Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Ngày cập nhật 10/12/2021

Người Việt Nam định cư ở nước là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Điều này đã được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận. Trên tinh thần đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có các quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào các quan hệ pháp luật tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong áp dụng pháp luật đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn có sự thiếu thống nhất với quan điểm: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được “thực hiện những gì luật không cấm” không? Bài viết này phân tích quy định của pháp luật để làm rõ quan điểm trên.

 

1. Một số vấn đề liên quan đến Quốc tịch

Khoản 1 Điều 17 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Khoản 1 Điều 18 Hiến pháp năm 2013 quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

 Điều 1 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) khẳng định: Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.

Luật Quốc tịch giải thích khái niệm người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài (khoản 3 và 4 Điều 3). Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm 02 bộ phận: (1) công dân Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài, (2) người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Về mặt nguyên tắc, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác (Điều 4 Luật Quốc tịch). Với quy định này, công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, công dân Việt Nam có thể có 02 quốc tịch.

Từ các quy định liên quan đến vấn đề quốc tịch, có thể phân tích quy định pháp luật về các quyền đối với các nhóm như sau: Công dân Việt Nam; công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Quy định quyền công dân Việt Nam

Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Ở đây xem xét công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam, bao gồm những người sinh sống trong nước và những người ở nước ngoài. Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau đây: (1) Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; (2) Giấy chứng minh nhân dân; (3) Hộ chiếu Việt Nam; (4) Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, nguyên tắc được hiến định trong thực hiện quyền của công dân Việt Nam là có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Điều này có nghĩa, nếu luật không cấm, không quy định hạn chế quyền của công dân thì công dân có quyền thực hiện, nghĩa là “công dân được thực hiện những gì luật không cấm”, tất nhiên, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (khoản 4 Điều 15 Hiến pháp năm 2013).

Khoản 2,3 Điều 17 Hiến pháp năm 2103 khẳng định: Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác. Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ.

Tại Điều 5, Điều 6 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) nêu rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân và vấn đề bảo hộ đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, công dân Việt Nam được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm các quyền công dân và phải làm tròn các nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách để công dân Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện hưởng các quyền công dân và làm các nghĩa vụ công dân phù hợp với hoàn cảnh sống xa đất nước. Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó.

Từ các quy định trên, công dân Việt Nam (chỉ có một quốc tịch Việt Nam) được bảo đảm các quyền công dân một cách toàn vẹn nhất, được tự do thực hiện những gì luật không cấm trên nguyên tắc không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

3. Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài

Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài là nhóm đối tương hết sức đặc biệt, có 02 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam và quốc tích nước đang định cư.

Theo khái niệm người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quy định tại Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam thì Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Nhóm này có đồng thời quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước sở tại vì thực hiện theo khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), cụ thể: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam”. Điều 27 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 01 tháng 7 năm 2009 mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam, nếu có yêu cầu thì đăng ký với Cơ quan đại diện, nơi cư trú để được xác định có quốc tịch Việt Nam (sau đây gọi là người yêu cầu xác định có quốc tịch Việt Nam).

Điều 18 Hiến pháp năm 2013 quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Khoản 4 Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam nêu rõ: Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 12 Luật Quốc tịch Việt Nam  quy định về việc giải quyết vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, cụ thể: Vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế. Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ ký kết hoặc đề xuất việc ký kết, quyết định gia nhập điều ước quốc tế để giải quyết vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.

Theo quy định nêu trên, Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài không có toàn quyền như đối với trường hợp công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài chỉ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước được quy định tại Điều 18 Hiến pháp năm 2013.

4. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được xác định là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo đó, Hiến pháp khẳng định chính sách đối với nhóm đối tượng này tại Điều 18 Hiến pháp năm 2013. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Điều 7 Luật quốc tịch Việt Nam nêu rõ chính sách đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam.

Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam quy định người đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: a) Xin hồi hương về Việt Nam; b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam; e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài. Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam. Người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép: a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với tinh thần trên, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và cho phép thực hiện một số hoạt động tại Việt Nam nhằm ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

5. Quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại Việt Nam

Ngoài các quyền con người nói chung, khi tham gia vào các quan hệ tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài chịu sự điều chỉnh của pháp luật có liên quan, như: Luật Du lịch (tham gia du lịch), Luật Hôn nhân và gia đình (quan hệ hôn nhân và gia đình),... Liên quan đến quyền sở hữu, pháp luật quy định việc sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam (Điều 7 Luật Nhà ở 2014). Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, theo quy định tại Điều 8 Luật Nhà ở 2014, gồm: (1) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam. (2) Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây: Mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật

 Về quyền sử dụng đất, theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch là đối tượng sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định. Theo đó, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê (khoản 3 Điều 55 Luật Đất đai). Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê; sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp (điểm e, đ khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai năm 2013).

Về nhận quyền sử dụng đất: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ. Được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất. Được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước cho thuê đất. Được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với hộ gia đình hoặc nhóm người có quyền sử dụng đất chung.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.

 Tóm lại, trên cơ sở chính sách, quy định của pháp luật đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài như đã phân tích, khi áp dụng pháp luật đối với nhóm này phải trên tinh thần của Hiến pháp, Luật Quốc tịch Việt Nam, đó là phải “được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan”, không thể tùy tiện áp dụng nguyên tắc “được làm những gì luật không cấm” vốn dĩ dành cho công dân Việt Nam có một quốc tịch Việt Nam. Qua đó, nhằm thực hiện chính sách của Nhà nước là khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.384.716
Lượt truy cập hiện tại 35.370