Tìm kiếm tin tức

 

Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai Luật Bảo vệ môi trường, Luật Cư trú, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Ngày cập nhật 26/04/2021

Ngày 23 tháng 4 năm 2021, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Bảo vệ môi trường, Luật Cư trú, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tham dự Hội nghị có 120 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế cùng các phòng, ban chức năng liên quan. Hội nghị do đồng chí Phan Văn Quả – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì.

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phan Văn Quả – Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh nhấn mạnh tinh thần của các Luật mới, cụ thể: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, có những điểm mới mang tính đột phá, thể hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác. Luật thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, bảo đảm ngày càng tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Luật nhằm đáp ứng, giải quyết những vấn đề mới phát sinh về lao động, nhất là từ các vướng mắc, bất cập qua thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Do các luật mới được ban hành, Chính phủ và các Bộ đang trong quá trình xây dựng Nghị định, Thông tư để triển khai thực hiện. Vì vậy, đồng chí yêu cầu các Báo cáo viên báo cáo trọng tâm, giới thiệu những điểm mới, nội dung mang tính đột phá, định hướng chỉ đạo trong các Luật mới, qua đó, giúp đại biểu nắm rõ tinh thần, quan điểm chỉ đạo và nội dung cơ bản trong các Luật. Sau khi Nghị định, Thông tư được ban hành đầy đủ thì các cơ quan chuyên trách tiếp tục có các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đội ngũ cán bộ phụ trách chuyên ngành.

Trên tinh thần đó, các báo cáo viên là những người công tác chuyên sâu trong các lĩnh vực pháp luật của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai những nội dung trọng tâm của các Luật, đặc biệt chú trọng điểm mới. Luật Bảo vệ môi trường lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước,... Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có phạm vi điều chỉnh bao quát và phản ánh cơ bản nội dung lớn của Luật, bổ sung quy định về việc bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng,... Đối với Luật Cư trú, không còn quy định điều kiện riêng khi nhập khẩu về Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người, đồng thời người này còn phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ; bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú; thay thế phương thức quản lý cư trú,...

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày