Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Luật Công chứng và vấn đề liên quan đến người khuyết tật
Ngày cập nhật 19/09/2022

Khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật năm 2010 quy định “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật người khuyết tật năm 2010 quy định các dạng tật bao gồm: Khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác.

Trong phạm vi bài viết, chỉ đề cập đến những người khuyết tật nhưng vẫn có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự, bảo đảm các điều kiện của chủ thể tham gia giao dịch dân sự.

Luật Công chứng năm 2014 có quy định phòng ngừa đối với những trường hợp người khuyết tật với quy định tại Điều 47, cụ thể: Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Người làm chứng phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng. Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.

Tuy nhiên, thực tiễn có những vướng mắc như sau:

1. Trường hợp không nhìn được và không nghe được

Đối với trường hợp không nhìn được và không nghe được thì mặc dù có người làm chứng nhưng vẫn không bảo đảm được quyền của người yêu cầu công chứng là biết và hiểu nội dung hợp đồng, giao dịch, hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch theo quy định, cụ thể:

Một trong những nghĩa vụ của công chứng viên là phải giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng (điểm d khoản 2 Luật Công chứng năm 2013).

Về thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch cũng yêu cầu công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, giao dịch; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch (khoản 4 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 ). Ngoài ra, đối với trường hợp công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn thì người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng (khoản 7 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 ). Đối với hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng thì người yêu cầu công chứng tự đọc dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe (khoản 3 Điều 41 Luật Công chứng năm 2014 ).  

Với các quy định trên, với người khuyết tật bị mù và điếc thì không thể nào tự đọc dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc không thể nào nghe công chứng viên đọc dự thảo hợp đồng, giao dịch, không thể nghe, hiểu công chứng viên giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch.

2.  Trường hợp bị khuyết tật mất cả hai bàn tay

Điều 48 Luật Công chứng năm 2014 quy định về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng. Theo đó, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên. Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng.

Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.

Việc điểm chỉ cũng có thể thực hiện đồng thời với việc ký trong các trường hợp sau đây: công chứng di chúc; theo đề nghị của người yêu cầu công chứng; công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.

 Như vậy, mặc dù Luật Công chứng đã có quy định phòng ngừa đối với trường hợp người khuyết tật không ký được thì có thể điểm chỉ nhưng “bỏ mất” trường hợp bị mất cả hai tay thì không thể nào để lại dấu vết nào thể hiện ý chí người tham gia giao dịch trên hợp đồng, văn bản giao dịch.

3. Kiến nghị một số giải pháp

- Đối với trường hợp bị mất cả hai bàn tay, có thể xem xét việc sử dụng các dấu hiệu đặc biệt khác của cơ thể tương tự như dấu vân tay để thể hiện ý chí của người tham gia giao dịch, hoặc áp dụng kỹ thuật cho phép sử dụng giọng nói.

- Đối với trường hợp không nhìn được và không nghe được, nếu biết chữ nổi braille thì cho phép phiên dịch sang chữ nổi braille để chủ thể có thể hiểu được nội dung./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.381.878
Lượt truy cập hiện tại 34.116