Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số góp ý về dự thảo Thông tư quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính
Ngày cập nhật 09/11/2021

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Dự thảo Thông được xây dựng trên cơ sở Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 và  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp số 56/2020/QH14 ngày 10 tháng 6 năm 2020. Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành  Luật Giám định tư pháp.

 

Dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, gồm: (1) Tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính; Công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính. (2) Áp dụng quy chuẩn chuyên môn, quy trình thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính; chuẩn bị, thực hiện giám định; thời hạn giám định tư pháp; kết luận giám định tư pháp; lập, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính và các nội dung khác liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. (3) Điều kiện về cơ sở vật chất của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính; lập công bố danh sách tổ chức giám định theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính; việc tiếp nhận, thực hiện trưng cầu giám định tư pháp của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính.

Giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm: Giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán; Giám định tư pháp về giá; Giám định tư pháp về chứng khoán; Giám định tư pháp về thuế; Giám định tư pháp về hải quan; Giám định tư pháp về tài sản công; Giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp; Giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc việc lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định phải phù hợp với đối tượng, nội dung trưng cầu giám định, đáp ứng các quy định tại Luật Giám định tư pháp, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến giám định tư pháp. Việc cử cán bộ, công chức là giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; việc phân công người của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

 Để góp phần hoàn thiện dự thảo Thông tư, tác giả kiến nghị xem xét một số nội dung như sau:

1. Khoản 1 Điều 5 dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn để xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Trong đó có tiêu chuẩn “b) Có trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam”.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì tiêu chuẩn trên được quy định là “b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên”.

Để phù hợp với quy định tại Luật Giám định tư pháp và bảo đảm chất lượng của giám định viên tư pháp, xem xét quy định tiêu chuẩn tại điểm b khoản 1 Điều 5 dự thảo Thông tư theo hướng: Có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành trong lĩnh vực tài chính quy định tại Điều 3 Thông tư này do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam.

2. Khoản 1 Điều 6 dự thảo Thông tư quy định hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Trong đó có “b) Bản sao có chứng thực các văn bằng chứng minh được đào tạo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này; văn bản công nhận của cấp có thẩm quyền đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp”.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp phải có “2. Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đề nghị bổ nhiệm”.

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015  cua Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định: “1. Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính”.

Mục 2 Công văn 1352/HTQTCT-CT ngày 10 tháng 03 năm 2015  của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP hướng dẫn: Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu nộp bản sao có chứng thực, nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu; người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

Để phù hợp với các quy định tại Luật Giám định tư pháp, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, đề nghị xem xét nội dung tại điểm b khoản 1 Điều 6 dự thảo Thông tư không quy định “Bản sao có chứng thực các văn bằng chứng minh được đào tạo...” mà chỉ quy định là “Bản sao các văn bằng chứng minh được đào tạo...”.

3. Khoản 1 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Tại điểm b khoản này quy định trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a, b khoản 5 Điều 1 của Luật số 56/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp), thì “Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp”.

Như vậy, theo Luật Giám định tư pháp thì trong thời hạn 20, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng phải có quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp (nếu từ chối thì phải có văn bản nêu rõ lý do). Do đó, để phù hợp với quy định của Luật Giám định tư pháp, xem xét điều chỉnh điểm b khoản 1 Điều 7 dự thảo Thông tư theo hướng: Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp trên cơ sở đề nghị của Vụ Tổ chức cán bộ.

4. Khoản 2 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Tại điểm b khoản này quy định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp.

Khoản 4 Điều 10 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Luật số 56/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp) thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp...

Tương tự như phân tích tại khoản 3 nêu trên, đề nghị điều chỉnh điểm b khoản 2 Điều 7 dự thảo Thông tư theo hướng: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trên cơ sở đề nghị của Vụ Tổ chức cán bộ./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.196.029
Lượt truy cập hiện tại 2.555