Tìm kiếm tin tức

 

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thống kê lượt truy cập
Tổng truy cập 3.387.603
Truy cập hiện tại 6.445
CHUYÊN ĐỀ PHÁP LUẬT VỀ MA TÚY
Ngày cập nhật 11/09/2020

CHUYÊN ĐỀ

PHÁP LUẬT VỀ MA TÚY

 

1. Khái niệm về ma túy

Theo quy định Luật phòng, chống ma túy nước ta thì "Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành" (Khoản 1 Điều 2).

2. Các tội phạm về ma túy

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự (Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015).

Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017 (gọi chung là Bộ Luật Hình sự năm 2015) gồm 3 phần, 26 chương với 426 Điều, trong đó có 13 Điều (từ Điều 247 đến Điều 259) quy định về các tội phạm liên quan đến ma túy, so với Bộ luật Hình sự năm 1999 tăng 03 điều (được tách ra từ Điều 194 và Điều 200 của Bộ luật Hình sự năm 1999).

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) đã có những quy định bổ sung, cập nhật các chất ma túy mới; bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội về ma túy. Đây là những sửa đổi, bổ sung rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trong tình hình mới.  

- Đưa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy ra khỏi Bộ luật Hình sự

- Bộ Luật Hình sự 2015 đã tách Điều 194 Bộ Luật Hình sự 1999 quy định về Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành 4 tội riêng biệt đó là tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 249; tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 250; tội “Mua bán trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 251; và tội “Chiếm đoạt chất ma túy” được quy định tại Điều 252.

- Bộ Luật Hình sự 2015 có sự thay đổi về đơn vị tính, các vụ án ma túy từ trước đến nay khi thu giữ được vật chứng đều được xác định bằng gam, kilogam,… đây chính là đơn vị tính khối lượng chứ không phải trọng lượng. Vì vậy Luật đã thay đổi đơn vị tính từ “trọng lượng” thành “khối lượng” trong các điều luật để đảm bảo tính chính xác của đơn vị tính.

- Bổ sung quy định xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển các chất ma túy mới: Liên quan đến tội về ma túy, một trong những điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) là đã quy định cụ thể, rõ ràng mức tối thiểu đến mức tối đa định lượng các chất ma túy để truy cứu trách nhiệm hình sự trong từng điều luật và từng khoản của điều luật. Đồng thời, bổ sung quy định xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển các chất ma túy mới như chất XLR-11 (được tẩm ướp trong cỏ Mỹ) vào cấu thành các tội: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) và lá cây khat (có chứa chất ma túy cathinone) vào các điều khoản tương ứng của Tội tàng trữ trái phép chất ma túy... Đây là các chất có mức độ nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, tuy vậy, các loại cây này lại chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999 cũng như Bộ luật Hình sự 2015, do đó chưa có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với người thực hiện.

- Bỏ hình phạt tử hình đối với hai tội: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy và Tội chiếm đoạt chất ma túy. Xác định tội phạm về ma túy gây hậu quả rất lớn cho xã hội, nên Bộ luật lần này vẫn duy trì hình phạt tử hình trong một số tội như Tội sản xuất trái phép chất ma túy, Tội vận chuyển trái phép chất ma túy và Tội mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về giảm hình phạt tử hình được thể hiện trong Nghị Quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị Quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ quyền con người nói chung và quyền sống nói riêng của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự hiện hành đã bỏ hình phạt tử hình đối với hai tội: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy và Tội chiếm đoạt chất ma túy, chỉ áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với hai tội này là chung thân.

3. Trách nhiệm trong công tác phòng, chống ma túy.

Khoản 7 Điều 2 Luật phòng, chống ma tuý quy định phòng, chống ma tuý là phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma tuý và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý. Cụ thể:

+ Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm (Điều 6, Điều 7, Điều 8 Luật phòng, chống ma tuý):

- Giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý.

- Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh.

- Đấu tranh với các hành vi trái phép về ma tuý của thân nhân và của người khác.

- Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.

- Phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

- Phát hiện, báo cáo kịp thời cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma túy; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.

- Tại các vùng phải xoá bỏ cây có chứa chất ma tuý, các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp để thay thế việc trồng cây có chứa chất ma tuý; quy hoạch cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thị trường phù hợp để nhân dân chuyển hướng sản xuất có hiệu quả.

+ Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm (Điều 9 Luật phòng, chống ma tuý):

- Tổ chức và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma tuý; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh.

- Phòng ngừa, ngăn chặn người của tổ chức mình và mọi công dân tham gia tệ nạn ma tuý.

- Giám sát hoạt động phòng, chống ma tuý ở cơ quan, nhà trường, các cơ sở giáo dục khác và địa bàn dân cư.

- Phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền để vận động cai nghiện ma tuý; tham gia giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.

+ Nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm (Điều 10 Luật phòng, chống ma tuý):

- Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý.

- Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma tuý.

- Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma tuý.

+ Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân có trách nhiệm (Điều 11 Luật phòng, chống ma tuý):

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức phòng, chống ma tuý ở cơ quan, đơn vị mình; phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia tệ nạn ma tuý; tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ nạn ma tuý.

+ Các cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm (Điều 12 Luật phòng, chống ma tuý):

Phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức rõ về tác hại của ma tuý; chủ trương, chính sách, pháp luật, biện pháp của Nhà nước về phòng, chống ma tuý.

4. Quyền lợi của cá nhân, tổ chức, gia đình khi tham gia các hoạt động phòng, chống ma tuý (Điều 14, Điều 52 Luật phòng, chống ma tuý)

- Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia các hoạt động phòng, chống ma tuý được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật.

- Trường hợp cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức do tham gia phòng, chống ma tuý mà bị thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước đền bù; trường hợp cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khoẻ hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

- Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích trong đấu tranh phòng, chống ma tuý thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

5. Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma tuý (Điều 36 Luật phòng, chống ma tuý)

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch về phòng, chống ma tuý.

- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý.

- Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về phòng, chống ma tuý.

- Ban hành, sửa đổi, bổ sung, công bố danh mục chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

- Cấp, thu hồi giấy phép hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý.

- Quyết định thành lập, giải thể cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở khác về cai nghiện ma tuý; tổ chức và quản lý việc cai nghiện ma tuý và hoà nhập cộng đồng cho người đã cai nghiện ma tuý.

- Tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý.

- Thực hiện thống kê nhà nước về phòng, chống ma tuý.

- Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về phòng, chống ma tuý.

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma tuý.

- Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý.

- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý.

6. Trách nhiệm của người nghiện, gia đình và Uỷ ban nhân dân cấp xã trong cai nghiện ma tuý (Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý)

+        Người nghiện ma túy có trách nhiệm:

-         Tự khai báo về tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện ma túy;

-         Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện ma túy.

+        Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm:

-         Khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã về người nghiện ma tuý trong gia đình mình và đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó;

-         Động viên, giúp đỡ và quản lý người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và ủy ban nhân dân cấp xã;

-         Theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội;

-         Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.

+        Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức cho người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy khai báo về tình trạng nghiện ma tuý và đăng ký hình thức cai nghiện."

7. Biện pháp, hình thức cai nghiện ma túy (Khoản 4, Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma tuý)

-         Biện pháp cai nghiện ma túy: Có 02 biện pháp gồm cai nghiện ma túy tự nguyện và Cai nghiện ma túy bắt buộc.

-         Hình thức cai nghiện ma túy: Có 03 hình thức gồm cai nghiện ma túy tại gia đình; Cai nghiện ma túy tại cộng đồng; Cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.

Hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng được áp dụng đối với người tự nguyện cai nghiện, trừ trường hợp người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại cơ sở cai nghiện. Trường hợp người nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện thì áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng từ sáu tháng đến mười hai tháng.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, hướng dẫn, hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình.

Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng và trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng.

8. Điều kiện cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 28 và Điều 29, Luật phòng, chống ma tuý)

+        Đối với người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên 25

-         Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

-         Việc đưa người cai nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thời hạn cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 01 năm đến 02 năm.

-         Người nghiện ma tuý tự nguyện làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.

-         Tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, chế độ cai nghiện bắt buộc, thủ tục đưa người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

+        Đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi

-         Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện dành riêng cho họ.

-         Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tự nguyện hoặc gia đình làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện dành riêng cho họ.

-         Việc cai nghiện ma tuý đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.

-         Tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc, thẩm quyền, thời hạn, chế độ cai nghiện, thủ tục đưa người cai nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Chính phủ quy định.

9. Trách nhiệm UBND các cấp trong tổ chức cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma tuý (Điều 34 Luật phòng, chống ma tuý)

Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có người nghiện ma tuý có trách nhiệm lập kế hoạch, tổ chức cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma tuý tại địa phương; chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với cơ quan Công an, Y tế, Giáo dục và đào tạo cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức cai nghiện ma tuý, quản lý, giáo dục người nghiện ma tuý và người đã cai nghiện ma tuý; hỗ trợ tạo điều kiện cho người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng.

10. Quy định về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng.

Việc tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy là cần thiết nhằm giúp họ từ bỏ sự phụ thuộc vào chất gây nghiện, đồng thời trang bị, phục hồi cho họ các kỹ năng sống và kỹ năng lao động để đảm bảo thực hiện đầy đủ các vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Vì vậy, ngày 09/9/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình, cai nghiện ma tuý tại cộng đồng (gọi tắt là Nghị định số 94/2010/NĐ-CP). Theo đó, Nghị định số 94/2010/NĐ-CP gồm 5 chương với 39 điều.

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày