Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.110.379
Truy cập hiện tại 4.372
Sự cần thiết ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
Ngày cập nhật 10/09/2023

1. Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 26-NQ/TW) được ban hành nhằm quán triệt đầy đủ, sâu sắc và triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển Vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng và cả nước trong giai đoạn phát triển mới. Tạo ra bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của Vùng; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

2. Xuất phát từ đặc thù riêng có của Vùng.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) và vùng Nam Trung Bộ (gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).

Diện tích tự nhiên toàn Vùng chiếm 28,9% diện tích của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước (3.260 km); có nhiều cảng nước sâu, các đảo, cụm đảo và quần đảo quan trọng như: Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn, Cù Lao Chàm... Dân số của Vùng năm 2020 khoảng 20,343 triệu người (chiếm 20,8% dân số cả nước), với hơn 50 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong Vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, chiếm 100% trữ lượng Cromit, 60% trữ lượng thiếc, 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi xi măng của cả nước, được phân bố khá tập trung tại một số địa phương, tạo thuận lợi cho việc khai thác, chế biến. Ngoài ra, còn có titan ở Phú Bài (Thừa Thiên Huế), măng-gan, than ở Khe Bố (Nghệ An), đá quý ở Quỳ Hợp, Quế Phong (Nghệ An),...

3. Xuất phát từ thực tiễn 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX và 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2020.

* Về những kết quả đạt được:

Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2994 của Bộ Chính trị khóa IX và 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI, toàn Vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, cả về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhiều điểm nghẽn đối với phát triển đã được khơi thông; tiềm năng, lợi thế của Vùng và từng địa phương trong Vùng, nhất là về kinh tế biển, từng bước được phát huy.

Diện mạo toàn Vùng đã có nhiều thay đổi tích cực, Vùng đang dần trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005 - 2020, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004, chiếm 14,5% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt mức 56,9 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Văn hóa, xã hội có bước phát triển. Nhiều giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy. Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, được quan tâm phát triển với một số ứng dụng trong thực tế. Chất lượng khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo từng bước được nâng cao. Trình độ, chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được cải thiện. An sinh xã hội được bảo đảm, tỉ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh. Đời sống vật chất và tinh thần, thu nhập và mức sống của nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được nâng lên rõ rệt. Công tác dân tộc và tôn giáo được quan tâm, đạt kết quả quan trọng. Công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Đối với Thừa Thiên Huế, sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX và 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ -  công nghiệp - nông nghiệp. Tư duy kinh tế được đổi mới, kinh tế tăng trưởng khá cả về số lượng và chất lượng. Dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, cùng với du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh. Kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển. Tiềm năng của Vườn Quốc gia Bạch Mã bước đầu được khai thác. Thu ngân sách tăng khá; quy mô nền kinh tế được mở rộng. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện, đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển mạnh, nhất là khu vực kinh tế tư nhân; thu hút vốn cho đầu tư phát triển được đặc biệt quan tâm, nhất là nguồn vốn FDI, góp phần gia tăng xuất khẩu và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Từng bước phát huy được vị thế của trung tâm văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo lớn của cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả. Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo. Kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, kết nối Huế với các địa phương trong vùng. Nền hành chính đã có bước chuyển biến quan trọng theo hướng phục vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính. Những kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Thừa Thiên Huế, nhất là trong bối cảnh tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

* Về những khó khăn, hạn chế:

Tuy nhiên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá. Hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp chưa cao, tỉ lệ lấp đầy còn thấp. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thiếu dự án đầu tư quy mô lớn, có tính động lực. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Ngành dịch vụ phát triển chưa đa dạng, chất lượng chưa cao. Du lịch phát triển chưa bền vững, thiếu đa dạng, sức cạnh tranh quốc tế còn thấp. Cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững.

Văn hóa - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Một số chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo chưa đạt mục tiêu đặt ra. Thị trường lao động chậm phát triển, thiếu linh hoạt, tỉ lệ thiếu việc làm còn cao; chất lượng lao động và việc làm còn thấp. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ giảm nghèo chưa đạt mục tiêu đặt ra. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi còn bị động. Công tác dân tộc, tôn giáo còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đối với Thừa Thiên Huế, tỉnh phát triển vẫn dưới mức tiềm năng và chưa phát huy hết vai trò, vị thế của một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ lớn của cả nước… Quy mô của nền kinh tế còn nhỏ; thu ngân sách còn thấp và chưa bảo đảm tự cân đối ngân sách. Năng suất lao động vẫn ở mức thấp so với bình quân cả nước. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng còn khó khăn. GRDP bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Khu vực dịch vụ - du lịch chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Khu vực công nghiệp - xây dựng phát triển chưa mạnh, năng lực sản xuất mới chưa có các sản phẩm mang tính đột phá. Thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, KCN, CCN hiệu quả chưa cao. Khu vực nông nghiệp sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn khó khăn.

Hệ thống đô thị phát triển chậm. Quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Công tác huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng còn khó khăn. Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vẫn chưa phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế của tỉnh. Hạ tầng CCN, KCN, khu phi thuế quan chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Nguồn lực để phát triển các thiết chế văn hóa - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác bảo tồn, tôn tạo di tích còn chậm. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các cấp, bậc học, giữa các vùng miền và chưa xứng tầm với truyền thống của vùng đất hiếu học. Ngân sách đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ chưa nhiều. Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai; khai thác trái phép khoáng sản, đất san lấp, cát sạn trái phép vẫn còn xảy ra. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; nhiều lĩnh vực còn thiếu chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành.

Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều chỉ số PCI, PAPI, Par - Index tăng bậc, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế có mặt chưa theo kịp diễn biến của tình hình, chưa lường hết những tác động bất lợi. Sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có phạm vi liên kết còn hẹp, các lĩnh vực liên kết mang tính tự phát, thiếu bền vững. Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương chưa được quan tâm phối hợp xây dựng và quản lý, sử dụng hiệu quả.

Nghị quyết 26-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở pháp lý quan trọng mang tính định hướng cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, đặt trong mối tương quan của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Sự ra đời của Nghị quyết 26-NQ/TW có tác động tích cực đối với tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, tạo ra khí thế mới, niềm tin mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh để quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc./.

(Tuyên truyền theo Công văn số 105/HD/BTG ngày 23/8/2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày