NGHIÊN CỨU, TRAO ĐỔI MỘT SỐ NỘI DUNG TẠI DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Ngày cập nhật 09/07/2021

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH VĂN BẢN

Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14) (sau đây gọi là “Luật Sở hữu trí tuệ”) là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.

Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, thực thi pháp luật trong nước và hội nhập quốc tế; cho các tổ chức, cá nhân xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ còn là nền tảng đưa hệ thống bảo hộ SHTT của Việt Nam đạt chuẩn mực theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như đáp ứng các nghĩa vụ theo cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gần đây.

Tuy nhiên, thực tiễn hơn 15 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định. Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ; đảm bảo phù hợp với các văn bản trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Dân sự, pháp luật chuyên ngành; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của công cuộc cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết, phê chuẩn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế SHTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 15 năm thi hành; thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế; từ đó hoàn thiện thể chế về SHTT theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về SHTT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN NGHIÊN CỨU, TRAO ĐỔI TẠI DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

1. Điểm b khoản 2 Điều 1: Dự thảo đưa ra định nghĩa về sao chép “là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”. Việc sử dụng cụm từ “bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử” là thừa vì hình thức này đã nằm trong nội dung “bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” rồi. Do đó, kiến nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “bao gồm cả việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử”.

2. Quyền tài sản (khoản 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 20)

Khoản 3 Điều 20 (sửa đổi) quy định “tổ chức, cá nhân khi khai thác sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.

Theo giải trình tại Tờ trình thì Dự thảo đã sử dụng từ ngữ “tiền bản quyền” thay cho ba từ ngữ “nhuận bút”, “thù lao”, “quyền lợi vật chất” để “phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế”. Như vậy, “tiền bản quyền” đã bao gồm “các quyền lợi vật chất khác”, do đó quy định trên là thừa cụm từ “các quyền lợi vật chất khác”, kiến nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ này.

3. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (khoản 18 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 52)

Dự thảo quy định “trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ”. Nội dung này không quy định việc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cơ quan nhà nước có phải nêu lý do từ chối hay không? Điều này có thể tạo ra sự thiếu minh bạch trong thủ tục, vì vậy kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định theo hướng văn bản từ chối này phải nêu rõ lý do từ chối.

4. Nghĩa vụ báo cáo của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (khoản 20 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 56)

Dự thảo quy định tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải “báo cáo theo định kỳ và đột xuất về hoạt động đại diện tập thể cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Theo quy định tổ chức này được thành lập dựa trên cơ sở thỏa thuận của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, để bảo vệ quyền lợi của những đối tượng này. Với tính chất này, Dự thảo yêu cầu tổ chức phải thực hiện các nghĩa vụ báo cáo định kỳ, đột xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho tổ chức này và cũng không rõ mục tiêu quản lý (việc tổ chức này có làm đúng chức năng nhiệm vụ hay không, bảo vệ được quyền lợi của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thì cơ chế của pháp luật tư sẽ giải quyết). Vì vậy, để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiến nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này, tức là bỏ điểm e khoản 3 Điều 56 (được sửa đổi).

5. Điều kiện chung của nhãn hiệu được bảo hộ (khoản 23 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 72)

Dự thảo bổ sung điều kiện để nhãn hiệu được bảo hộ theo đó “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”. Theo lý giải tại Tờ trình, việc bổ sung dấu hiệu này để phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định CTPPP.

Tuy nhiên, quy định bổ sung này cần được xem xét dưới góc độ sau:

Chỉ giới hạn bảo hộ dấu hiệu âm thanh thể hiện dưới dạng đồ họa là phạm vi khá hẹp và chưa thực sự phù hợp với cam kết tại Hiệp định CTPPP, cụ thể: Điều 18.18 Hiệp định CTPPP quy định “Không Bên nào được yêu cầu, như một điều kiện để được đăng ký, là dấu hiệu phải nhìn thấy được, cũng như không Bên nào được từ chối đăng ký một nhãn hiệu chỉ với lý do rằng dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu đó là âm thanh … Một Bên có thể yêu cầu phải có bản mô tả ngắn gọn và chính xác, hoặc bản thể hiện dưới dạng đồ họa, hoặc cả hai nếu phù hợp, của nhãn hiệu”. Như vậy, hình thức của dấu hiệu âm thanh được bảo hộ có thể là “bản mô tả hoặc bản thể hiện dưới dạng đồ họa, hoặc cả hai nếu phù hợp”. Do đó, để phù hợp với cam kết, kiến nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa hoặc bản mô tả hoặc cả hai”.

6. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu (khoản 25 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điểm e khoản 2 Điều 74)

Dự thảo quy định “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” là một trong các dấu hiệu khiến nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt.

Việc sử dụng cụm từ “trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” là không cần thiết bởi vì:

Quy định này nhằm mục tiêu ngăn cản việc cấp bảo hộ cho nhãn hiệu xin đăng ký bị xem là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác đã đăng ký. Về mặt logic, nhãn hiệu xin đăng ký A2 bao giờ cũng nộp đơn sau nhãn hiệu A1 (với điều kiện hàng hóa, dịch vụ mang A1 và A2 trùng hoặc tương tự với nhau và A2 đủ khả năng nhầm lẫn với A1). Do vậy, không cần phải có quy định trên. Do vậy, kiến nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ trên trong quy định tại điểm e khoản 2 Điều 74 (sửa đổi).

7. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực (khoản 35 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1a Điều 96)

Dự thảo quy định “người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu” là một trong các trường hợp văn bản bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực. Khái niệm “dụng ý xấu” là chưa rõ, điều này có thể khiến cho cơ quan nhàn ước, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ gặp khó khăn khi chứng minh căn cứ cho yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. Để tạo thuận lợi trong thực tế áp dụng, kiến nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng rõ hơn khái niệm này.

8. Về hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (khoản 35 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1, bổ sung khoản 1a Điều 96)

Dự thảo sửa đổi khoản 1, bổ sung khoản 1a theo hướng bổ sung một số trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực với 2 phương án thể hiện dưới dạng liệt kê (phương án 2) hoặc dẫn chiếu đối với một số trường hợp cụ thể (phương án 1).

Kiến nghị Ban soạn thảo quy định theo phương án 2 vì tạo thuận lợi cho đối tượng áp dụng, không phải tìm kiếm quy định dẫn chiếu mà có thể hiểu ngay tại quy định.

9. Về nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm (khoản 51 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 128)

Liên quan đến các biện pháp liên quan tới nông hóa phẩm, pháp luật Việt Nam đã quy định bảo hộ dữ liệu nhưng chỉ trong trường hợp sử dụng vì mục đích thương mại không lành mạnh, và việc bảo hộ chỉ trong thời hạn 05 năm. Điều này là chưa tương thích với Hiệp định CTPPP. Dự thảo đưa ra 02 phương án về nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu thử nghiệm trong đó có đã nâng về thời hạn bảo hộ đối với nông hóa phẩm để tương thích với Hiệp định CTPPP, tuy nhiên quy định tại Phương án 1 tương thích hơn là Phương án 2 về cách thức bảo hộ dữ liệu đối với nông hóa phẩm theo hướng CTPPP yêu cầu. Do đó, kiến nghị Ban soạn thảo lựa chọn Phương án 1.

10. Đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm (khoản 53 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 131a)

Đây là quy định mới so với Luật hiện hành, theo đó chủ văn bằng độc quyền sáng chế không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian mà thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu của dược phẩm được sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế tại Việt Nam bị chậm. Để không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ trong trường hợp này thì trong vòng 12 tháng kể từ ngày dược phẩm được cấp phép lưu hành, chủ bằng độc quyền sáng chế phải nộp cho cơ quan xác lập quyền sở hữu công nghiệp văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm xác nhận về việc thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm đó bị chậm.

Trong quy định của pháp luật về dược không tìm thấy quy định cấp văn bản xác nhận về việc thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm bị chậm, chỉ có các quy định liên quan đến cấp mới, sửa đổi, gia hạn số đăng ký lưu hành dược phẩm. Vì vậy, kiến nghị Ban soạn thảo xem xét đến tính khả thi, thống nhất của quy định này.

11. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (khoản 78 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 213)

Dự thảo đưa ra hai phương án định nghĩa về hàng hóa giả mạo, theo đó:

Phương án 1: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Phương án 2: hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc không thể phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Quan niệm cá nhân cho rằng không nên thu hẹp phạm vi đối tượng bị coi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu như Phương án 2, vì việc hàng hóa được gắn nhãn hiệu tương tự, khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng người tiêu dùng nhầm lẫn giữa các loại hàng hóa. Do đó, không cần đạt đến mức độ “không thể phân biệt” mà hàng hóa có nhãn hiệu, dấu hiệu “khó phân biệt” đã có thể gây tác động tiêu cực đến doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Vì vậy, kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc lựa chọn Phương án 1.

12. Dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp (khoản 76 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 201)

Dự thảo đã có một số điều chỉnh về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giám định về sở hữu trí tuệ theo đó:

- Bỏ điều kiện “có nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật”. Việc bỏ điều kiện này là hợp lý vì đây là điều kiện chung chung và không cần thiết;

- Sửa đổi “có chức năng thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động” thành “Có đăng ký ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ”. Mục tiêu của sửa đổi này nhằm thống nhất với Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thống nhất hoàn toàn với Luật Doanh nghiệp, kiến nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng: được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

- Điều kiện để được cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ. Dự thảo đưa ra 02 phương án khác nhau ở điều kiện “chỉ cần trải qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ giám định” hoặc “đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định”. Cả hai phương án đều giữ nguyên điều kiện về kinh nghiệm thực tế 05 năm. Yêu cầu về trình độ chuyên môn của giám định viên là hợp lý, tuy nhiên yêu cầu số năm kinh nghiệm tới 05 năm hơi quá cao. Để tạo điều kiện hợp lý cho các doanh nghiệp dân doanh tham gia vào thị trường này, kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc hạ mức yêu cầu số năm kinh nghiệm của người được cấp thẻ giám định viên và quy định theo phương án chỉ cần trải qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ giám định là có thể được cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.

Trên đây là một số ý kiến nghiên cứu, trao đổi của cá nhân đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét thêm.

----------------------------

Nguyễn Thị Thủy Phương

 

 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày