Tìm kiếm tin tức

 

Hội thảo Giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 21/07/2020

Ngày 17 tháng 7 năm 2020, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo Giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội thảo đón tiếp đồng chí Đỗ Thanh Bình – Phó Cục trưởng C08, Bộ Công an, đồng chí Lê Quốc Dân – Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, các đồng chí là đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh; các phòng, ban thuộc Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố Huế. Hội thảo do đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn – Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì và đã vinh dự đón tiếp đồng chí Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tham dự, phát biểu chỉ đạo.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2.677 tuyến giao thông đường bộ với tổng chiều dài 4.139,283 km. Mạng lưới giao thông ngày càng được mở rộng, kết nối giữa các địa bàn thuộc tỉnh, tạo thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và đi lại, vận chuyển của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; nhưng cũng là thách thức cho lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là công tác tuần tra, kiểm soát, khép kính tuyến, địa bàn, trong khi ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao.

Hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng với nhiều dự án giao thông lớn (Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, đưa 2 hầm đường bộ Phước Tượng,Phú Gia vào hoạt động; tuyến đường La Sơn – Túy Loan chuẩn bị đưa vào khai thác; khởi công Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn; xây mới các cầu Dã Viên, Ba Bến, Bao Vinh và Xước Dũ; mở rộng cửa ngõ phía Bắc thành phố Huế, mở rộng một số đường trục chính của thành phố Huế). Mặc dù vậy, hạ tầng giao thông còn tồn tại một số hạn chế, là nguyên nhân làm mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị (nhiều tuyến chưa có vạch kẻ đường hoặc bị mờ, hư hỏng, các điểm giao thông tĩnh còn thiếu, giao thông công cộng chưa thu hút người dân), tồn tại 54 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Năng lực vận tải được nâng cao, toàn tỉnh có 580 tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải với 6.434 xe; 3 đơn vị đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng với 76 xe; từ 01/01/2020, tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng đi vào hoạt động với 74 xe khai thác trên cả hai chiều. Mặc dù hoạt động giao thông vận tải được cải thiện nhưng vận tải hành khách bằng phương tiện xe buýt chưa được chú trọng, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, phương tiện khai thác có “tuổi đời” cao…

Từ năm 2017 đến 2019, số phương tiện trên địa bàn tỉnh gia tăng nhanh chóng. Trong 3 năm, đã đăng ký mới 150.217 phương tiện (8.087 ô tô, 142.443 mô tô, xe máy, xe đạp điện các loại). So với 3 năm trước, đăng ký nhiều hơn 32.464 phương tiện. Bình quân hàng năm, đăng ký mới hơn 10.821 phương tiện. Tổng số phương tiện quản lý 59.795, so với năm 2018 tăng 2.313 phương tiện (tăng 780 ô tô, 1.533 mô tô, xe máy). Việc gia tăng nhanh số lượng phương tiện tạo áp lực lớn về giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là thành phố Huế và các khu vực đô thị.

Về tình hình tai nạn giao thông đường bộ, từ năm 2017 đến năm 2019, đã xảy ra 2.272 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 485 người chết, 2.141 người bị thương, thiệt hại tài sản gần 7,7 tỷ đồng; so với 3 năm trước, tăng 375 vụ, tăng 40 người bị chết, tăng 270 người bị thương. Tai nạn giao thông ở mức cao, bình quân hàng năm xảy ra hơn 750 vụ, làm 160 người chết, 710 bị thương do tại nạn giao thông. Đáng chú ý, hàng năm đều xảy ra tai nạn rất nghiêm trọng (trong 3 năm xảy ra 28 vụ, làm 55 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại tài sản 159,5 triệu đồng). Số vụ tai nạn xảy ra nhiều ở tuyến nội thị, chiếm 47,27% (1.074 vụ); Quốc lộ 1 chiếm 33,58% (763 vụ); tỉnh lộ chiếm 7,65% (174 vụ), nổi lên là là việc gia tăng số vụ, số người chết, số người bị thương trên tuyến Quốc lộ 49B (70 vụ, tăng 22 vụ, chiếm 45,8%). Địa bàn xảy ra tai nạn giao thông tập trung ở thành phố Huế (1.265 vụ, chiếm 55,68%), Hương Thủy (249 vụ, chiếm 10,96%), Phú Lộc (247 vụ, chiếm 10,87%). Phương tiện gây tai nạn là mô tô chiếm tỷ lệ cao (1.610 vụ, chiếm 70,86%); thời gian xảy ra tai nạn từ 12h00 đến 24h000 trong ngày chiếm tỷ lệ 70% (1.591 vụ). Nổi lên là việc gia tăng số vụ, số người chết, số người bị thương đối với phương tiện gây tai nạn là ô tô, xảy ra 526 vụ (tăng 266 vụ, tỷ lệ 102,3%), làm chết 120 người (tăng 27 người, tỷ lệ 29%), bị thương 363 người (tăng 134 người, tỷ lệ 58,5%). Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm quy  tắc giao thông đường bộ, như: Đi không đúng phần đường, chiếm 22,3% (507 vụ); không giữ khoảng cách an toàn, chiếm 16,1% (365 vụ); chuyển hướng không đảm bảo an toàn, chiếm 12,9% (292 vụ); thiếu chú ý quan sát, chiếm 11,3% (256 vụ).

Về tình hình trật tự công cộng, trật tự đô thị, vấn òn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, họp chợ, để phương tiện, vật liệu; người tham gia giao thông vi phạm còn khá phổ biến.

Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định do khách quan và chủ quan. Một số quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa chặt chẽ, chưa phù hợp; hạ tầng, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập; một số cấp ủy, chính quyền chưa coi trọng công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn thấp; công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa đáp ứng yêu cầu; công tác tuần tra, kiểm soát chưa sát với đặc điểm, tình hình giao thông trên tuyến, địa bàn; một số cán bộ cảnh sát có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; lực lượng cảnh sát giao thông – trật tự còn thiếu,…

Từ thực tiễn trên, Hội thảo đã tập trung thảo luận, tìm các giải pháp để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh trên các mặt: Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này; nâng cao kỹ năng xử lý tình huống nghiệp vụ trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân; công tác phối hợp giữa các lực lượng trong Công an và giữa các cấp, các ngành; ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ đô thị thông minh trong nâng cao việc chấp hành pháp luật về giao thông; về mô hình phối hợp nhiều lực lượng của Công an thành phố Đà Năng; phát huy vai trò của của các cơ quan, của người có uy tín trong cộng đồng dân cư vào công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ,…

Qua Hội thảo, đã có nhiều giải pháp trên các lĩnh vực được đề ra, là cơ sở để các cơ quan chức năng của Thừa Thiên Huế nghiên cứu, triển khai áp dụng theo chức năng, nhiệm vụ, từ đó tăng cường trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày