Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.387.603
Truy cập hiện tại 3.479
GIẢI ĐÁP MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ AN NINH MẠNG
Ngày cập nhật 12/09/2020

GIẢI ĐÁP MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ AN NINH MẠNG

 

1. Anh Hùng công tác tại cơ quan A, phụ trách công nghệ thông tin. Thực hiện chỉ đạo về triển khai Luật an ninh mạng, anh Hùng được giao nhiệm vụ tham mưu triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng của cơ quan A. Anh Hùng hỏi: Hoạt động bảo vệ an ninh mạng gồm những nội dung gì?

Điều 23 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương như sau:

1. Nội dung triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng bao gồm:

a) Xây dựng, hoàn thiện quy định, quy chế sử dụng mạng máy tính nội bộ, mạng máy tính có kết nối mạng Internet; phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin; phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;

b) Ứng dụng, triển khai phương án, biện pháp, công nghệ bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin và thông tin, tài liệu được lưu trữ, soạn thảo, truyền đưa trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý;

c) Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nâng cao năng lực bảo vệ an ninh mạng cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng;

d) Bảo vệ an ninh mạng trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trên không gian mạng, cung cấp, trao đổi, thu thập thông tin với cơ quan, tổ chức, cá nhân, chia sẻ thông tin trong nội bộ và với cơ quan khác hoặc trong hoạt động khác theo quy định của Chính phủ;

đ) Đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện bảo đảm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin;

e) Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin; phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng thuộc quyền quản lý.

Như vậy, anh Hùng căn cứ quy định nêu trên để triển khai các nội dung hoạt động bảo vệ an ninh mạng của cơ quan A.

2. Anh Phương là cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và mạng của cơ quan C. Anh hỏi: Trong trường hợp nào thì kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia? Cơ quan nào thực hiện việc kiểm tra?

Điều 24 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia như sau:

1. Kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong trường hợp sau đây:

a) Khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng xâm phạm an ninh quốc gia hoặc gây tổn hại nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội;

b) Khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin.

2. Đối tượng kiểm tra an ninh mạng bao gồm:

a) Hệ thống phần cứng, phần mềm, thiết bị số được sử dụng trong hệ thống thông tin;

b) Thông tin được lưu trữ, xử lý, truyền đưa trong hệ thống thông tin;

c) Biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước và phòng, chống lộ, mất bí mật nhà nước qua các kênh kỹ thuật.

3. Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm thông báo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trên hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.

4. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an tiến hành kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức trong các trường hợp quy định tại khoản 1 nêu trên.

5. Trước thời điểm tiến hành kiểm tra, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thông báo bằng văn bản cho chủ quản hệ thống thông tin ít nhất là 12 giờ.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thông báo kết quả kiểm tra và đưa ra yêu cầu đối với chủ quản hệ thống thông tin trong trường hợp phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; hướng dẫn hoặc tham gia khắc phục khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin.

6. Kết quả kiểm tra an ninh mạng được bảo mật theo quy định của pháp luật.

 Căn cứ quy định trên, Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an tiến hành kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức trong các trường hợp: khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng xâm phạm an ninh quốc gia hoặc gây tổn hại nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội; khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin.

3. Chị Hạnh công tác tại cơ quan T, hỏi: Pháp luật có quy định những nội dung gì không được đăng tải lên  Cổng/Trang thông tin điện tử các cơ quan?

Khoản 1 Điều 26 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có nội dung sau đây và thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia:

1. Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước;

c) Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

2. Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm:

a) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân;

b) Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.

3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:

a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

4. Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm:

a) Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác;

b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.

5. Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Như vậy, pháp luật đã quy định cụ thể những thông tin không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Chị Tùng trú tại thành phố Huế, hỏi: doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có được xác thực thông tin người dùng đăng ký tài khoản số không và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc ngăn chặn các thông tin vi phạm an ninh thông tin trên không gian mạng?

Khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định như sau:

Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

1. Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

2. Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung sau đây trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ:

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự.

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm: thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

3. Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung nêu tại khoản 2 trên đây khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Như vậy, Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số và có trách nhiệm ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin vi phạm an ninh không gian mạng như nêu ở trên, đồng thời không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng các thông tin này.

5. Anh Thanh đang làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài về cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng. Anh đề nghị cho biết, pháp luật có quy định doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này phải lưu trữ dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra tại Việt Nam không?

Khoản 3 Điều 26 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định như sau:

Doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Doanh nghiệp ngoài nước quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Như vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định rõ vấn đề như trên. Quy định này hoàn toàn phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế. Theo thống kê, hiện đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu trong nước. Việc yêu cầu cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng và sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải đặt văn phòng đại diện hoặc lưu trữ một số dữ liệu quan trọng tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ là khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, không bao gồm toàn bộ các doanh nghiệp, cũng không yêu cầu hạn chế, lưu trữ tại Việt Nam toàn bộ dữ liệu mà chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết vì lý do an ninh. Việc lưu trữ dữ liệu người dùng và các dữ liệu quan trọng của quốc gia Việt Nam, không phải là dữ liệu nền tảng – platform nên không ảnh hưởng và cản trở việc lưu thông của “dòng chủ dữ liệu”, không tạo rào cản đối với các doanh nghiệp tham gia nền kinh tế của Việt Nam. Thực tế, một số doanh nghiệp này đã đặt tuân thủ yêu cầu của một số quốc gia trên thế giới về địa phương hoá dữ liệu (Theo thông tin từ báo Công an nhân dân online  “Quy định lưu trữ dữ liệu và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam không trái với thông lệ quốc tế” ngày 26/12/2018).

 6. Anh Quý là người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyên về an ninh mạng. Anh hỏi: Một trong những chính sách của Nhà nước ta là ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng. Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp và cần thiết trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy nội dung nghiên cứu, phát triển an ninh mạng là gì và cá nhân anh Quý có quyền nghiên cứu, phát triển an ninh mạng không?

Điều 27 Luật Luật An ninh mạng năm 2018 quy định về nghiên cứu, phát triển an ninh mạng như sau:

1. Nội dung nghiên cứu, phát triển an ninh mạng bao gồm:

a) Xây dựng hệ thống phần mềm, trang thiết bị bảo vệ an ninh mạng;

b) Phương pháp thẩm định phần mềm, trang thiết bị bảo vệ an ninh mạng đạt chuẩn và hạn chế tồn tại điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, phần mềm độc hại;

c) Phương pháp kiểm tra phần cứng, phần mềm được cung cấp thực hiện đúng chức năng;

d) Phương pháp bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư; khả năng bảo mật khi truyền đưa thông tin trên không gian mạng;

đ) Xác định nguồn gốc của thông tin được truyền đưa trên không gian mạng;

e) Giải quyết nguy cơ đe dọa an ninh mạng;

g) Xây dựng thao trường mạng, môi trường thử nghiệm an ninh mạng;

h) Sáng kiến kỹ thuật nâng cao nhận thức, kỹ năng về an ninh mạng;

i) Dự báo an ninh mạng;

k) Nghiên cứu thực tiễn, phát triển lý luận an ninh mạng.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền nghiên cứu, phát triển an ninh mạng.

Trên đây là nội dung nghiên cứu, phát triển an ninh mạng theo pháp luật Việt Nam. Cá nhân anh Quý có quyền nghiên cứu, phát triển an ninh mạng theo quy định của pháp luật.

7. Doanh nghiệp P hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng. Doanh nghiệp P hỏi: Nhà nước có biện pháp gì để tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng?

Điều 28 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định như sau:

1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng và nâng cao khả năng sản xuất, kiểm tra, đánh giá, kiểm định thiết bị số, dịch vụ mạng, ứng dụng mạng.

2. Chính phủ thực hiện các biện pháp sau đây để nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân:

a) Thúc đẩy chuyển giao, nghiên cứu, làm chủ và phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng để bảo vệ an ninh mạng;

b) Thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến liên quan đến an ninh mạng;

c) Tổ chức đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực an ninh mạng;

d) Tăng cường môi trường kinh doanh, cải thiện điều kiện cạnh tranh hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng để bảo vệ an ninh mạng.

Như vậy, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng và nâng cao khả năng sản xuất, kiểm tra, đánh giá, kiểm định thiết bị số, dịch vụ mạng, ứng dụng mạng. Trong đó, Chính phủ thực hiện các biện pháp như trên để nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

8. Chị Hoa có con gái nhỏ 02 tuổi. Thời gian qua, nhiều thông tin liên quan đến trẻ em trên không gian mạng bị xâm phạm, vi phạm các quyền của trẻ em. Chị Hoa đề nghị cho biết, pháp luật quy định như thế nào về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?

Điều 29 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như sau:

1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật An ninh mạng và pháp luật về trẻ em.

4. Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.

Như vậy, Luật An ninh mạng năm 2018 đã quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

9. Anh Dũng là chuyên gia về mạng viễn thông, mạng internet. Anh được biết Luật An ninh mạng đã được ban hành và quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng. Vậy lực lượng bảo vệ an ninh mạng là cơ quan nào? Công dân Việt Nam có được tham gia vào lực lượng bảo vệ an ninh mạng không?

Điều 30, 31, 32 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định như sau:

1. Lực lượng bảo vệ an ninh mạng

- Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

- Lực lượng bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

- Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ an ninh mạng.

2. Bảo đảm nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng

- Công dân Việt Nam có kiến thức về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin là nguồn lực cơ bản, chủ yếu bảo vệ an ninh mạng.

- Nhà nước có chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng.

- Khi xảy ra tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, khủng bố mạng, tấn công mạng, sự cố an ninh mạng hoặc nguy cơ đe dọa an ninh mạng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định huy động nhân lực bảo vệ an ninh mạng.

Thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục huy động nhân lực bảo vệ an ninh mạng được thực hiện theo quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng

- Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trình độ, kiến thức về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin, có nguyện vọng thì có thể được tuyển chọn vào lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

- Ưu tiên đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng có chất lượng cao.

- Ưu tiên phát triển cơ sở đào tạo an ninh mạng đạt tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích liên kết, tạo cơ hội hợp tác về an ninh mạng giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, trong nước và ngoài nước.

Như vậy, lwcoj lượng bảo vệ an ninh mạng gồm lực lượng chuyên trách tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; lực lượng được bố trí tại Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; tổ chức, cá nhân được huy động. Công dân Việt Nam có kiến thức về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin là nguồn lực cơ bản, chủ yếu bảo vệ an ninh mạng và sẽ được Nhà nước huy động khi xảy ra tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, khủng bố mạng, tấn công mạng, sự cố an ninh mạng hoặc nguy cơ đe dọa an ninh mạng. Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trình độ, kiến thức về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin, có nguyện vọng thì có thể được tuyển chọn vào lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày