Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Cần đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động công chứng
Ngày cập nhật 01/04/2022

Chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng đã tạo dựng nên một thị trường dịch vụ công chứng sôi động, hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần giảm tải công việc, nguồn lực cho Nhà nước. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của chủ trương xã hội hóa công chứng, cần tiếp tục xem xét chuyển giao hẳn nhiệm vụ về chứng thực để tổ chức hành nghề công chứng thực hiện thay cơ quan Nhà nước.

 

1. Một số vấn đề thực tiễn về công chứng, chứng thực

Theo quy định, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn để thực hiện tại cơ quan nhà nước hoặc tổ chức hành nghề công chứng, đó là: Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, công chứng/chứng thực hợp đồng, giao dịch, công chứng/chứng thực di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản (trường hợp Ủy ban nhân dân xã thực hiện chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà).

Quy định là vậy, nhưng pháp luật lại có sự phân biệt về giá trị pháp lý của văn bản được chứng thực và văn bản được công chứng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 và Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 thì công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Rõ ràng, giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được công chứng hơn hẳn hợp đồng, giao dịch được chứng thực. Văn bản được công chứng được bảo đảm về mặt nội dung, tính xác thực và chỉ có Tòa án mới có quyền xem xét, tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Văn bản chứng thực chỉ chứng mình, xác thực cho một số nội dung mà không bảo đảm về mặt nội dung văn bản.

Từ quy định trên, dẫn đến những phát sinh trên thực tiễn cho cả phía cơ quan nhà nước và cả phía người dân, tổ chức. Một số côngchức nhà nước ngại thực hiện chứng thực các hợp đồng, giao dịch, văn bản liên quan đến thừa kế vì tính chất phức tạp của các văn bản này, yêu cầu trách nhiệm cao nhưng thủ tục lại đơn giản, dễ xảy ra tranh chấp nên viện lý do từ chối. Về phía nười dân, tổ chức, để đảm bảo hợp đồng, giao dịch thường tìm đến tổ chức hành nghề công chứng. Thực tiễn này như “dòng chảy”, dần “đẩy” những hợp đồng, giao dịch đi về phía công chứng, thể hiện xu hướng tự nhiên trong phát triển xã hội.

2. Đẩy mạnh thêm một bước xã hội hóa

Quy định về công chứng,chứng thực hợp đồng, giao dịch chưa phản ánh đúng bản chất của công chứng, chứng thực, chưa phù hợp với thực tiễn và tính chất của các hợp đồng, giao dịch. Bản chất của hợp đồng, giao dịch được công chứng hay chứng thực xét về góc độ pháp lý đều có giá trị như nhau nhưng chứng thực lại có thủ tục đơn giản, yêu cầu trình độ nghiệp vụ, trách nhiệm đối với người thực hiện chứng thực cũng không cao so với công chứng viên. Sự chống chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa tổ chức hành nghề công chứng và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã gây lãng phí nguồn lực xã hội, chưa giảm tải được công việc hành chính cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.

Để chuyên nghiệp hóa hoạt động công chứng, góp phần giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hóa công chứng với việc chuyển giao hẳn các việc chứng thực, hợp đồng, giao dịch sang tổ chức hành nghề công chứng thực hiện trong điều kiện cơ bản đã “chín muồi” như hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức hành nghề công chứng. Chủ trương này cũng sẽ giúp pháp triển mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp trên các địa bàn dân cư, bên cạnh đó, nhà nước có chính sách cụ thể để hỗ trợ các tổ chức hành nghề công chứng thành lập, hoạt động tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển.

Việc đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa sẽ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng dịch vụ công chứng, phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp, phát triển kinh tế -  xã hội và hội nhập quốc tế, đúng với tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ “chuyển giao một số công việc và dịch vụ không cần thiết phải do cơ quan nhà nước thực hiện cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đảm nhận”./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.379.894
Lượt truy cập hiện tại 29.720