Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.410.041
Truy cập hiện tại 13.499
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Ngày cập nhật 12/09/2020

XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI VI PHẠM

QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN

 

1. Ông Hòa trú tại huyện PL có hành vi sử dụng chất chất nổ để khai thác thủy sản, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua điều tra của cơ quan chức năng, hành vi của ông Hòa chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và sẽ bị xử lý về mặt hành chính. Ông Hòa đề nghị cho biết, hành vi của ông bị xử lý như thé nào?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 17 Luật Thủy sản năm 2017 quy định: Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản là nơi cư trú, tập trung sinh sản, nơi thủy sản còn non tập trung sinh sống thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất một loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc loài thủy sản bản địa hoặc loài thủy sản di cư xuyên biên giới.

Khoản 3 Điều 7 Luật Thủy sản năm 2017 quy định hành vi “Lấn, chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển” là hành vi bị nghiêm cấm.

Điều 6 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của  Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản như sau:

1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi khai thác thủy sản bằng nghề cố định ở các sông, hồ, đầm, phá; không tạo đường di cư hoặc dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ công trình hoặc có hoạt động liên quan đến đường di cư của loài thủy sản; cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của loài thủy sản;

b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại nguồn lợi thủy sản hoặc hệ sinh thái thủy sinh hoặc khu vực thủy sản tập trung sinh sản hoặc khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống; phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm hoặc gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

d) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của loài thủy sản.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 nêu trên.

Như vậy, ông Hòa đã có hành vi gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo quy định trên, ông bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Ông Nguyên là ngư dân, hoạt động đánh bắt cá tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã lâu. Tháng 5 vừa rồi, ông sử dụng tàu cá có chiều dài 12 mét để khai thác cá tại vùng ven biển Lăng Cô. Cơ quan chức năng đã lập biên bản đối với ông về hành vi khai tác thủy sản trong khu vực cấm khai thác có thời hạn. Ông Nguyên đề nghị cho biết, khu vực nào cấm khai thác thủy sản có thời hạn và mức xử phạt trong trường hợp này là bao nhiêu tiền?

Trả lời:

Điều 14 Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônhướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản quy định khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn:

1. Tiêu chí xác định khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn.

Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được xác định bởi một trong các tiêu chí sau đây:

a) Khu vực tập trung sinh sản của loài thủy sản, khu vực có mật độ phân bố trứng của các loài thủy sản cao hơn so với vùng lân cận;

b) Khu vực tập trung sinh sống của thủy sản chưa thành thục sinh sản, khu vực có mật độ phân bố cá con, tôm con và ấu trùng các loài thủy sản cao so với vùng lân cận;

c) Khu vực di cư sinh sản của loài thủy sản;

d) Khu vực cấm khai thác thủy sản của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải là thành viên nhưng có hợp tác.

2. Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT.

Theo danh mục trên, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn tại Thừa Thiên Huế là vùng ven biển Lăng Cô, trong phạm vi đường nối các điểm có tọa độ: C8a: (16°16’35"N, 108°03’30"E); C8b: (16°20’35"N, 108°08’00”E); C8c: (16°16’35"N, 108°12’35”E); C8d: (16°12’55"N, 108°09’30"E); thời hạn cấm khai thác là từ 01/4-30/6 và 01/8-30/8; đối tượng bảo vệ chính là Cá mối (Synodontidae), cá căng (Terapontidae), cá phèn (Mullidae), cá trỏng (Engraulidae), cá khế (Carangidae), cá đối (Mugilidae), tôm he (Penaeidae), tôm gai (Palaemonidae).

Khoản 1,3, 4 Điều 7 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của  Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định:

1. Khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác hoặc khu vực cấm khai thác có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét để khai thác thủy sản hoặc khai thác thủy sản mà không sử dụng tàu cá;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét để khai thác thủy sản;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét để khai thác thủy sản;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để khai thác thủy sản.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng;

b) Buộc chuyển giao số thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử.

Theo quy định trên, ông Nguyên đã có hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài 12 mét khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn tại Thừa Thiên Huế. Do đó, hành vi này của ông bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản; biện pháp khấc phục hậu quả như khoản 3 nêu trên.

3. Bà Quy trú tại xã PT, huyện Phú Vang cho biết, chồng bà bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm phạm hành chính về hành vi sử dụng tàu cá làm nghề lưới kéo có chiều dài 17 mét khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác có thời hạn với mức phạt 70 triệu đồng. Trong khi đó, bà Quy được biết ông Khánh trú cùng địa phương cũng sử dụng tàu cá có chiều dài 17 mét khai thác thủy sản trong cùng khu vực với chồng bà và cũng bị bắt cùng thời điểm, tuy nhiên, mức xử phạt đối với ông Khánh là 35 triệu đồng. Bà Quy đề nghị cho biết, việc xử phạt của cơ quan chức năng đối với chồng bà có đúng không?

Trả lời:

Điểm c khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 7 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của  Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định:

 1. Khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác hoặc khu vực cấm khai thác có thời hạn mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét để khai thác thủy sản.

2. Đối với hành vi sử dụng tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực) vi phạm quy định trên thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đã được quy định tại khoản 1 nêu trên, cụ thể:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét để khai thác thủy sản hoặc khai thác thủy sản mà không sử dụng tàu cá;

b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét để khai thác thủy sản;

c) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét để khai thác thủy sản;

d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để khai thác thủy sản.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng;

b) Buộc chuyển giao số thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử.

Như vậy, mặc dù ông Khánh và chồng bà Quy cùng có hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài 17 mét khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác có thời hạn nhưng mức xử phạt đối với 02 người lại khác nhau là vì: Ông Khánh đơn thuần sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản; chồng bà Quy sử dụng tàu cá làm nghề kéo lưới để khai thác thủy sản. Chính vì vậy, mức xử phạt đối với chồng bà Quy cao gấp hai lần so với ông Khánh. Đối chiếu với quy định nêu trên, việc xử phạt của cơ quan chức năng là đúng pháp luật.

4. Tháng 5/2019, tổ chức K tổ chức khai thác cá anh vũ (tên khoa học là Semilabeo obscures) vì mục đích nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, tổ chức này đã không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi này bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 7 và Điều 8, khoản 4 Điều 9 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, cá anh vũ (tên khoa học là Semilabeo obscures) thuộc danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Thủy sản thuộc danh mục này chỉ được khai thác vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế. Tổ chức, cá nhân khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế phải được Tổng cục Thủy sản chấp thuận bằng văn bản và báo cáo Tổng cục Thủy sản về kết quả thực hiện. Tổng cục Thủy sản thu hồi văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận hoặc phương án khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của  Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận hoặc phương án khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Căn cứ quy định trên, tổ chức K bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, bị Tổng cục Thủy sản thu hồi văn bản chấp thuận khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

5. Tháng 6 vừa qua, khi đang khai thác thủy sản trên vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Sang bị cơ quan chức năng kiểm tra và lập biên bản về hành vi khai thác trái phép loài thủy sản không đảm bảo điều kiện theo quy định thuộc Nhóm II của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm với khối lượng thủy sản là 8 kg. Ông Sang đề nghị cho biết, thế nào là thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm II và hành vi này của ông bị xử lý hành chính như thế nào?

Trả lời:

Khoản 3, 4, 5 Điều 7 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản quy định loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm II khi đáp ứng các tiêu chí sau:

(1) Mang nguồn gen quý, hiếm để bảo tồn, chọn giống phục vụ nuôi trồng thủy sản hoặc chứa chất hoặc hoạt chất có tác dụng sinh học đặc hiệu được sử dụng làm nguyên liệu điều chế các sản phẩm thuốc phục vụ ngành y tế hoặc có khả năng sinh lợi cao khi được thương mại hóa hoặc giữ vai trò quyết định trong việc duy trì sự cân bằng của các loài khác trong quần xã hoặc có tính đại diện hay tính độc đáo của khu vực địa lý tự nhiên.

(2) Số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 20% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá; hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 20% trong 05 năm tiếp theo.

Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, đánh giá, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Khoản 2, khoản 5, khoản 6 Điều 8 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của  Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định:

1. Khai thác trái phép loài thủy sản không đảm bảo điều kiện theo quy định thuộc Nhóm II của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản dưới 10 kg;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 10 kg đến dưới 20 kg;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 20 kg đến dưới 50 kg;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 50 kg đến dưới 100 kg;

đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 100 kg trở lên.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng;

b) Buộc chuyển giao thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Căn cứ quy định trên, hành vi của ông Sang bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng; buộc chuyển giao thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

6. Vừa qua, chồng bà Nga khai thác thủy sản trên biển thì bị cơ quan chức năng kiểm tra và lập biên bản về hành vi khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm với khối lượng là 15 kg. Có người nói với bà Nga hành vi này có thể bị phạt đến 100 triệu đồng và không cho phép khai thác thủy sản trong 01 năm. Trước thông tin này, vợ chồng bà Nga rất lo lắng vì số kinh tế của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào việc khai thác thủy sản của chồng bà. Bà đề nghị cho biết, loài thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là gì và thông tin về xử phạt đối với chồng bà như trên có đúng không?

Trả lời:

Khoản 1, 2, 4, 5 Điều 7 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản quy định: Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai nhóm, gồm Nhóm I và Nhóm II. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm I khi đáp ứng các tiêu chí sau:

(1) Mang nguồn gen quý, hiếm để bảo tồn, chọn giống phục vụ nuôi trồng thủy sản hoặc chứa chất hoặc hoạt chất có tác dụng sinh học đặc hiệu được sử dụng làm nguyên liệu điều chế các sản phẩm thuốc phục vụ ngành y tế hoặc có khả năng sinh lợi cao khi được thương mại hóa hoặc giữ vai trò quyết định trong việc duy trì sự cân bằng của các loài khác trong quần xã hoặc có tính đại diện hay tính độc đáo của khu vực địa lý tự nhiên.

(2) Số lượng còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 05 năm tiếp theo.

Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, đánh giá, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Khoản 3, khoản 5, khoản 6 Điều 8 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của  Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định:

1. Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản dưới 10 kg;

b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 10 kg đến dưới 20 kg;

c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 20 kg đến dưới 50 kg;

d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 50 kg đến dưới 100 kg;

đ) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sản từ 100 kg trở lên.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng;

b) Buộc chuyển giao thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

 Như vậy, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được quy định cụ tại tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, đánh giá, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Đối với loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm I còn phải đáp ứng các tiêu chí như trên. Vợ chông bà Nga là ngư dân chuyên khai thác thủy sản, nên nghiên cứu cụ thể vấn đề này để tránh việc vi phạm. Đới với trường hợp chồng bà Nga đã có hành vi khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm với khối lượng là 15 kg thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, mức xử phạt là từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng; buộc thả thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng và buộc chuyển giao thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Như vậy, vợ chông bà Nga nghiên cứu quy định trên để đảm bảo thông tin chính xác, không bị kẻ xấu lợi dụng.

 7. Tổ chức HC được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sản để nghiên cứu tạo nguồn giống và sản xuất giống thủy sản. Tuy nhiên, đến thời gian quy định, tổ chức này có dấu hiệu cố tình không thả đủ số lượng cá thể loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sản xuất được vào vùng nước tự nhiên. Hành vi này của tổ chức HC bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, hằng năm, tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo giống ban đầu, sản xuất giống các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thả tối thiểu 0,1% tổng số cá thể được sản xuất vào vùng nước tự nhiên.

Khoản 4, điểm c khoản 6 Điều 8 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của  Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định:  

1. Phạt tiền 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không thả đủ số lượng cá thể loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sản xuất được vào vùng nước tự nhiên trong thời gian quy định khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sản để nghiên cứu tạo nguồn giống và sản xuất giống thủy sản.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thả bổ sung thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định.

Điều 5 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền trong hoạt động thủy sản như sau:

1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực thủy sản là 1.000.000.000 đồng.

2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 42/2019/NĐ-CP được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điều 40 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP (Vi phạm quy định về quản lý cảng cá). Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương III Nghị định số 42/2019/NĐ-CP là thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức bằng hai lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.

Căn cứ quy định trên, việc tổ chức HC không thả đủ số lượng cá thể loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sản xuất được vào vùng nước tự nhiên trong thời gian quy định khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác thủy sản nguy cấp, quý, hiếm sản để nghiên cứu tạo nguồn giống và sản xuất giống thủy sản bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; buộc thả bổ sung thủy sản nguy cấp, quý, hiếm theo quy định.

  

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày