Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản
Ngày cập nhật 09/03/2022

Bảo vệ quyền của mình đối với tài sản là quyền của mỗi tổ chức, cá nhân đã được pháp luật ghi nhận. Đề thực hiện quyền này, các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật. Một trong những biện pháp đó là yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Thực tế thời gian qua cho thấy, không ít cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đơn đến Sở Tư pháp đề nghị ngăn chặn các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản, trong khi Sở Tư pháp không có chức năng, thẩm quyền để thực hiện. Để hiểu đúng, đầy đủ về biện pháp ngăn chặn và cơ quan có thẩm quyền ra quyết định ngăn chặn nhằm bảo vệ quyền của chủ sở hữu, bài viết giới thiệu, phân tích các quy định pháp luật có liên quan đến áp dụng biện pháp ngăn chặn.

1. Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Theo quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Một trong những biện pháp để thực hiện quyền trên là đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản. Biện pháp này nhằm mục đích bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp, tránh gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được.

2. Biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp

a) Các quy định pháp luật

Khoản 7 Điều 114 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời.  

Điều 111 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau: Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.

Tòa án chỉ tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp đương sự không yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

 Điều 121 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.

Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật tố tụng dân sự được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Trong đó, theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 2 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự (sau đây gọi chung là đương sự) có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự trong những trường hợp theo quy định.  Đối với vụ án có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải theo dõi, xem xét về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng khi có một trong các căn cứ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết việc dân sự quy định tại Phần thứ sáu của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP quy định những trường hợp không áp dụng biện cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp, biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ là: Tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo quy định tại Điều 297 Bộ luật Dân sự năm  2015, trừ trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời là bên nhận bảo đảm; tài sản đã được tổ chức bán đấu giá và người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.

Điều 112 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời:  Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một Thẩm phán xem xét, quyết định.  Tại phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

Điều 139 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thi hành ngay. Tòa án phải cấp hoặc gửi quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi ra quyết định cho người có yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền và Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 140 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc Thẩm phán không quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc trả lời của Thẩm phán về việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Điều 142 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định  Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Trường hợp quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì đương sự có nghĩa vụ nộp bản sao quyết định cho cơ quan quản lý đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

b) Một số nội dung cụ thể

Từ các quy định pháp luật, phần tích một số nội dung liên quan đến áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp như sau:

- Đối tượng có quyền đề nghị áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Cơ quan/người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp là Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ án.

- Trường hợp được xem xét áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp: (i) Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết mà cần phải được giải quyết ngay, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự; (ii) Để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được; (iii) Để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết; (iv) Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án, các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.

Lưu ý rằng, Tòa án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong giải quyết việc dân sự quy định tại Phần thứ sáu của Bộ luật Tố tụng dân sự  (trong đó có yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu).

-  Những trường hợp không áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp: (i) Tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo quy định tại Điều 297 Bộ luật Dân sự số năm 2015, trừ trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời là bên nhận bảo đảm; (ii) Tài sản đã được tổ chức bán đấu giá và người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.

- Thời điểm đề nghị áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp: Từ các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP, thời điểm đề nghị áp dụng biện pháp này có thể ngay từ khi nộp đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, cụ thể:  (i) Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó (theo khoản 1 Điều 111 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015); (ii) Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa (theo Điều 112 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015); (iii) Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP).

 - Hiệu lực thi hành của Quyết định áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp: Có hiệu lực thi hành ngay.

- Thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì đương sự có nghĩa vụ nộp bản sao quyết định cho cơ quan quản lý đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng.

- Khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời: Thực hiện theo Điều 140 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

3. Trong giai đoạn thi hành án dân sự

Khoản 1, 2 Điều 69 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 28 Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự) quy định về tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản:

1. Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án, Chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác.

2. Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó”.

 Như vậy, trong giai đoạn thi hành án dân sự, Chấp hành viên có quyền ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác nếu xét thấy hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

4. Thực hiện biện pháp của cơ quan đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Điểm đ khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 quy định về hồ sơ địa chính quy định như sau:                            

11. Bổ sung Điều 11a như sau:

"Điều 11a. Từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

1. Việc từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:

đ) Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất”.

Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành”.

Từ các quy định trên, trong giai đoạn cơ quan đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai thì sẽ phải từ chối hồ sơ nếu có văn bản yêu cầu của các cơ quan sau đây: (i) Cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát đối với trường hợp tài sản là của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án; (ii) văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; (iii) các cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, gồm: Tòa án nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.379.894
Lượt truy cập hiện tại 26.457