Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Nhiệm vụ tống đạt của Thừa Phát lại
Ngày cập nhật 06/09/2024

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, quy định tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu là một trong những công việc Thừa phát lại được thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những trường hợp chưa nhận thức đầy đủ về nội dung này, dẫn đến khó khăn cho hoạt động của Thừa phát lại khi thực hiện tống đạt. Bài viết giới thiệu, phân tích các quy định pháp luật về hoạt động tống đạt của Thừa phát lại.

 

1. Tống đạt và thực hiện tống đạt

Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

Người thực hiện tống đạt là Thừa phát lại hoặc thư ký nghiệp vụ (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do Thừa phát lại thực hiện).

Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức yêu cầu về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, không đúng thời hạn của mình; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu sau đây: Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự; Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

a) Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự

- Thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự trong vụ án hình sự và khiếu nại, tố cáo; tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở theo hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp tống đạt ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự bằng hợp đồng riêng cho từng việc cụ thể.

Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu thỏa thuận tống đạt bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, thông báo, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định, quyết định kháng nghị của Tòa án; thông báo, quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập, thông báo của cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có thể tống đạt các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu khác theo đề nghị của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự. Số lượng và từng loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cụ thể giao Thừa phát lại tống đạt được thực hiện thông qua biên bản có xác nhận của 02 bên theo ngày.

- Thủ tục tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng; thủ tục tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

- Mỗi Tòa án, mỗi Viện kiểm sát nhân dân, mỗi cơ quan thi hành án dân sự có thể ký hợp đồng dịch vụ tống đạt với một hoặc nhiều Văn phòng Thừa phát lại.

Hợp đồng dịch vụ tống đạt được thực hiện theo phương thức Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có nhu cầu chuyển giao các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu đã thỏa thuận tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại để thực hiện tống đạt.

Nội dung chủ yếu của hợp đồng dịch vụ tống đạt bao gồm: Loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cần tống đạt; thời gian thực hiện hợp đồng; thủ tục tống đạt; quyền, nghĩa vụ của các bên; chi phí tống đạt.

Sau khi ký kết, hợp đồng dịch vụ tống đạt được gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự mở tài khoản để kiểm soát việc thanh toán chi phí tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại.

b) Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài

Bộ Tư pháp lựa chọn một hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại để thực hiện việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trên phạm vi toàn quốc.

c) Thông báo kết quả tống đạt

Việc tống đạt được coi là hoàn thành khi Thừa phát lại đã thực hiện xong các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Thừa phát lại phải thông báo kết quả tống đạt hoặc các tài liệu chứng minh việc tống đạt hoàn thành cho Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức khác đã yêu cầu trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Kết quả tống đạt phải được ghi vào sổ tống đạt (lập theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư số 05/2020/TT-BTP ngày 28/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại).

2. Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại

Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu.

a) Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự

Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự do Tòa án, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại trong hợp đồng trên cơ sở khung mức chi phí. Khung mức chi phí tống đạt như sau:

Tối thiểu là 65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc, trừ trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về chi phí tống đạt, bao gồm: Chi phí phát sinh thực tế nhưng không vượt quá chế độ công tác phí theo quy định của pháp luật áp dụng đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; tiền công theo ngày làm việc của người thực hiện việc tống đạt nhưng không vượt quá mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Chi phí tống đạt nêu trên bao gồm cả việc thực hiện niêm yết công khai trong trường hợp không thể tống đạt trực tiếp mà theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật thi hành án dân sự phải niêm yết công khai.

b) Thanh toán chi phí tống đạt  

- Việc thanh toán chi phí tống đạt được thực hiện hàng tháng. Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm lập và giao hóa đơn dịch vụ cho Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hóa đơn, chứng từ hợp lệ, các cơ quan trên có trách nhiệm hoàn tất thủ tục, hồ sơ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản gửi Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản để kiểm soát thanh toán chi phí tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại.

- Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật đương sự phải chịu chi phí thì Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thu và chuyển số tiền đó cho Văn phòng Thừa phát lại. Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước chịu thi Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự chuyển cho Văn phòng Thừa phát lại;

- Trong trường hợp chưa thu được tiền của đương sự tại thời điểm thanh toán theo quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan thi hành án dân sự tạm ứng trước kinh phí để thanh toán cho Văn phòng Thừa phát lại từ nguồn dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm đôn đốc thu hồi khoản tiền tống đạt mà đương sự phải nộp để hoàn trả cho ngân sách nhà nước;

- Trong trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự, nếu vụ việc được ủy thác thì cơ quan thi hành án dân sự đã chuyển giao giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho Thừa phát lại tống đạt phải thanh toán chi phí tống đạt đã thực hiện. Trường hợp đương sự phải chịu chi phí tống đạt nhưng chưa thu được thì cơ quan thi hành án dân sự ủy thác phải có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác thu hồi chi phí tống đạt của đương sự;

- Kho bạc Nhà nước kiểm soát thanh toán chi phí tống đạt theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm, căn cứ vào khối lượng công việc của năm trước, mức chi phí quy định tại Điều này và công việc dự kiến thực hiện cho năm kế hoạch, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự lập dự toán kinh phí tống đạt để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan mình gửi cơ quan cấp trên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó tách riêng làm 02 phần: Kinh phí tống đạt trong trường hợp ngân sách nhà nước chi trả; kinh phí tạm ứng trong trường hợp đương sự phải chi trả.

c) Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài

Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

3. Kiểm sát hoạt động tống đạt của Thừa phát lại

Hoạt động tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự của Thừa phát lại chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, pháp luật tố tụng, pháp luật thi hành án dân sự, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

4. Phối hợp của cá nhân, cơ quan, tổ chức với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cá nhân, cơ quan, tổ chức phối hợp với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện các công việc của Thừa phát lại theo quy định; không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của Thừa phát lại, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

- Mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật đối với hoạt động của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại hoặc tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của Thừa phát lại đều bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

- Người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại hoặc cản trở Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 21.584.080
Lượt truy cập hiện tại 3.129