích mích, to tiếng vì lý do: Chồng chị Trân đã mượn tiền của chị Kim (mượn trước khi kết hôn với chị Trân) đến nay vẫn chưa trả. Tuy nhiên, hiện nay chồng chị Trân dã đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về nhà. Vì vậy, chị Kim ngày nào cũng tìm mọi cách đòi tiền từ chị Trân. Chị Trân không đồng ý việc trả nợ này và đề nghị chị Kim tìm chồng chị để đòi nợ vì đó là trách nhiệm của riêng anh, không liên quan gì đến chị. Để giúp hòa giải vụ việc này, hòa giải viên phải áp dụng quy định pháp luật nào?

Trả lời:

Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đinh năm 2014 quy định vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Chiếu theo quy định pháp luật, chồng chị Trân mượn tiền của chị Kim trước khi kết hôn với chị Trân. Do đó, đây là nghĩa vụ về tài sản riêng của chồng chị Trân. Bên cạnh đó, hòa giải viên tìm hiểu về số tiền nợ, lý do nợ và hoàn cảnh kinh tế, tình cảm cụ thể hiện tại của vợ chồng chị Trân. Trên cơ sở đó, bằng đạo đức, truyền thống, khuyên giải chị Trân bàn bạc với chồng để có giải pháp trả nợ hợp lý.

14. Vợ chồng anh Quyền mua ô tô trị giá gần 2 tỷ đồng. Do muốn nhanh gọn, anh Quyền đã tự đi làm thủ tục giấy tờ và đứng tên một mình trên giấy chứng nhận quyền sở hữu. Sau khi biết được sự việc, vợ anh Quyền yêu cầu được đứng tên cùng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu này. Chị thường xuyên nhắc đi nhắc  lại việc này làm anh Quyền mệt mỏi, khó chịu và dẫn đến mâu thuẫn. Hòa giải viên áp dụng quy định pháp luật nào để hòa giải, giúp đỡ hai vợ chồng?

Trả lời:

Điều 12 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định đăng ký tài sản chung của vợ chồng như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng phải đăng ký theo quy định tại Điều 34 của Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm quyền sử dụng đất, những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu.

2. Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.

3. Trong trường hợp tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân mà trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả vợ và chồng thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định của Tòa án về chia tài sản chung.

Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng

1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện như sau: Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.  Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật Hôn nhân và gia đình thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.

Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng như sau:

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng (trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để giải thích cho anh Quyền hiểu, vợ anh có quyền được đứng tên trong giáy chứng nhận sở hữu xe ô tô cùng với chồng do đây là tài sản chung của vợ chồng. Nếu vợ chồng đồng ý, có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu để ghi tên của cả vợ và chồng. Tuy nhiên, nếu anh Quyền quá bận rộn không thể thực hiện thủ tục đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu thì có thể giải thích để vợ anh hiểu rằng, mặc dù không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu xe ô tô nhưng tài sản này vẫn được xác định là tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như giới thiệu ở trên; trường hợp có giao dịch liên quan đến tài sản này thì thực hiện theo quy định về đại diện giữa vợ và chồng.

15. Vợ chồng anh Ninh kết hôn và có thỏa thuận với nhau về chế độ tài sản. Trong đó, anh Ninh có ngôi nhà được mua trước khi kết hôn và anh chị thống nhất đây là tài sản chung của vợ chồng. Được biết, ngôi nhà này anh Ninh mua bằng tiền vay mượn của người bạn là anh Hùng, trong đó thỏa thuận nếu đến hạn anh Ninh không đủ khả năng trả nợ thì phải bán ngôi nhà này để trả nợ. Đến nay, đến hạn trả nợ, anh Ninh không đủ khả năng để trả, anh Hùng yêu cầu anh Ninh bán nhà để trả nợ cho anh. Tuy nhiên, anh Ninh cho rằng đây là tài sản chung của vợ chồng nên anh không có quyền bán. Từ sự việc này, anh Hùng và anh Ninh nảy sinh mâu thuẫn. Anh Hùng đã nhờ Tổ hòa giải giúp đỡ và đề nghị cho biết, anh có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị anh Ninh bị vô hiệu không?

