Tìm kiếm tin tức

 

Một số kết quả cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020
Ngày cập nhật 24/03/2021

Ngày 18 tháng 3 năm 2021, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

 

Trong giai đoạn 2011-2020, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thường xuyên, liên tục, tạo sức lan tỏa, có tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến nhận thức và hành động của các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.

Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả tích cực; việc tổ chức triển khai theo dõi, đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính, công bố kết quả chỉ số cải cách hành chính; khảo sát, đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước… là những nét nổi bật trong chỉ đạo, điều hành.

Thể chế của nền hành chính, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân được hoàn thiện, củng cố và được triển khai có hiệu quả trên thực tế. Thông qua đó, nền hành chính đã có chuyển biến tích cực theo hướng nền hành chính dân chủ, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, trách nhiệm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước. Công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đặc biệt là những luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 được quan tâm chỉ đạo sát sao. Đề cao các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân tại các đạo luật trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ đã ban hành từ năm 2012 đến nay là hơn 8.600 văn bản. Ở địa phương, từ năm 2011 đến tháng 5.2020 đã ban hành khoảng 385.826 văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử đã đạt được kết quả quan trọng. Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11 năm 2020, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Bước đầu đạt được một số kết quả trong thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Triển khai hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch tại các địa phương và thực hiện cấp số định danh cá nhân cho hơn 1.391.018 trường hợp đăng ký khai sinh năm 2019 tại 680 phòng tư pháp cấp huyện và 10.696 Ủy ban nhân dân cấp xã tại 60 tỉnh, thành phố. Bộ Công an tiếp tục cấp thẻ Căn cước công dân từ đủ 14 tuổi trở lên tại 16 tỉnh, thành phố, từ năm 2012 đến nay đã cấp được 15 triệu trường hợp. Về kết quả thu thập dữ liệu, Bộ Công an đã tiến hành thu thập và scan, đến ngày 30/9/2020, Bộ Công an thu thập 83.387.773/87.306.594 (đạt 95,51%) phiếu thu thập thông tin dân cư DC01 và cập nhật được 7.436.291 phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư DC02.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được triển khai thực hiện với nhiều nhiệm vụ quan trọng, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tại các bộ, cơ quan ngang bộ (không tính Bộ Quốc phòng và Bộ Công an): giảm 12 vụ và tương đương. Tại các tỉnh, thành phố: giảm 05 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục. Ở cấp huyện: giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. So sánh thời điểm 29/02/2020 với năm 2017 và năm 2015 cho thấy: số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, ngành là 1.045 đơn vị, giảm 44 đơn vị so với năm 2017 và giảm 53 đơn vị so với năm 2015. Trong khi đó, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các địa phương là 49.445 đơn vị, giảm 4.670 đơn vị so với năm 2017 và giảm 6.189 đơn vị so với năm 2015. Trong số đơn vị sự nghiệp công lập của cả nước, có 12.267 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 2.494 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và 253 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Như vậy, tính đến 29/02/2020 kết quả sắp xếp tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã giảm 11% so với năm 2015, đạt được mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2021 tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, mới chỉ có các địa phương đạt mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW (giảm được 11,12% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015), còn các bộ, ngành mới giảm 5,19% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Việc sắp xếp đơn vị  hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH cơ bản đã hoàn thành: ở cấp huyện, đã tiến hành sắp xếp đối với 21 đơn vị hành chính, giảm 08 đơn vị. Đối với cấp xã, đã sắp xếp đối với 1.047 đơn vị, giảm 557 đơn vị. Về biên chế công chức (tính đến 31/3/2020): các bộ ngành Trung ương giảm 10.284 người so với số giao năm 2015; các địa phương giảm 13.612 người so với số giao năm 2015.

Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới; đã từng bước đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, bố trí công chức đảm bảo theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức tương ứng với bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí. Về công chức cấp xã: năm 2015 tổng số cán bộ, công chức cấp xã có 234.061 người, bình quân 21 người/xã (trong đó: cán bộ cấp xã cso 116.043 người, công chức cấp xã có 118.018 người). Đến tháng 4/2020, tổng số cán bộ, công chức cấp xã có 234.617 người, bình quân 21 người/xã (trong đó: cán bộ cấp xã cso 113.672 người, công chức cấp xã có 120.945 người).

Cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập được đổi mới, giúp cho các cơ quan, đơn vị chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, sử dụng ngân sách và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động./.

 

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày