Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 01/07/2022

Ngày 16 tháng 6 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 6169/UBND-CN về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Theo đó, nhằm thực hiện các nội dung trong Chỉ thị đảm bảo hoàn thành đúng thời gian quy định, tại Công văn đã yêu cầu các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

- Tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các phòng ban, đơn vị, địa phương  trực thuộc, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin, an ninh mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số quốc gia.

- Bám sát công tác triển khai của các Bộ, ban, ngành Trung ương, UBND tỉnh nhằm áp dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền và theo kế hoạch hàng năm.

- Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả, thông suốt giữa các cơ quan nhà nước bảo đảm tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủ đúng quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ. Công khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu lên Cổng dữ liệu mở của tỉnh; hạn chế cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Không thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu khi thực hiện thủ tục hành chính nếu thông tin, dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ, trừ trường hợp thông tin, dữ liệu không bảo đảm yêu cầu về chất lượng, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hoặc pháp luật có quy định khác.

- Các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông chuẩn bị hạ tầng, các điều kiện đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng để kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước hết là các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, thuế, hải quan, ngân hàng, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, giáo dục và an sinh xã hội theo tiến độ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04 tháng 04 năm 2022;

- Thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trong đó chú trọng việc rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thời gian, phí, lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tổ chức kết nối, tích hợp để cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đến từng Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế. Thời hạn hoàn thành: trong tháng 7 năm 2022.

- Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01 tháng 6 năm 2022, cấp huyện từ ngày 01 tháng 12 năm 2022, cấp xã từ ngày 01 tháng 6 năm 2023. Riêng 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022 thực hiện số hóa từ ngày 01 tháng 7 năm 2022. Tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020.

- Các sở, ngành, đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thực hiện thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành và xử lý công việc trên môi trường mạng. Tăng cường sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong việc ký số, xác thực dữ liệu số hóa; xác thực đăng nhập trong các hệ thống thông tin của các cơ quan bộ, ngành, địa phương.

- Các sở, ngành, đơn vị, địa phương có kết nối mạng diện rộng của tỉnh thực hiện việc chuyển đổi IPv6; trong đó, ưu tiên tập trung chuyển đổi IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp truy cập, sử dụng dịch vụ của cơ quan nhà nước qua IPv6. Thời hạn hoàn thành: tháng 12 năm 2022.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế hoàn thành việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ triển khai Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số từ cấp huyện đến cấp cơ sở với sự tham gia của Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Phụ nữ và đại diện các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại mỗi địa phương; tham gia vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng. Thời hạn hoàn thành: trong tháng 6 năm 2022.

- Định kỳ hằng năm báo cáo tình hình sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cho Chính quyền điện tử, Chính quyền số, công nghệ thông tin, chuyển đổi số gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời hạn hoàn thành: tháng 12 hàng năm.

- Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Quyết định số 56/QĐ-BCĐ ngày 28 tháng 4 năm 2022 của Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế về phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2022...

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.236.135
Lượt truy cập hiện tại 7.265