Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số kinh nghiệm trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc vùng thiểu số miền núi
Ngày cập nhật 18/04/2022

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại Điều 17 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Đồng thời tại Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 – 2021 (ban hành theo Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định: Ưu tiên triển khai các nguồn lực tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, địa bàn xảy ra nhiều vi phạm pháp luật và trọng yếu về an ninh quốc phòng.” Trên tinh thần các quy định pháp luật và Chương trình, Đề án, thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm đưa pháp luật đến với đồng bào dân tộc vùng thiểu số của huyện A Lưới và huyện Nam Đông.

 

Với đặc điểm khác biệt so với các địa phương khác trong tỉnh là sự đa sắc tộc. Tại các huyện A Lưới và Nam Đông, đồng bào các dân tộc thiểu số anh em: Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy, Vân Kiều chiếm hơn 70% dân số toàn huyện. Điểm xuất phát về trình độ dân trí và nhận thức xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số có nơi còn hạn chế, chưa đồng đồng đều; bên cạnh đó điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm hơn 30% dân số toàn huyện... Địa hình chủ yếu là đồi núi, đất đai khô cằn; các thôn, bản nằm cách xa nhau, đi lại khó khăn. Do đó, để phát huy được hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

Thứ nhất, nội dung tuyên truyền phải gần gũi, thiết thực, có liên quan mật thiết với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Có thể nói, việc lựa chọn các nội dung để thực hiện tuyên truyền, phổ biến trước hết cần dựa trên nhu cầu thực tế của Nhân dân và các vấn đề mang tính “thời sự” của địa phương. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tại huyện A Lưới và Nam Đông, các vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực tư pháp hiện nay có thể kể đến: tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tỉ lệ các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng; tranh chấp liên quan đến hôn nhân gia đình, thừa kế, đền bù, giải phóng đất đai…(theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện A Lưới, Nam Đông). Căn cứ thực tiễn như trên, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình, các quy định mới về đất đai cho cán bộ, các báo cáo viên, tuyên truyền viên và đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Thứ hai, dựa vào sự đặc điểm đối tượng để lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp là nguyên tắc quan trọng, quyết định sự thành công của công tác tuyên truyền, PBGDPL. Việc phân loại các nhóm đối tượng không chỉ giúp đưa ra hình thức tuyên truyền phù hợp, giúp tinh gọn, cô đọng nội dung cần tuyên truyền, mặt khác còn hướng tới nhu cầu được cung cấp thông tin của đối tượng. Cụ thể, với nội dung “tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” đối tượng chính là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi; do đó, việc thực hiện tuyên truyền cần có sự phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên, đoàn trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn để nâng cao nhận thức, ý thức của các em trong việc ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Với nội dung tuyên truyền pháp luật về tranh chấp thừa kế, đền bù, giải phóng đất đai, đối tượng cần hướng đến là cán bộ, công chức cấp xã, hòa giải viên cơ sở, nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong xử lý, giải quyết các tình huống tranh chấp, mâu thuẫn liên quan tới đất đai…

Ngoài ra, với đặc điểm dân trí của bà con dân tộc thiểu số miền núi vốn không đồng đều, việc tiếp thu các quy định, văn bản pháp luật nhiều lúc còn khó khăn. Do đó trong nội dung tuyên truyền, ngoài việc đưa ra những quy định, những văn bản, cần khéo léo lồng ghép câu chuyện số liệu, sự kiện thực tế, kết quả cụ thể để tăng sự thu hút, thuyết phục. Với sự bùng nổ mạnh mẽ của khoa học công nghệ như hiện nay, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, PBGDPL, bằng cách song song với việc tuyên truyền miệng, cần trình chiếu các hình ảnh thực tế, các đoạn video clip chân thực hoặc các sơ đồ tóm tắt dễ hiểu nhằm thu hút sự chú ý, gây ấn tượng mạnh với người nghe và đặc biệt giúp đồng bào miền núi có thể nắm bắt dễ dàng.

Có thể nói, đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, công tác tuyên truyền, PBGDPL không chỉ đóng vai trò cung cấp, định hướng thông tin chính thống về chính sách, pháp luật mà qua đó còn nắm bắt tâm tư, tình cảm, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa phương. Vì vậy, trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, việc xây dựng nội dung cần ngắn gọn, lồng ghép với việc “lắng nghe, giao lưu” trực tiếp với bà con. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn vụ việc thực tế, cũng như tạo sự gần gũi, thân mật trong buổi tuyên truyền.

Thứ ba, với đặc điểm địa hình đồi núi khó đi lại, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi lại thường sống cách xa nhau, việc tập hợp tham dự các buổi tuyên truyền tập trung không thuận tiện. Nắm được khó khăn trên, trong những năm qua Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực, chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan liên quan như lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, đặc biệt là UBND cấp huyện/xã và lực lượng tuyên truyền viên, hòa giải viên triển khai giải pháp “đến từng nhà, gặp từng người”. Theo đó, các các bộ, người thực hiện công tác tuyên truyền sẽ đến từng hộ gia đình để có thể tuyên truyền, vận động, giải thích trực tiếp cho người dân hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hiểu được quyền, nghĩa vụ cơ bản của mình.

Thứ tư, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn tỉnh hiện nay còn cao (chiếm hơn 30% dân số). Đời sống kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật của bà con nhân dân (cụ thể như số lượng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và số vụ mâu thuẫn, bạo lực trong gia đình có xu hướng gia tăng…). Như vậy, công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi không đơn thuần là một hoạt động chung chung, mà gắn liền với từng hộ gia đình, từng người dân đang sinh sống tại địa phương; và công tác này không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, truyền tải kiến thức pháp luật cho bà con mà còn gắn liền với hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, cải thiện cuộc sống. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, PBGDPL cần được triển khai đồng bộ với các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống vật chất của Nhân dân. Nhìn nhận được vấn đề trên, từ năm 2017 đến nay, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Bộ đội biên phòng và Trường Đại học Sư phạm Huế trực tiếp giúp đỡ xã Hồng Vân – xã nghèo biên giới thuộc huyện A Lưới. Nhờ đó công tác tuyên truyền pháp luật, vận động người dân chấp hành pháp luật được triển khai tích cực và đạt hiệu quả cao. 

Thứ năm, để đạt được hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cần kết hợp các hình thức tuyên truyền như: cấp phát ấn phẩm sách, báo, tạp chí, tờ rơi, tờ gấp tại chỗ và thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí sau buổi tuyên truyền. Để thực hiện tốt hình thức này, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, giới thiệu cụ thể, chi tiết về diện người được trợ giúp pháp lý, điều kiện được hưởng dịch vụ, thủ tục trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, qua đó góp phần giúp bà con vùng miền núi, khó khăn thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình một cách trọn vẹn.

Bên cạnh việc xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức, một số công tác khác phục vụ việc tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cần quan tâm thực hiện như: lựa chọn địa điểm thuận lợi cho buổi truyền thông (thực tế cho thấy việc tổ chức tuyên truyền không nhất thiết phải tổ chức tại hội trường UBND xã, huyện mà có thể tổ chức tại nhà sàn, nhà sinh hoạt cộng đồng của bà con); mời các cá nhân có uy tín, có sức ảnh hưởng đến bà con (già làng, trưởng bản…) cùng tham gia buổi tuyên truyền; thực hiện các chế độ hỗ trợ như cung cấp đồ uống, đồ ăn nhẹ trong giờ nghỉ…

Với những nỗ lực, quan tâm chỉ đạo của các cơ quan, ban ngành, công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tại huyện A Lưới và huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp tiếp cận, thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh nói chung và trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; góp phần củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào thi đua, tạo sự đoàn kết, thống nhất của nhân dân. Qua đó, một lần nữa khẳng định được vị trí, ý nghĩa của của công tác PBGDPL và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Thùy Trang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.280.935
Lượt truy cập hiện tại 29.535