Trao đổi về việc thành viên Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 26/04/2024

Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, công vụ, các Đoàn kiểm tra, Đoàn Kiểm tra liên ngành được thành lập để thực hiện việc kiểm tra các lĩnh vực quản lý nhà nước. Khi thực hiện nhiệm vụ theo Đoàn kiểm tra, việc phát hiện hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính phát sinh một số vấn đề cần trao đổi.

 

1. Ghi tên Cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hay Đoàn kiểm tra

Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo chức danh. Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định: Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản. Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Rà soát một số Nghị định xử phạt vi phạm hành chính phổ biến, các chức danh có thẩm quyền lập biên bản thường là người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra.

Từ các căn cứ trên, một số Đoàn kiểm tra khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền lập biên bản đã kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính và tên cơ quan của người lập là Đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, tại mẫu biên bản vi phạm hành chính BB01 được ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP giải thích mục ghi tên cơ quan là “Ghi tên cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản theo hướng dẫn và thể thức của Chính phủ”. Điều này cho thấy biên bản vi phạm hành chính phải thể hiện cơ quan của người lập biên bản vi phạm hành chính.

2. Công chức tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với lĩnh vực không thuộc nhiệm vụ được phân công quản lý nhà nước không?

Trong các Đoàn kiểm tra liên ngành, thành phần Đoàn kiểm tra là cán bộ, công chức nhiều cơ quan khác nhau, phụ trách nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Vậy khi có hành vi phạm hành  chính thì có phải bất kỳ thành viên nào của Đoàn kiểm tra đều có thể được lập biên bản vi phạm hành chính? Lập luận này xuất phát từ cách hiểu đối với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP: “Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính”. Các chức danh có thẩm quyền xử phạt mặc dù không thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành mình nhưng được đã được giao nhiệm vụ  tham gia vào Đoàn Kiểm tra liên ngành về lĩnh vực cụ thể nào đó thì tất nhiên là đã được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực đang thực hiện kiểm tra.

Rà soát, xem xét quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của công chức, viên chức được quy định tại một số Nghị định chuyên ngành như sau:

- Điểm b khoản 2 Điều 40 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định: “Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động dịch vụ về đất đai.

Công chức kiểm lâm được giao nghiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng rừng được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm, sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất vào mục đích khác. Công chức, viên chức Cảng vụ hàng không được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra việc sử dụng đất cảng hàng không, sân bay dân dụng”.

- Khoản 2, 3, 4 Điều 72 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng quy định:

2. Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định này.

3. Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.

4. Công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về: hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, quản lý, phát triển nhà”.

- Khoản 3 Điều 43 và khoản 2 Điều 49 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ) quy định:

+ Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng: “Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính trong những lĩnh vực quy định tại Nghị định này”.

+ Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực cơ yếu: Người làm công tác cơ yếu đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực cơ yếu”.

- Điểm b khoản 1 Điều 28 Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ngày 09/6/2023 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về Trồng trọt gồm: “Công chức, viên chức trong các cơ quan quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 32 và Điều 33 của Nghị định này được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm hành chính về Trồng trọt”.

Các quy định trên không nêu rõ công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra có đang thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đang thực hiện thanh tra, kiểm tra không. Tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP có quy định: “Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc... lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền”. Như vậy, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ (đang tham gia Đoàn kiểm tra, thanh tra) và phải thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày