Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thực hiện phân chia di sản thừa kế
Ngày cập nhật 04/08/2022

Sau thời điểm mở thừa kế (thời điểm người có tài sản chết hoặc trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết), những người thừa kế có quyền phân chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trên cơ sở thỏa thuận phân chia di sản thừa kế sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục liên quan nhằm xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp người dân chỉ xuất trình bản di chúc hoặc viện dẫn các quy định liên quan đến thời hiệu thừa kế để yêu cầu cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến di sản thừa kế là quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, cần có văn bản gì để chia di sản thừa kế. Bài viết giới thiệu các nội dung cơ bản của việc phân chia di sản thừa kế để làm rõ vấn đề trên.

 

I. Chia di sản thừa kế

1. Thông báo về việc mở thừa kế hoặc công bố di chúc

Sau khi người chết để lại di sản, để tiến hành việc chia di sản thừa kế, những người thừa kế phải thực hiện thông báo về việc mở thừa kế hoặc công bố di chúc (nếu có di chúc).

a) Công bố di chúc (Điều 647 Bộ luật Dân sự năm 2015):

- Người công bố: Trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên là người công bố di chúc. Trường hợp người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc; nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc thì những người thừa kế còn lại thỏa thuận cử người công bố di chúc.

- Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc. Người nhận được bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc.

- Trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có công chứng hoặc chứng thực.

- Giải thích nội dung di chúc (Điều 648 Bộ luật Dân sự năm 2015): Trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì những người thừa kế theo di chúc phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.

b) Thông báo về việc mở thừa kế

Theo Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể hiểu, trường hợp người chết không để lại di chúc, nghĩa là không thực hiện thủ tục công bố di chúc thì thực hiện thông báo về việc mở thừa kế. Pháp luật không quy định cụ thể về thủ tục thông báo về việc mở thừa kế.

2. Thực hiện phân chia di sản

- Theo quy định tại Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2015 về họp mặt những người thừa kế thì sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây: (1) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc; (2) cách thức phân chia di sản. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Như vậy, để tiến hành việc phân chia di sản thừa kế, việc đầu tiên là phải lập văn bản thỏa thuận của những người thừa kế, trong đó có nội dung cách thức phân chia di sản.

- Trường hợp có di chúc (tất nhiên di chúc phải bảo đảm các điều kiện của di chúc hợp pháp theo Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015) thì việc phân chia di sản theo di chúc (được quy định tại Điều 659 Bộ luật Dân sự năm 2015). Theo đó, việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.

- Trường hợp không phân chia theo di chúc thì phân chia di sản theo pháp luật (được quy định tại Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015), cụ thể: Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

- Ngoài ra, việc phân chia di sản phải lưu ý đến trường hợp hạn chế phân chia di sản (Điều 661 Bộ luật Dân sự năm 2015) và phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế (Điều 662 Bộ luật Dân sự năm 2015).

3. Văn bản phân chia di sản

a) Hình thức văn bản thỏa thuận của những người thừa kế

Theo quy định tại Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2015, mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản. Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định văn bản này phải công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, tại điểm c khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất, quy định: “3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau: c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Như vậy, đối với văn bản thỏa thuận của những người thừa kế mà di sản là quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.

Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì có 02 loại văn bản: Văn bản thỏa thuận phân chia di sản và văn bản khai nhận di sản.

b) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản và văn bản khai nhận di sản (Điều 57, 58 Luật Công chứng năm 2014)

- Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản: Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.

Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

 Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

 Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

- Công chứng văn bản khai nhận di sản: Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện như công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

- Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản (Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng): Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.

Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.

Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.

Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.

 Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.

c) Thủ tục chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản và văn bản khai nhận di sản

- Thẩm quyền (Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP): Phòng Tư pháp cấp huyện Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản.

Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản: động sản; quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.

- Thủ tục chứng thực: Thực hiện theo quy định chung về chứng thực hợp đồng, giao dịch được quy định tại Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP:

+  Người yêu cầu chứng thực nộp 01 (một) bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây: a) Dự thảo hợp đồng, giao dịch; b) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực; c) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó; trừ trường hợp người lập di chúc đang bị cái chết đe dọa đến tính mạng.

Bản sao giấy tờ quy định tại Điểm b và Điểm c nêu trên được xuất trình kèm bản chính để đối chiếu.

+ Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực, nếu hồ sơ đầy đủ, tại thời điểm chứng thực các bên tham gia hợp đồng, giao dịch tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực.

+ Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực thì có thể ký trước vào hợp đồng; người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực, nếu nghi ngờ chữ ký trong hợp đồng khác với chữ ký mẫu thì yêu cầu người đó ký trước mặt.

Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch.

+ Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng tương ứng với từng loại hợp đồng, giao dịch theo mẫu quy định; ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực. Đối với hợp đồng, giao dịch có từ 02 (hai) trang trở lên, thì từng trang phải được đánh số thứ tự, có chữ ký của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và lời chứng được ghi tại trang cuối của hợp đồng, giao dịch. Trường hợp hợp đồng, giao dịch có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.

+ Trường hợp phải phiên dịch thì người phiên dịch có trách nhiệm dịch đầy đủ, chính xác nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung lời chứng cho người yêu cầu chứng thực và ký vào từng trang hợp đồng với tư cách là người phiên dịch.

4. Vấn đề trao đổi liên quan đến thừa kế theo di chúc

- Có quan điểm cho rằng, trong trường hợp thừa kế theo di chúc thì ý chí của người để lại di sản đã được thể hiện và phải được tôn trọng. Do đó, khi đã có di chúc thì không cần thiết phải lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

- Quan điểm khác cho rằng, cần phải lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản để phòng ngừa trường hợp bỏ sót những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015).

- Về chủ thể có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản:

Khoản 1 Điều 57 Luật Công chứng năm 2014 quy định: “Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản”.

+ Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong trường hợp thừa kế theo di chúc thì người có quyền yêu cầu công chứng là “những người thừa kế theo di chúc mà trong trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người”. Như vậy có nghĩa rằng: chỉ những người được chỉ định trong di chúc mới có quyền yêu cầu công chứng và chỉ phải yêu cầu công chứng nếu di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người. Với cách hiểu này, thì nếu di chúc đã xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì không cần phải công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Nếu vậy thì vẫn có thể dẫn đến bỏ sót người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

+ Quan điểm thứ hai cho rằng, cần phải hiểu quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Công chứng năm 2014 một cách tổng thể, không tách rời, cụ thể: Nếu thừa kế theo di chúc thì vẫn phải hiểu chủ thể có quyền yêu cầu công chứng là “Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc”, nghĩa là tất cả những người thừa kế (theo pháp luật, theo di chúc) đều có quyền yêu cầu công chứng. Như vậy, trong mọi trường hợp thừa kế theo di chúc hầu hết phải lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản, vì lẽ thông thường, các di chúc thường chỉ có chỉ định người được hưởng di sản mà không đề cập đến những trường hợp người thừa kế khác theo pháp luật, nghĩa là “trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người”. Với cách hiểu này, sẽ bao quát được những trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

- Theo quan điểm tác giả, việc xác định lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản cần căn cứ vào luật nội dung, nghĩa là Bộ luật Dân sự năm 2015, việc công chứng hay chứng thực văn bản này là về mặt hình thức. Cụ thể: theo Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thừa kế theo pháp luật hay theo di chúc đều phải lập văn bản thỏa thuận của những người thừa kế, nếu thừa kế theo di chúc thì phân chia di sản theo di chúc (Điều 659 Bộ luật Dân sự năm 2015), tất nhiên phải xem xét đến những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc (theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015). 

5. Kết luận

Về mặt trình tự thủ tục, có thể hình dung quy trình phân chia di sản như sau:

- Những người thừa kế phải thực hiện thông báo về việc mở thừa kế hoặc công bố di chúc (nếu có di chúc).

- Lập văn bản thỏa thuận của những người thừa kế về việc phân chia di sản. Trường hợp di sản thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực.

- Đối với trường hợp công chứng hoặc chứng thực:

+ Trường hợp thừa kế theo pháp luật: (1) lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản; (2) lập văn bản khai nhận di sản nếu chỉ có người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó.

+ Trường hợp thừa kế theo di chúc: lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản nếu di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người (về mặt thực tế, thông thường di chúc nêu rõ người được hưởng di sản mà không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thừa kế).

- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.260.508
Lượt truy cập hiện tại 17.545