Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày cập nhật 25/11/2021

Ngày 12 tháng 11 năm 2021, tại Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với một số nội dung, như sau:

 

Mục tiêu của Nghị quyết là: Đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xây dựng xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; kết nối, cung cấp dịch vụ, giải quyết mối quan hệ và thay đổi phương thức sống, làm việc của người dân; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Là công cụ đột phá để các ngành, các lĩnh vực phát triển nhanh và bền vững, tiến nhanh đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Để định hướng hoàn thành mục tiêu đề ra, Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như sau:

1. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số

Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành xã hội, thực thi công vụ theo hướng khuyến khích, sẵn sàng ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới trong quá trình chuyển đổi số.

Rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp trong tiến trình chuyển đổi số, thực hiện tốt việc bảo vệ sở hữu trí tuệ... để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, đồng thời thu hút các chuyên gia công nghệ thông tin, nhà khoa học.

Có chính sách ưu đãi về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính…, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có đủ năng lực tham gia phát triển hạ tầng số, các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số và tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

2. Chuyển đổi số để thúc đẩy hoàn thành các nội dung Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị

Ưu tiên chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh; đặc biệt, tập trung các nội dung xây dựng 4 trung tâm đã được Tỉnh ủy thông qua tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 và 4, khóa XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Đẩy mạnh chuyển đổi số đối với các lĩnh vực văn hóa như: hệ thống bảo tồn di tích Cố đô Huế, bảo tàng, thư viện... Phát huy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, hướng đến phát triển hạ tầng du lịch thông minh.

Ngành khoa học - công nghệ tích cực thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh về khoa học - công nghệ.

Quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý...

Xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh, hình thành nền tảng số; hướng đến xây dựng nền giáo dục thông minh, nền giáo dục số, hiện đại, phục vụ mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, quản trị thông minh để nâng cao chất lượng y tế, nghiên cứu khoa học và đào tạo; làm nền tảng phát triển ngành y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

3. Phát triển nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin

Hoàn thiện phát triển hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông trên địa bàn tỉnh, được phủ đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để phục vụ tốt cho việc chuyển đổi số.

Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh để phục vụ chính quyền điện tử trên hạ tầng nền tảng điện toán đám mây; thực hiện quy chế chia sẻ thông tin qua hệ thống mạng giữa các cơ quan. Hình thành Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng và hoàn thiện hệ thống báo cáo số từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý, điều hành công việc, các ứng dụng nghiệp vụ quản lý, các ứng dụng chuyên ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở. Thực hiện đồng bộ việc luân chuyển các văn bản trên môi trường mạng thông qua hệ thống các trang/cổng thông tin điện tử; ứng dụng chứng thực số, chữ ký số để thực hiện các giao dịch (ngoại trừ các văn bản mật theo quy định); đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big data) đủ đáp ứng công tác đồng bộ số hóa dữ liệu trong các hoạt động của cơ quan Đảng và Nhà nước, đầy đủ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tập trung hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động cung cấp dịch vụ cho người dân. Lấy người dân làm trung tâm xây dựng xã hội số.

Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số để tăng năng suất lao động, phát triển thương mại điện tử trên địa bàn. Chú trọng các doanh nghiệp thuộc ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát triển các doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp sản phẩm công nghệ số, doanh nghiệp triển khai giải pháp số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi số. Xây dựng và vận hành có hiệu quả Trung tâm điều hành An ninh mạng (SOC).

Tập trung nguồn lực cho các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số.

4. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số

Đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng phục vụ vận hành các hoạt động chuyển đổi số cho cán bộ, công chức. Hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân; đưa nội dung đào tạo về kiến thức, kỹ năng số vào chương trình các cấp học bậc trung học và cao đẳng, đại học của tất cả các ngành, nghề để  đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Đẩy mạnh hợp tác giữa Đại học Huế và doanh nghiệp để chủ động trong công tác đào tạo, sử dụng lực lượng sinh viên sau khi ra trường. Xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bảo đảm nguồn nhân lực trong quá trình chuyển đổi số. Phấn đấu đạt 10.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Xây dựng chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan Đảng và Nhà nước.

5. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số

Tăng cường tổ chức các hội thảo, hội nghị về chuyển đổi số nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; đồng thời, hợp tác với các tổ chức nghiên cứu trong nước, nước ngoài để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số.

Xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư và nhà sản xuất trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Tranh thủ nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình, dự án về công nghệ thông tin…, đặc biệt là các nhà đầu tư tiềm năng để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào Khu công viên phần mềm, Khu công nghệ thông tin tập trung.

6. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong chuyển đổi số

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong chuyển đổi số. Triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy về chuyển đổi số.

Phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành, quản lý;  mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị. Đưa kết quả triển khai chuyển đổi số thành chỉ tiêu đánh giá của các ngành, các cấp và cán bộ, công chức.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác chuyển đổi số; đồng thời, nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin cho người dân khi tham gia chuyển đổi số.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính./.

 

Hồng Ngự
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.257.207
Lượt truy cập hiện tại 15.482