Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Chế độ đối với người giám định tư pháp và một số kiến nghị hoàn thiện
Ngày cập nhật 18/04/2022

Chế độ đối với người giám định tư pháp và người tham gia giám định tư pháp được quy định tại Điều 37, Điều 38 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020); Điều 25, 26, 29 Nghị định số Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ); Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; Thông tư số 49/2017/TT-BCA ngày 26 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp lĩnh vực kỹ thuật hình sự; thành phần, số người thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi và khai quật t thi; Thông tư số 31/2015/TT-BYT ngày 14/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc áp dụng chế độ bồi dưỡng, thời gian và số người thực hiện giám định đối với từng loại việc giám định pháp y, pháp y tâm thần; Thông tư số 137/2014/TT-BTC ngày 18/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.

 

1. Các chế độ và đối tượng được hưởng chế độ trong giám định tư pháp

Theo quy định tại Điều 37 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020); Điều 25, 26, Nghị định số Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ), có 03 chế độ đối với người giám định tư pháp và người tham gia giám định tư pháp như sau:

a) Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc giám định.

- Đối tượng áp dụng: Chế độ được áp dụng đối với Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, người giúp việc cho người giám định tư pháp đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi. Cụ thể:

+ Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp (thực hiện giám định tư pháp trong tất cả các lĩnh vực);

+ Người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm: Trợ lý, kỹ thuật viên, y công, cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi và những người khác do Thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định;

+ Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi.

- Cơ quan có trách nhiệm chi trả và nguồn kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng

+ Trường hợp tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định thì tổ chức đó có trách nhiệm trả tiền bồi dưỡng giám định cho các đối tượng: Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp; người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc đối tượng được chi trả chế độ bồi dưỡng nêu trên.

Nguồn kinh phí chi trả là từ chi phí giám định tư pháp đã thu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định. Chi phí giám định tư pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng năm 2012 và Điều 3, 4, 5, 6 Nghị định 81/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 08 năm 2014 của Chính phủ  quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.

+ Cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định trả tiền bồi dưỡng giám định cho các đối tượng là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán thuộc đối tượng được chi trả chế độ bồi dưỡng nêu trên. Nguồn kinh phí chi trả là từ kinh phí hoạt động điều tra, truy tố và xét xử được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.

- Chế độ bồi dưỡng: Theo quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg, gồm có chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công và chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc.

+ Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công được áp dụng đối với việc giám định tư pháp trong các lĩnh vực: Pháp y về độc chất, tổ chức học, sinh học, giám định trên hồ sơ; pháp y tâm thần; kỹ thuật hình sự; tài chính; ngân hàng; văn hóa; xây dựng; tài nguyên và môi trường; thông tin và truyền thông; nông - lâm - ngư nghiệp và các lĩnh vực khác.

+ Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc được áp dụng đối với giám định trên người sống và trên tử thi trong lĩnh vực pháp y.

Chế độ bồi dưỡng cụ thể được quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg; Thông tư số 49/2017/TT-BCA; Thông tư số 31/2015/TT-BYT.

- Dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng: Thực hiện theo Thông tư số 137/2014/TT-BTC ngày 18/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.

b) Chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

 Công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thực hiện giám định tư pháp là hoạt động công vụ. Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có trách nhiệm bảo đảm đủ thời gian và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định.

Người giám định tư pháp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp trên cơ sở thỏa thuận với người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định.

c) Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác

 Ngoài chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc, giám định viên tư pháp chuyên trách thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác, cụ thể:

+ Giám định viên tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp.

Phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BTP ngày 17/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, theo đó giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần, giám định viên kỹ thuật hình sự là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng mức là 0,3 của mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở).

+ Giám định viên tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần thuộc ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề.

Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần được hưởng 70%/mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), người giúp việc giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần được hưởng 30%/mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

+ Giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y thuộc ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thường trực.

Chế độ phụ cấp thường trực của y, bác sĩ, nhân viên công tác trong cơ sở y tế được quy định cụ thể tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 28 tháng 12 năm 2011 về một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập.

d) Chính sách đối với hoạt động giám định tư pháp

Điều 38 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định chính sách đối với hoạt động giám định tư pháp:

- Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

- Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có đóng góp tích cực cho hoạt động giám định tư pháp thì được tôn vinh, khen thưởng.

- Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khả năng, điều kiện thực tế và thẩm quyền của mình quy định chế độ, chính sách khác để thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp.

Tại Thừa Thiên Huế, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016  quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2017 quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia; tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Chế độ hỗ trợ được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện

a) Chế độ bồi dưỡng

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định số Nghị định số 85/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 157/2020/NĐ-CP), trường hợp tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định thì tổ chức đó có trách nhiệm trả tiền bồi dưỡng giám định cho các đối tượng sau đây là từ chi phí giám định tư pháp đã thu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định: Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp; người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm: Trợ lý, kỹ thuật viên, y công, cán bộ kỹ thuật hình sự trong trường hợp tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi và những người khác do Thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định phân công hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định.

Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg; Thông tư số 49/2017/TT-BCA; Thông tư số 31/2015/TT-BYT quy định cụ thể mức bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công và Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc.

Điều 4 Nghị định 81/2014/NĐ-CP thì việc xác định chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện giám định như sau:

- Xác định chi phí tiền lương: Chi phí tiền lương được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc (sau đây gọi là tổ chức thực hiện giám định). Tổ chức thực hiện giám định căn cứ vào nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và các quy định của chế độ tiền lương hiện hành áp dụng đối với mình xác định chi phí tiền lương làm cơ sở thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.

- Xác định chi phí thù lao: Chi phí thù lao được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước căn cứ nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và tiền lương, thu nhập thực tế của mình xác định mức thù lao hợp lý thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước căn cứ quy định của pháp luật về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp xác định thù lao giám định tư pháp thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Với các quy định trên, trường hợp tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định thì tổ chức đó có trách nhiệm trả tiền bồi dưỡng giám định cho các đối tượng (Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp; người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước) trên cơ sở xác định chi phí tiền lương. Trong khi đó, chế độ bồi dưỡng được quy định cụ thể mức chi theo ngày công/vụ việc (mức chi phí thù lao được xác định theo chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp chỉ áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Sự thiếu thống nhất giữa quy định tại 02 văn bản trên là khó khăn cho tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định khi xác định chế độ bồi dưỡng cho Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp; người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Do đó, cần quy định cụ thể theo hướng nếu tổ chức được trưng cầu nhưng do giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện thì xác định theo chi phí thù lao, nghĩa là căn cứ quy định của pháp luật về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp để xác định.

b) Chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật Giám định tư pháp, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thực hiện giám định tư pháp là hoạt động công vụ. Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có trách nhiệm bảo đảm đủ thời gian và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định.

Như vậy, ngoài việc được bảo đảm đủ thời gian và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thực hiện giám định tư pháp không có một chế độ nào khác. Điều này không động viên, khuyến khích người thực hiện giám định tư pháp mà với cả tổ chức được trưng cầu giám định cũng không “mặn mà” vì trách nhiệm cao trong giám định tư pháp đối với cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.

Từ thực tế trên, kiến nghị xem xét quy định cụ thể chế độ, chính sách trong trường hợp này, có thể theo hướng trên cơ sở xác định trong chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện giám định theo quy định tại Nghị định 81/2014/NĐ-CP.

c) Trường hợp cơ quan chuyên môn nhà nước được trưng cầu giám định không thuộc danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

Theo quy định tại Điều 20 Luật Giám định tư pháp, trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu tổ chức chuyên môn có đủ tiêu chuẩn, điều kiện là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không thuộc danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu. Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ quan chuyên môn nhà nước không thuộc danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Tuy nhiên, do đặc thù tính chất chuyên môn nghiệp vụ, nhiều tổ chức thường xuyên nhận được trưng cầu giám định tư pháp, nhưng vì không thuộc danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc nên không xác định được các chế độ, chính sách cho người thực hiện là Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp; người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, vì:

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 81/2014/NĐ-CP thì việc xác định chi phí tiền lương được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc (sau đây gọi là tổ chức thực hiện giám định). Tổ chức thực hiện giám định căn cứ vào nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và các quy định của chế độ tiền lương hiện hành áp dụng đối với mình xác định chi phí tiền lương làm cơ sở thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Để bảo đảm chế độ, chính sách cho người thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp này, kiến nghị cần xem xét, bổ sung thêm trường hợp tổ chức được trưng cầu giám định không thuộc danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được xác định chi phí tiền lương, tiền công để hỗ trợ, bồi dưỡng cho người thực hiện giám định tư pháp./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.379.894
Lượt truy cập hiện tại 16.264