Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.387.603
Truy cập hiện tại 3.535
Công tác phát hiện, tiếp nhận, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày cập nhật 20/07/2022

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức truyền thống (Phương thức, thủ đoạn như: các đối tượng do nợ nần, làm ăn thua lỗ, tham gia tệ nạn xã hội nên đã thuê, mượn tài sản của người khác (tiền, phương tiện ô tô, xe máy…) rồi đưa đi cầm cố; lừa đảo xin việc, lừa đảo liên quan đến đất đai hoặc lợi dụng hoạt động hụi, họ huy động vốn của nhiều người rồi chiếm đoạt…) xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong thời gian dài chịu ảnh hưởng, tác động từ đại dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm chuyên dụng để làm việc, hội họp, học tập, kinh doanh, mua sắm, giao tiếp trực tuyến của người dân phát triển mạnh mẽ; nhiều hoạt động, thông tin trao đổi, giao dịch của người dân được thực hiện qua không gian mạng. Lợi dụng tình hình trên, hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn phạm tội mới (Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế yêu cầu nộp tiền để nhận quà; Lập tài khoản mạng xã hội hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản MXH (hack) của người khác rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền; Lập website đăng tài các nội dung sai sự thật hoặc tạo tài khoản mạng xã hội giao bán các mặt hàng rồi lừa bị hại chuyển tiền để chiếm đoạt; Sử dụng tài khoản Zalo, Facebook giới thiệu là nhân viên công ty xổ số kiến thiết, cam kết mỗi ngày đều có bộ số lô đề chính xác 100% theo kết quả xổ số; Giả danh nhân viên cơ quan nhà nước, công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thoại hoặc lâp website giả mạo để khai thác thông tin cá nhân của bị hại, yêu cầu đóng tiền để nhận quà tặng, thu thập mã OTP tài khoản ngân hàng của bị hại rồi rút tiền chiếm đoạt…) , hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và gây thiệt hại lớn hàng tỷ đồng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

 

Kết quả năm thứ 2 thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong công tác phát hiện, tiếp nhận, xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể như sau:

Trong năm qua, trước những diễn biến phức tạp của các loại tội phạm hình sự, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo Công an tỉnh làm tốt công tác tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các vụ án, vụ việc xảy ra đều được các lực lượng chức năng tiến hành điều tra, xác minh nhanh chóng, kịp thời xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nên tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian từ ngày 25/5/2021 đến 24/5/2022, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra 39 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản (trong đó có 09 vụ, đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo), so với cùng kỳ năm trước giảm 18 vụ; đã tiến hành điều tra, kết luận 35 vụ (đạt 89,74%), đang tiếp tục giải quyết 04 vụ (đạt 10,26%), bắt giữ 39 đối tượng (trong đó, kết luận 06 vụ/07 đối tượng sử dụng công nghệ cao gây án). Điển hình:

(1) Từ tháng 4 - 9/2021, do thiếu tiền tiêu xài, đối tượng Nguyễn Văn Dũng (sinh 1976, ở tại số 21 Trần Huy Liệu, TP Huế) đã đưa ra thông tin gian dối sẽ bán lô đất D19 diện tích 60m2 do nhà nước cấp cho vợ chồng Dũng tại phường Hương Sơ, thành phố Huế để nhiều người tại địa bàn thành phố Huế, thị xã Hương Thủy tin tưởng giao dịch mua và giao tiền đặt cọc cho Dũng. Qua đó, Dũng đã lừa đảo, tổng cộng số tiền chiếm đoạt là 570 triệu đồng. Ngày 05/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Dũng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự.

(2) Phá Chuyên án 122L, bắt 02 đối tượng tạm trú tại TP Hồ Chí Minh (Lâm Ngọc Yến (sinh 1988, thường trú tại TP Cà Mau) và Lê Cao Quân (sinh 1988, thường trú tại tỉnh Bến Tre); cả hai tạm trú tại Bình Hưng Hòa A, Bình Tân, TP HCM)  lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Qua đấu tranh làm rõ, 02 đối tượng tạo tài khoản Viber giả danh con gái của chị Mai Thị Lành (sinh 1970, ở tại số 122 Phạm Văn Đồng, phường Phú Thượng, thành phố Huế) và đại lý bán vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 235 triệu đồng của chị Lành.

(3) Phá chuyên án 422L, bắt đối tượng Trần Văn Quý (sinh năm 1999, trú tại TDP 5, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan công an, đối tượng Quý khai nhận: trong khoảng thời gian từ tháng 01/2022 đến thời điểm bị bắt, Quý đã sử dụng tài khoản Zalo, Facebook cá nhân tự giới thiệu mình là nhân viên công ty xổ số kiến thiết, cam kết mỗi ngày đều có bộ số lô đề chính xác 100% theo kết quả xổ số. Với thủ đoạn trên, Quý cùng với đối tượng Trần Viết Lợi (sinh năm 1998, trú tại thôn Thượng An 1, xã Phong An, huyện Phong Điền) giúp sức cho Quý rút tiền, đã lừa đảo, thu lợi bất chính của chị Nguyễn Thị Hải Yến (sinh năm 1982, trú tại xã Liên Bảo, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) với số tiền 2,424 tỷ đồng.

Tuy công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đạt được nhiều kết quả, đã đấu tranh, triệt phá và bắt giữ được nhiều đối tượng, song còn gặp rất nhiều khó khăn; số tin báo liên quan đến lĩnh vực này có xu hướng gia tăng và khó xác minh, xử lý. Nguyên nhân là do các đối tượng hoạt động trên không gian mạng, sử dụng các phương thức thủ đoạn tinh vi, hoạt động theo nhóm có sự phân công vai trò của từng đối tượng một cách cụ thể, chuyên nghiệp nên người bị hại rất khó phát hiện được là hoạt động của tội phạm. Các đối tượng luôn sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng (tài khoản của người khác) để nhận tiền của bị hại chuyển vào và ngay lập tức chúng chuyển chuyển đến nhiều tài khoản khác, thậm chí có tài khoản của đối tượng ở nước ngoài. Đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo cư trú ở một địa phương nhưng có thể hoạt động gây án và chiếm đoạt tài sản của người bị hại ở mọi địa bàn; có nhiều nhóm đối tượng có sự câu kết với đối tượng người nước ngoài nên công tác phát hiện, đấu tranh, bắt giữ gặp nhiều khó khăn./.

 

Ngọc Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày