Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.387.603
Truy cập hiện tại 14.763
GIẢI ĐÁP MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH 1
Ngày cập nhật 12/09/2020

 

GIẢI ĐÁP MỘT SỐ TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VI PHẠM

HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH 1

Hoạt động cung ứng dịch vụ gói, kiện có phải thông báo bằng văn bản với cơ quan nhà nước không? Trường hợp không thông thông báo thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

1. Chị Hoa làm việc tại doanh nghiệp K, hoạt động trong lĩnh vực bưu chính. Vừa qua, doanh nghiệp K có kế hoạch triển khai thêm dịch vụ cung ứng dịch vụ gói, kiện và phân công chị Hoa phụ trách chính. Chị Hoa đề nghị cho biết, hoạt động cung ứng dịch vụ gói, kiện có phải thông báo bằng văn bản với cơ quan nhà nước không? Trường hợp không thông thông báo thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Điều 25 Luật Bưu chính ngày 17 tháng 6 năm 2010 quy định về việc thông báo hoạt động bưu chính như sau:

1. Các hoạt động bưu chính sau đây phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính:

a) Cung ứng dịch vụ thư không có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam (kg);

b) Cung ứng dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 02 kilôgam (kg);

c) Cung ứng dịch vụ gói, kiện;

d) Làm đại lý cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài;

đ) Nhận nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính từ nước ngoài vào Việt Nam;

e) Làm đại diện cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài;

g) Làm chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

h) Làm văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài.

2. Trường hợp có thay đổi nội dung đã thông báo, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, các tổ chức quy định tại điểm g và điểm h khoản 1 nêu trên phải thông báo về việc thay đổi nội dung đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính xác nhận bằng văn bản các trường hợp thông báo quy định tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên.

4. Văn bản xác nhận thông báo hoạt động dịch vụ bưu chính được cấp lại trong trường hợp bị mất hoặc bị hư hỏng không sử dụng được.

5. Trong thời gian thực hiện thủ tục thông báo, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, các tổ chức quy định tại điểm g và điểm h khoản 1 nêu trên được tiến hành các hoạt động bưu chính theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoặc thông báo chấp thuận đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại đã được cấp tại Việt Nam.

Khoản 2, điểm a khoản 4, điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo hoạt động bưu chính tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên hoạt động bưu chính.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ bưu chính mà không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cung ứng dịch vụ bưu chính mà không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính.

Căn cứ quy định  trên, cung ứng dịch vụ gói, kiện là hoạt động phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính. Trường hợp không thông báo quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên hoạt động bưu chính thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Trường hợp hoạt động mà mà không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi trên.

Pháp luật có quy định về ngôn ngữ của hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính không? Trường hợp ngôn ngữ không đúng theo quy định thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

2.  Anh Thành là nhân viên của doanh nghiệp H, phụ trách soạn thảo, ký kết và triển khai thực hiện hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính với tổ chức P là tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, anh Thành dự định sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để soạn thảo hợp đồng. Anh Thành đề nghị cho biết, pháp luật có quy định về ngôn ngữ của hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính không? Trường hợp ngôn ngữ không đúng theo quy định thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Điều 8 và Điều 9 Luật Bưu chính ngày 17 tháng 6 năm 2010 quy định như sau:

1. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là thoả thuận giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi, theo đó doanh nghiệp chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi đến địa điểm theo yêu cầu của người gửi và người gửi phải thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính.

2. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính được giao kết bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi. Dấu ngày hoặc các thông tin xác định thời gian và địa điểm chấp nhận bưu gửi là căn cứ xác định trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.

3. Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính bằng văn bản phải có những nội dung chính sau đây:

a) Loại hình dịch vụ bưu chính;

b) Khối lượng, số lượng bưu gửi;

c) Thời gian, địa điểm và phương thức cung ứng dịch vụ bưu chính;

d) Chất lượng dịch vụ bưu chính;

đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

e) Giá cước và phương thức thanh toán;

g) Trách nhiệm và mức bồi thường tối đa khi có vi phạm hợp đồng.

4. Hợp đồng giao kết bằng văn bản phải được lập bằng tiếng Việt; nếu các bên có thỏa thuận sử dụng thêm ngôn ngữ khác thì văn bản bằng tiếng Việt và văn bản bằng ngôn ngữ khác có giá trị pháp lý như nhau.

5. Chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi có giá trị pháp lý như hợp đồng giao kết bằng văn bản giữa các bên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Thể hiện không đúng hoặc không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật đối với hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi;

- Không sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính bằng văn bản;

- Giao đại lý hoặc nhận làm đại lý dịch vụ bưu chính mà không có hợp đồng đại lý hoặc hợp đồng đại lý hết hiệu lực.

Căn cứ các quy định trên, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính bằng văn bản phải được lập bằng tiếng Việt; nếu các bên có thỏa thuận sử dụng thêm ngôn ngữ khác thì văn bản bằng tiếng Việt và văn bản bằng ngôn ngữ khác có giá trị pháp lý như nhau. Trường hợp không sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong hợp đồng thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

Pháp luật có quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, vận chuyển qua mạng bưu chính không? Trường hợp vi phạm thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

3. Chị Mai là nhân viên mới của doanh nghiệp H, hoạt động trong lĩnh vực bưu chính. Chị Mai hỏi: Pháp luật có quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, vận chuyển qua mạng bưu chính không? Trường hợp vi phạm thì bị xử phạt hành chính như thế nào?

Điều 12 Luật Bưu chính ngày 17 tháng 6 năm 2010 quy định vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính như sau:

1. Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông.

2. Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu.

3. Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu.

4. Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 9 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định xử phạt hành vi vi phạm các quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa từ Việt Nam đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu;

b) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm sử dụng hoặc cấm lưu thông theo quy định của pháp luật;

c) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

d) Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát bưu gửi chứa văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 nêu trên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy vật phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 nêu trên;

b) Buộc tái xuất vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 nêu trên.

Như vậy, pháp luật đã quy định các loại vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính. Trường hợp vi phạm thì tùy theo hành vi vi phạm, bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như trên.

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày