Tìm kiếm tin tức

 

MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
Ngày cập nhật 11/09/2020

MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

I. Quy định chung

1. Luật An toàn thực phẩm

Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 17 tháng 6 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011.

Luật An toàn thực phẩm quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm;

Quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm;

Quy định về kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm;

Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, một số văn bản hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm liên quan đến cơ sở kinh doanh thực phẩm.

2. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, trừ các trường hợp sau theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Trong đó, nhóm cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không cần Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm vẫn có thể hoạt động được bao gồm:

- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ

- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định

- Sơ chế nhỏ lẻ

- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ

- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn.

- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

- Nhà hàng trong khách sạn.

- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm.

- Kinh doanh thức ăn đường phố.

3. Tiêu chí kiểm tra an toàn thực phẩm

Mặc dù được miễn giảm Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng các trường hợp trên vẫn thường xuyên bị kiểm tra, cho nên đối với các đơn vị này cần tuân thủ các tiêu chí kiểm tra của cơ quan chức năng, nhằm tuân thủ pháp luật và cũng là cách bảo vệ sức khỏe dành cho khách hàng của mình:

Các tiêu chí kiểm tra bao gồm:

(1) Nơi kinh doanh phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm.

(2) Bày bán/chế biến thức ăn trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất 60 cm

(3) Thức ăn được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi bẩn, mưa nắng và các loài côn trùng, động vật khác

(4) Không để lẫn giữa những thực phẩm sống và thực phẩm chín

(5) Có dụng cụ xúc, gắp thức ăn sạch sẽ

(6) Bảo đảm có đủ nước và nước đá sạch phù hợp với quy định

(7) Người sản xuất kinh doanh nhóm ngành nghề này phải có sức khỏe tốt và có kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.

(8) Có sổ sách ghi chép nguồn thực phẩm

(9) Có đủ dụng cụ, túi đựng chất thải, rác thải kín và hợp vệ sinh.

II. CÁC BIỆN PHÁP PHÁP LÝ ĐẢM BẢO THỰC HIỆN VỆ SINH ATTP

Trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay có nhiều văn bản pháp luật có nội dung quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực ATVSTP, như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Bộ luật Hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012... và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật trên.

1. Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm

a1) Quyền của người tiêu dùng thực phẩm

Theo Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng có tám quyền sau đây:

(i)      Quyền được an toàn;

(ii)     Quyền được thông tin;

(iii)    Quyền được lựa chọn;

(iv)    Quyền được lắng nghe;

(v)     Quyền được tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

(vi)    Quyền được yêu cầu bồi thường;

(vii)   Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện;

(viii) Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng.

a2) Nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm

Không chỉ quy định về quyền và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, một trong những điểm nổi bật mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đưa ra là quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng. Quy định cụ thể về nghĩa vụ của người tiêu dùng được ghi nhận tại Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.  

Luật An toàn thực phẩm năm 2010 cũng có quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm tại Khoản 2 Điều 9.  

2. Nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm

a) Trách nhiệm chung của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với người tiêu dùng thực phẩm

Điều 12 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng”. Trong đó, quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 liên quan đến trách nhiệm của thương nhân trong lĩnh vực ATVSTP, đó là trách nhiệm “Ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật” và “Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa”. Việc ghi nhãn mác hàng hoá là một hình thức đảm bảo cho thông tin về thực phẩm được cung cấp đầy đủ, tạo điều kiện cho người tiêu dùng dựa vào đó để lựa chọn thực phẩm phù hợp với nhu cầu của mình. Thực hiện cảnh báo về nguy cơ gây nguy hiểm của thực phẩm là trách nhiệm mà chỉ có nhà sản xuất hoặc kinh doanh thực phẩm có thể thực hiện vì họ là chủ thể hiểu rõ nhất về thực phẩm mà mình đang sản xuất và kinh doanh.

b) Quy định trách nhiệm thu hồi hàng hoá có khuyết tật và bồi thường thiệt hại do hàng hoá có khuyết tật gây ra

Một trong những quy định mang tính đột phá nhất của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là quy định tại Điều 23 về “Bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra” hay trách nhiệm sản phẩm. Cùng với đó là quy định về trách nhiệm thu hồi hàng hoá có khuyết tật tại Điều 22. Các quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm và đảm bảo ATVSTP ngay từ khâu sản xuất.. Đây chính là rào cản pháp lý hữu hiệu để các nhà sản xuất, kinh doanh nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng thực phẩm trong quá trình sản xuất, bảo quản nếu không muốn bị truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm mình sản xuất ra gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.                                      

Thực phẩm có khuyết tật ngay từ giai đoạn sản xuất nếu đuợc đưa vào lưu thông thì hậu quả tất yếu sẽ thiệt hại cho người tiêu dùng về tính mạng, sức khỏe, tài sản.  

3. Giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tại Điều 30. Theo đó, có bốn phương thức giải quyết tranh chấp đó là thương lượng, hoà giải, trọng tài và toà án. Luật còn quy định không được thương lượng, hoà giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng và lợi ích công cộng. Trong số bốn phương thức trên, hầu hết các quốc gia ghi nhận việc sử dụng ba phương thức giải quyết tranh chấp là thương lượng, hòa giải và tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân trong lĩnh vực ATVSTP.

4. Tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại Điều 27, 28, 29 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Các hoạt động của tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam bao gồm hướng dẫn, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng; tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, kế hoạch và biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng.

Quyền khởi kiện tập thể thông qua tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có nhiều điều kiện cũng như cơ hội để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Lợi ích của việc khởi kiện tập thể là tăng cường sức mạnh cho tập thể những người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi, tạo sức ép lớn lên thương nhân vi phạm và tiết kiệm chi phí cho Nhà nước.

5. Chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm

Các nguyên tắc chung về xử lý hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm được nêu tại Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Điều 6 Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Theo đó, tổ chức, cá nhân, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ATVSTP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với cá nhân), nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có ba loại chế tài có thể bị áp dụng đối với hành vi của tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

a) Chế tài dân sự

Theo quy định tại khoản 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm.

Người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Đồng thời, theo quy định bồi thường thiệt hại tại khoản 1, Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".

Cá nhân, tổ chức có thể khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Khi khởi kiện đương sự phải nộp kèm chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 585 và 590 Bộ Luật Dân sự 2015, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu (mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở). Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.

b) Chế tài hành chính

Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 có mức xử phạt mạnh hơn với nhiều vi phạm. Trong đó, nhiều nội dung liên quan đến việc kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể, các chủ cửa hàng sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Đối với quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh;

b) Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến;

c) Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

d) Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn;

c) Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm;

d) Cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng; không được che kín;

đ) Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay;

e) Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm vệ sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống;

b) Chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

c) Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật;

d) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, các điểm a, b và c khoản 4, khoản 5 Điều này.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này.

c) Chế tài hình sự

Liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, được quy định tại Ðiều 317 Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;

b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;

c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;

d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

III. GIẢI PHÁP LIÊN QUAN ĐẾN MỘT SỐ THÓI QUEN SINH HOẠT, SẢN SUẤT

1. Đối với người sản xuất.

* Sản xuất lúa gạo:

+ Không nên lạm dụng phân bón, thuốc BVTV, nhất là tình trạng sâu bệnh cuối vụ phải xử lý bằng thuốc BVTV;

+ Khi sử dụng thuốc BVTV phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

* Sản xuất rau, củ, quả:

+ Không nên trồng trên đất bị ô nhiễm;

+ Không dùng phân tươi, nước bẩn tưới cho rau;

+ Không dùng thuốc BVTV ngoài danh mục hướng dẫn sử dụng cho sản xuất rau của ngành nông nghiệp, khi không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

+ Không dùng quá nhiều phân đạm; không dùng phân đạm trước 10-15 ngày trước khi thu hoạch;

+ Dùng thuốc BVTV phải đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc, đúng cách và đúng thời gian cách ly (thời gian cách lý ghi rõ trên bao bì sản phẩm).

2. Chăn nuôi gia súc, gia cầm:

+ Không được sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tuyệt đối không được sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

+ Không bán động vật nuôi bị chết, đang bị bệnh cho người thu gom để giết mổ bán cho người tiêu dùng.

- Đối với việc chế biến, kinh doanh thực phẩm.

+ Phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục hành chính khi chế biến, kinh doanh thực phẩm: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP (do UBND huyện cấp)…

+ Không được sử dụng nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc trong danh mục cấm. Không bảo quản lúa gạo bằng cách phun tẩm hóa chất diệt mọt và nấm mốc; ướp hương liệu hóa chất để tăng mùi thơm cho gạo, đây là nguy cơ gây mất ATTP.

+ Không nên rửa rau, củ, quả bằng nước bẩn trước khi mang đi tiêu thụ.

+ Không được giết mổ gia súc, gia cầm khi đang bị bệnh; các lò giết mổ phải thực hiện các quy định về điều kiện vệ sinh ATTP.

+ Chấp hành thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm của các cơ quan nhà nước. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về ATTP mặt hàng mình chế biến, kinh doanh.

3. Đối với các bếp ăn tập thể.

+ Nêu cao ý thức trách nhiệm của người chế biến thực phẩm.

+ Trong chế biến, không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín; thức ăn phải đậy kỹ tránh ruồi, côn trùng xâm phạm.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn tập thể.

+ Thực hiện ký cam kết về VSATTP giữa các nhà trường, hộ kinh doanh, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể với cơ quan chức năng.

4. Đối với mỗi cá nhân, gia đình.

- Giữ gìn vệ sinh ăn uống, tạo thói quen ăn uống lành mạnh, có chọn lọc.    - Trang bị những kiến thức và kỹ năng chọn các loại thực phẩm sạch: có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, tin cậy; lựa chọn thực phẩm tươi mới, không bị ẩm mốc, quá hạn; nếu là thực phẩm khô phải còn nguyên nhãn mác, bao bì.

- Thức ăn phải được đậy kỹ, bảo quản trong nhiệt độ thích hợp.

- Nguồn nước uống và chế biến thức ăn phải sạch sẽ.

- Rửa sạch tay và các dụng cụ làm bếp khi chế biến thức ăn. Người đang bị bệnh truyền nhiễm, tiêu chảy, đau bụng, sốt, ho, nhiễm trùng da thì không nên chế biến thực phẩm, nhất là cho bữa ăn đông người.

Mỗi người đều phải là người tiêu dùng thông thái, có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình. Bữa ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn, mọi người trong gia đình chú ý thực hiện các điều đơn giản về vệ sinh an toàn thực phẩm để bữa ăn không là nguồn gây bệnh mà sẽ là nguồn sức khoẻ, nguồn vui và hạnh phúc hàng ngày ở các gia đình.

- Trong chế biến an toàn thực phẩm

Cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng trong chế biến an toàn thực phẩm:

 Nguyên tắc 1: Chọn thực phẩm an toàn

Chọn thực phẩm tươi. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá rồi làm đông đá lại là kém an toàn.

Nguyên tắc 2: Nấu chín kỹ thức ăn

Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn sẽ tiêu diệt hết mầm bệnh.

Nguyên tắc 3: Ăn ngay sau khi nấu

Hãy ăn các thực phẩm ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.

Nguyên tắc 4: Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín

Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60oC hoặc lạnh dưới 10oC. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

Nguyên tắc 5: Nấu lại thức ăn thật kỹ

Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng nhất thiết phải được đun kỹ lại

Nguyên tắc 6: Tránh tiếp xúc giữa thức ăn sống và chín

Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thực ăn sống hoặc gián tiếp như dùng chung dao thớt chế biến thực phẩm sống và chín.

Nguyên tắc 7: Rửa tay sạch

Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.

Nguyên tắc 8: Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn

Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được thay và luộc nước sôi thường xuyên trước khi sử dụng lại. Thức ăn sau khi nấu chín phải được đặt trên mặt bàn, trên giá, không để trực tiếp xuống nền, sàn.

Nguyên tắc 9: Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác

Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... để tránh bị nhiễm bẩn từ môi trường do bụi, đất, hoá chất, ruồi, dán, chuột, đặc biệt do các vật nuôi trong nhà như mèo, chó cảnh đụng chạm vào, đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn để dùng che đậy thức ăn chín nên được giặt sạch thường xuyên.

Nguyên tắc 10:  Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn.

Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa các tác nhân gây ô nhiễm. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày