Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Các nội dung liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính và một số vấn đề cần lưu ý
Ngày cập nhật 05/07/2022

Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đúng quy định pháp luật là một trong những yêu cầu quan trọng của việc thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đúng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Từ thực tiễn thi hành, trong bài viết này tôi xin trao đổi một số nội dung có liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

 

1. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

2. Nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải bao gồm các nội dung chính sau đây:

- Địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định;

- Căn cứ pháp lý để ban hành quyết định;

- Biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và tài liệu khác (nếu có);

- Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;

- Họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp cua người vi phạm hoặc tên, địa chỉ và họ tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của tổ chức vi phạm;

- Hành vi vi phạm hành chính; tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

- Điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng;

- Hình thức xử phạt chính; hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);

- Quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

- Hiệu lực của quyết định, thời hạn và nơi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nơi nộp tiền phạt;

- Họ tên, chữ ký của người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

- Trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và việc cưỡng chế trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành.

3. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Điều 67 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần; nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính; nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, cụ thể như sau:

- Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.

- Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức.

- Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức.

- Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác.

Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là “một vụ vi phạm”. Tuy nhiên, trong thực tế, thông thường, mỗi một trường hợp người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì được tính là một vụ vi phạm.

4. Đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính; hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính

* Người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm đính chính quyết định khi có sai sót về kỹ thuật soạn thảo.

* Người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Không đúng đối tượng vi phạm;

- Vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định;

- Vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định;

- Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Trường hợp không ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

* Người đã ban hành quyết định tự mình hoặc theo yêu cầu của những người quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định nếu quyết định có sai sót, vi phạm mà không thuộc các trường hợp quy định về hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định như đã nêu trên.

* Trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 1 Điều 13 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới, thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.

Trong trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 13 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP (trường hợp không ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính), nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc pháp luật có quy định áp dụng hình thức xử phạt tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới để tịch thu, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Việc đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính; hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại các Điều 13, 14, 15 và Điều 16 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ. Quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định được lưu trong hồ sơ xử phạt.

5. Thời gian tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thông thường, quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được thi hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người vi phạm nhận được quyết định xử phạt trừ trường hợp quyết định xử phạt có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt. Theo đó, trong thời hạn 10 ngày, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng phải thực hiện một số công việc tương ứng với việc thực hiện nghĩa vụ của đối tượng vi phạm như: gửi quyết định xử phạt để thi hành (Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính); giải quyết khiếu nại nếu đối tượng vi phạm có khiếu nại (Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính); thu nộp tiền phạt (Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính); xem xét hoãn, giảm, miễn (Điều 76, Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính) hoặc chuyển quyết định xử phạt để tổ chức thi hành (Điều 71 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Tuy nhiên, không phải quyết định xử phạt nào được ban hành cũng đều có thể thi hành được ngay, trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền tiếp tục thi hành hay phải tạm dừng thi hành quyết định xử phạt để thực hiện giải quyết việc khiếu nại, khởi kiện đó?

Để xử lý tình huống này, người có thẩm quyền cần căn cứ vào khoản 2 Điều 73 và Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử phạt bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Các quy định nêu trên cũng được áp dụng đối với trường hợp cá nhân, tổ chức khiếu nại đối với quyết định xử phạt của Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành (Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra). Để xử lý trường hợp khiếu nại quyết định xử phạt của Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành thì thực hiện theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 118/2021/NĐ-CP theo hướng: người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hoặc chỉ đạo người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính giải quyết theo quy định của pháp luật về thanh tra và khiếu nại.

6. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

 Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

7. Một số nội dung cần lưu ý

Thứ nhất, khi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải đúng theo mẫu Quyết định ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (mẫu MQĐ01 - Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản; mẫu MQĐ02, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính -  sử dụng cho cả trường hợp một hoặc nhiều cá nhân/tổ chức thực hiện một hoặc nhiều hành vi vi phạm hành chính); Đối với các lĩnh vực có quy định mẫu riêng thì thực hiện theo quy định đó; không ghi thêm các căn cứ không đúng quy định.

Thứ hai, trong trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì phải thực hiện giao quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, sử dụng mẫu quyết định giao quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (mẫu MQĐ34 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP).

Thứ ba, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức liên quan nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, trường hợp ban hành một quyết định xử phạt vi phạm hành chính chung đối với nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hoặc nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì nội dung hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức phải xác định cụ thể, rõ ràng.

Thứ năm,  trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.

Thứ sáu, đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.

Thứ bảy, đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao.

Thứ tám, sau khi thu thập thông tin, nghiên cứu, xem xét các hồ sơ, tài liệu và các tình tiết của vụ việc vi phạm, đánh giá về mặt pháp lý của các hành vi vi phạm trên thực tế, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định có ban hành hay không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

Trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền xử phạt không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu vụ việc thuộc các trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Mặc dù không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.

Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.

Trường hợp ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Nếu vụ việc thuộc trường hợp vi phạm hành chính, pháp luật quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc phải ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ các trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bởi vì, theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính đó là:“Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính”.

Để đảm bảo tính hợp pháp của một quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành phải đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức, nội dung và một số nội dung khác liên quan do pháp luật quy định. Với những trình bày, trao đổi, phân tích như đã nêu trên, tác giả hi vọng rằng sẽ giúp cho cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ, tham mưu, đề xuất người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định xử phạt vi phạm hành chính có cái nhìn khái quát hơn về các nội dung có liên quan đến quyết định xử phạt vi phạm hành chính và mong nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ từ phía các độc giả, đồng nghiệp, đặc biệt là những người trực tiếp thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính quan tâm đến vấn đề này./.

 

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.379.894
Lượt truy cập hiện tại 26.705