Trả lời:

Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 (sau đây viết tắt là Luật hôn nhân và gia đình) quy định:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thuộc trường hợp bị vô hiệu quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình:

a) Vợ, chồng hoặc vợ chồng đã thỏa thuận về chế độ tài sản;

b) Người bị xâm phạm, người giám hộ của người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp do có thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng.

2. Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

3. Trường hợp Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng mà có yêu cầu Tòa án xem xét thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu thì Tòa án phải xem xét, quyết định nội dung thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng liên quan đến tài sản tranh chấp có bị vô hiệu hay không. Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ thì Tòa án phải tuyên thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu một phần hoặc toàn bộ trong bản án, quyết định để làm cơ sở giải quyết quyền, nghĩa vụ của các bên.

Theo quy định trên, nếu anh Hùng khởi kiện ra Tòa án yêu cầu anh Ninh trả nợ, yêu cầu hủy văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng anh Ninh, Tòa án xem xét thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng anh Ninh vì vi phạm nghiêm trọng quyền của anh Hùng. Hòa giải viên áp dụng quy định nêu trên để giải thích cho anh Hùng và cả anh Ninh hiểu; đồng thời khuyên anh Ninh có phương án trả nợ cho anh Hùng, không nên để sự việc đi quá xa.

 16. Vợ chồng anh Phú có nhiều điểm không hợp nhau, anh chị từ lâu đã không còn tình cảm. Nay hai người muốn thống nhất ly hôn. Về con cái, anh chị có 01 người con 5 tuổi sẽ do vợ nuôi. Về tài sản, cơ bản anh chị đã thỏa thuận với nhau, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề chưa thỏa thuận được. Anh Phú nhờ hòa giải viên giúp đỡ để hai bên có thể thỏa thuận được với nhau về tài sản. Trường hợp không thể thỏa thuận được thì anh đề nghị cho biết, pháp luật quy định việc chia tài sản chung khi ly hôn như thế nào?

Trả lời:

Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình quy định nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 dưới đây và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 dưới dây và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Như vậy, về nguyên tắc, việc chia tài sản chung của vợ chồng sẽ theo quy định như trên. Bên cạnh đó, hòa giải viên tìm hiểu rõ sự tình của vợ chồng anh Phú để khuyên giải, trường hợp phải ly hôn thì cũng không ồn ào, ảnh hưởng đến con cái.

17. Chị Thu kết hôn với anh Thành và sống chung với gia đình chồng đã gần 10 năm. Trong thời gian sống chung, chị đã có những đóng góp về tiền bạc để cải tạo, sửa chữa nhà ở, mua sắm tài sản trong gia đình chồng. Đến nay, hai vợ chồng anh chị quyết định lý hôn vì không tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, mẹ chồng chị không cho chị mang theo bất cứ thứ gì ngoài hành lý cá nhân. Vì việc này mà giữa chị Thu và gia đình chồng càng mâu thuẫn, ồn ào hơn. Chị Thu quá đau lòng và đã đề nghị Hòa giải viên giúp đỡ. Hòa giải viên phải áp dụng quy định pháp luật gì để giải quyết?

Trả lời:

Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình như sau:

1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Nghĩa là, cơ bản tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Ngoài ra, bảo đảm các vấn đề khác, như: Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình...

Căn cứ quy định trên, hòa giải viên gặp gỡ và giải thích cho các bên hiểu rõ việc chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình, đặc biệt thuyết phục để mẹ chồng chị Thu không nên có thái độ quá gay gắt với chị, mà cần khách quan đánh giá, nhìn nhận để bảo đảm quyền lợi của chị theo đúng quy định pháp luật./.

 

 

 

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày