Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Các nội dung liên quan đến biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và một số vấn đề cần lưu ý
Ngày cập nhật 04/08/2022

Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là một trong bốn biện pháp xử lý hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) (sau đây viết tắt là Luật Xử lý vi phạm hành chính), áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng với thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng. Đây được xem là biện pháp quan trọng để quản lý, giáo dục các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm ngay tại địa bàn cơ sở nơi họ đang cư trú và làm việc.

 

1. Một số quy định chung về biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

a) Nguyên tắc áp dụng

Biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là chế tài của nhà nước áp dụng đối với đối tượng vi phạm nhằm hạn chế một phần quyền tự do, dân chủ của công dân, hơn nữa, lại do các cơ quan hành chính thực hiện, do đó, trong Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Nghị định) đã cụ thể hóa một số nguyên tắc riêng cần lưu ý khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp:

- Kịp thời, công khai, khách quan, công bằng; đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định.

- Không xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người vi phạm.

- Tôn trọng và bảo vệ bí mật cá nhân của người vi phạm.

- Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

- Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng, nhà trường và gia đình trong việc giúp đỡ, giáo dục người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

- Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

- Chỉ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 5 Nghị định, chỉ quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi không đủ điều kiện áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình. Việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

- Trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ.

b) Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

- Cơ sở pháp lý: Điều 3 Nghị định, Điều 9, Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Mục đích, ý nghĩa: Để xem xét, quyết định thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại XPTT

* Tình tiết giảm nhẹ

- Người vi phạm đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

- Người vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vi phạm;

- Vi phạm trong tình trạng bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra; vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

 - Vi phạm do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần;

 - Người vi phạm là phụ nữ mang thai, người nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người có bệnh hoặc khuyết tật làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

- Vi phạm vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không do mình gây ra;

- Vi phạm do trình độ lạc hậu.

* Tình tiết tăng nặng:

- Vi phạm có tổ chức;

- Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm;

- Lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; vi phạm có tính chất côn đồ;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để vi phạm;

- Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm;

- Vi phạm đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai.

c) Thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại XPTT

Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 11 Nghị định thì:

(i) Cá nhân bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định hoặc 01 năm, kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định mà không tái phạm, thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

(ii)  Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Đối tượng, thời hiệu, thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

a) Đối tượng và thời hiệu áp dụng

- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 01 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm;

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này;

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này;

- Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì thời hiệu là 03 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối hành vi vi phạm này;

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép, ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình nhưng không phải là tội phạm thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm này.

Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khoản 1 Điều 5 Nghị định thì biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không áp dụng đối với người nước ngoài.

b) Thời hạn áp dụng

 Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng trong thời gian tối thiểu là 03 tháng, tối đa là 06 tháng.  

Việc xem xét, quyết định thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn dựa trên cơ sở xác định tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng của người vi phạm.

3. Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

Người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 1 Điều 105 của Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người vi phạm cư trú;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định đặt trụ sở;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối, không có nơi cư trú ổn định.

Lưu ý: Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ có thẩm quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn như Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

a) Quy trình lập hồ sơ đề nghị

 * Đề nghị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

 - Thẩm quyền đề nghị lập hồ sơ:

(i) Trưởng Công an cấp xã (tự lập);

(ii) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã; người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn…);

(iii) Đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người vi phạm đang làm việc hoặc học tập

(iv) Đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở gồm: Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng thôn, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc và các đơn vị tương đương.

- Về trình tự, thủ tục

+ Người có thẩm quyền nêu tại mục (i), (ii), (iii), (iv) có văn bản đề nghị lập hồ sơ đề nghị gửi tới Trưởng Công an cấp xã. 

+ Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm kiểm tra các thông tin về hành vi vi phạm và nhân thân người vi phạm. Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên, thì tham khảo ý kiến của công chức văn hóa - xã hội chuyên trách theo dõi về lao động - thương binh và xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên công tác xã hội hoặc cộng tác viên bảo vệ trẻ em (nếu có) và đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở về đặc điểm và hoàn cảnh gia đình của người chưa thành niên.

Trường hợp Trưởng Công an cấp xã không chấp nhận đề nghị lập hồ sơ nếu văn bản đề nghị không đúng đối tượng quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều 5 Nghị định hoặc sự việc đang trong quá trình hòa giải hoặc đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, trong trường hợp này thì Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến người đề nghị ngay sau khi hết thời hạn kiểm tra các thông tin về hành vi vi phạm và nhân thân người vi phạm theo quy định.

Trường hợp chấp nhận đề nghị lập hồ sơ, Trường Công an cấp xã tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thông báo bằng văn bản cho người đề nghị về việc chấp nhận lập hồ sơ đề nghị.

Lưu ý: Nội dung của văn bản đề nghị phải ghi rõ địa danh, ngày, tháng, năm; họ, tên và tên cơ quan, tổ chức của người đề nghị; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, nhân thân của người vi phạm; hành vi vi phạm, nơi thực hiện hành vi vi phạm, lý do đề nghị, tài liệu liên quan (nếu có); chữ ký của người đề nghị.

Người đề nghị phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin trong văn bản đề nghị.

* Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

- Thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị:

+ Trưởng Công an cấp xã nơi đối tượng cư trú (đối tượng quy định tại điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều 5 Nghị định xác định được nơi cư trú).

+ Trưởng Công an cấp xã nơi đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (đối tượng quy định tại điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều 5 Nghị định không xác định được nơi cư trú).

+ Cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh đang thụ lý vụ việc  theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật Xử lý vi phạm hành chính (đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định).

- Trình tự, thủ tục:

* Bước 1: Lập hồ sơ đề nghị áp dụng

Sau khi chấp nhận văn bản đề nghị lập hồ sơ, Trưởng Công an cấp xã, cơ quan công an cấp huyện, cấp tỉnh đang thụ lý vụ việc lập hồ sơ đề nghị. Để lập hồ sơ đề nghị áp dụng, Trưởng công an cấp xã phải thu thập thông tin, tài liệu để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn, cụ thể:

(i) Thu thập thông tin, tài liệu về hành vi vi phạm;

(ii) Tài liệu về việc xác định tuổi đối tượng vi phạm;

(iii) Tài liệu về việc xác minh nơi cư trú của đối tượng;

(iv) Tài liệu về kết quả xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể hoặc kết quả xác định tình trạng nghiện đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định;

(v) Thông tin và tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Đối với người chưa thành niên, ngoài các thông tin, tài liệu nêu trên thì phải thu thập thêm thông tin về hoàn cảnh gia đình, quan hệ bạn bè và hoàn cảnh dẫn đến vi phạm; lấy ý kiến nhận xét của nhà trường, cơ quan, tổ chức nơi người chưa thành niên đang học tập, làm việc (nếu có); lấy ý kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, trừ trường hợp người chưa thành niên được chuyển đến cơ sở bảo trợ xã hội.

Lưu ý 1: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan công an, công chức Tư pháp - hộ tịch, công chức Văn hóa - xã hội chuyên trách theo dõi về lao động - thương binh và xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên bảo vệ trẻ em (nếu có), cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, nhà trường, cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu hoặc có ý kiến bằng văn bản theo đề nghị của cơ quan công an.

Lưu ý 2: Thông tin thu thập để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được phải thể hiện bằng văn bản.

Lưu ý 3: Người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị có trách nhiệm xác định độ tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Việc xác định độ tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được thể hiện bằng văn bản.

Lưu ý 4: Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ khi thụ lý hồ sơ, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị có trách nhiệm xác minh nơi cư trú của đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Đối với các địa bàn là vùng miền núi, hải đảo, vùng xa xôi, hẻo lánh mà việc đi lại gặp khó khăn thì thời hạn xác minh nơi cư trú có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 10 ngày, kể từ khi thụ lý hồ sơ.

Lưu ý 5: Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy đối với các đối tượng sau:

(i) Đối tượng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Nghị định (Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy).

(ii) Đối tượng đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

* Bước 2: Gửi hồ sơ đề nghị và thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị

Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải thông báo ngay bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên.

 Văn bản thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm: Họ, tên người vi phạm; Lý do lập hồ sơ đề nghị; Quyền đọc, ghi chép những nội dung cần thiết trong hồ sơ của người nhận được thông báo; địa điểm, thời hạn đọc, ghi chép; Quyền phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị tại cuộc họp tư vấn.

Lưu ý 1: Người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Lưu ý 2: Thời hạn đọc và ghi chép các nội dung cần thiết trong hồ sơ đề nghị là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.

* Bước 3: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để xem xét, ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp này.

Lưu ý 1: Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn đọc, ghi chép các nội dung cần thiết, người có thẩm quyền lập hồ sơ phải gửi hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền.

Lưu ý 2: Tùy từng trường hợp cụ thể, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn gửi hồ sơ đến một trong các chủ thể sau:

(i) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú;

(ii) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở bảo trợ xã hội đóng trụ sở đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định;

(iii) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần cuối đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định.

* Quy trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp được thực hiện theo quy định tại các Điều 22 và 23 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ. Trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp, cơ quan, người có thẩm quyền cần lưu ý các nội dung sau đây:

 

(i) Trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên không tham dự được mà có lý do chính đáng thì phải hoãn cuộc họp tư vấn. Cuộc họp tư vấn được hoãn không quá 02 lần, mỗi lần hoãn không quá 02 ngày làm việc, thời gian hoãn không tính vào thời gian xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp này. Trường hợp cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên vẫn không thu xếp tham dự cuộc họp sau thời gian hoãn nêu trên do không có mặt tại địa phương, điều kiện sức khỏe hoặc lý do chính đáng khác thì phải có trách nhiệm cử người đại diện cho gia đình tham dự cuộc họp.

(ii) Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cố tình trốn tránh không tham dự cuộc họp tư vấn; người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tham dự được cuộc họp tư vấn và cũng không gửi ý kiến bằng văn bản hoặc cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không thể tham dự được cuộc họp tư vấn do có lý do chính đáng và đã hoãn theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Nghị định thì vẫn tiếp tục tổ chức cuộc họp tư vấn.

(iii) Việc mời những người tham gia cuộc họp được thể hiện bằng văn bản và phải được gửi trước khi tổ chức cuộc họp ít nhất là 03 ngày làm việc.

(iv) Cuộc họp tư vấn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chỉ được tổ chức khi có sự tham gia của ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên.

(v) Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tham dự được, thì có thể gửi ý kiến bằng văn bản.

(vi) Nội dung cuộc họp phải được ghi thành biên bản và lưu vào hồ sơ.

Với các nội dung như đã phân tích nêu trên, tác giả hi vọng rằng sẽ giúp cán bộ, công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính nắm bắt các quy định mới liên quan đến áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ, qua đó góp phần tổ chức triển khai thi hành hiệu quả biện pháp xử lý hành chính này trong thực tiễn, tiếp tục góp phần nâng cao công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm hành chính, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân./.

 

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.223.705
Lượt truy cập hiện tại 1.739