Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số góp ý đối với dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Ngày cập nhật 19/07/2021

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và 2019). Luật đã phát huy tác dụng, là căn cứ, cơ sở pháp lý để xây dựng khung khổ pháp lý vững chắc, minh bạch cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm ngày càng đa dạng của các tổ chức, cá nhân; đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý giám sát thận trọng và tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, do Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành cách đây 20 năm, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm và hội nhập, hợp tác quốc tế, nên thị trường cũng bộc lộ một số tồn tại và cơ chế chính sách cũng có những bất cập chưa theo kịp với thực tế, như: một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với Bộ Luật Dân sự năm 2015, thị trường bảo hiểm phát triển nhanh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu,...

Trên cơ sở bám sát quan điểm chỉ đạo, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp ý một số nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) như sau:

1. Về bảo hiểm qua biên giới

Dự thảo nêu 36 nội dung giải thích từ ngữ, trong đó đề cập đến các khái niệm liên quan đến bảo hiểm, như: Bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm phi nhân thọ, Bảo hiểm hưu trí, Bảo hiểm sức khỏe, Bảo hiểm vi mô, Bảo hiểm chỉ số, bảo hiểm tham số, Bảo hiểm sinh kỳ, Bảo hiểm tử kỳ, Bảo hiểm hỗn hợp, Bảo hiểm trọn đời, Bảo hiểm trả tiền định kỳ,... Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập giải thích thế nào là “bảo hiểm qua biên giới”.

Nội dung bảo hiểm qua biên giới được đề cập tại 02 Điều được nêu trong dự thảo, đó là:

Khoản 1 Điều 7 về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm “1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm được lựa chọn tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới”.

Khoản 4 Điều 162nội dung quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm: Giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua hoạt động nghiệp vụ, tình hình tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; áp dụng các biện pháp cần thiết để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm bảo đảm các yêu cầu về tài chính và thực hiện những cam kết với bên mua bảo hiểm.

Giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thông qua việc chấp hành quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới”.

Có thể hiểu rằng, việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới là việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm ở nước ngoài không cần thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhưng vẫn được cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam. Theo đó, dự thảo Luật nên bổ sung các khái niệm có liên quan, như: bảo hiểm qua biên giới, môi giới bảo hiểm qua biên giới, bán bảo hiểm qua biên giới,... Việc nêu rõ khái niệm sẽ giúp việc hiểu, thực hiện luật đồng bộ, thuận lợi hơn, đồng thời sẽ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong các trường hợp có liên quan.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo hiểm qua biên giới, dự thảo Luật cần bổ sung thêm các quy định liên quan nhằm bảo đảm tính pháp lý đồng bộ, nhất là việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thanh toán phí bảo hiểm, tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để thanh toán bồi thường tổn thất; điều kiện để hoạt động các dịch vụ bảo hiểm qua biên giới.

2. Dự thảo nêu các nội dung về bảo đảm của Nhà nước đối với kinh doanh bảo hiểm. Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm. Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhằm tạo thuận lợi nhất cho bên mua bảo hiểm đồng thời đảm bảo an toàn an ninh mạng. Công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bên mua bảo hiểm, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành bảo hiểm.

Nội dung điều luật nêu trên nên điều chỉnh thành “chính sách của Nhà nước đối với kinh doanh bảo hiểm” sẽ đầy đủ, bao quát, toàn diện hơn so với “bảo đảm của Nhà nước đối với kinh doanh bảo hiểm". Đồng thời, bổ sung thêm một số nội dung để thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo, định hướng của Nhà nước trong lĩnh vực này, như: công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm, kinh doanh bảo hiểm; ban hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này,...

3. Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, dự thảo yêu cầu tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có nhu cầu bảo hiểm được lựa chọn tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam hoặc sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; phải đảm bảo các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết của mình đối với bên mua bảo hiểm.

Như vậy, nội dung điều luật đưa ra yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm trong việc lựa chọn tổ chức bảo hiểm và việc tự bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, dự thảo chưa đề ra các nguyên tắc khác liên quan đến “sợi dây” kết nối giữa tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là vấn đề về thanh toán bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Do đó, dự thảo luật có thể sung thêm nội dung có liên quan trong nguyên tắc cơ bản, như bảo đảm nguyên tắc chi trả minh bạch, rõ ràng, đầy đủ theo cam kết.

4. Về các hành bị nghiêm cấm, trong quy định chung, cấm các hành vi: lừa dối, che dấu thông tin, làm ảnh hưởng đến quyết định giao kết hợp đồng bảo hiểm hoặc làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng hoặc doanh nghiệp bảo hiểm; tìm kiếm bất kỳ lợi ích bất hợp pháp nào cho bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân trong quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tiến hành bất kỳ hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo tiền bằng cách giả mạo hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm hoặc cung cấp hợp đồng bảo hiểm dưới danh nghĩa đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, hoặc các tổ chức khác; có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.  

Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng một số doanh nghiệp bảo hiểm cho phép nhân viên thực hiện giới thiệu, quảng bá về bảo hiểm diễn ra dưới nhiều hình thức, kể cả sử dụng công nghệ thông tin, như: tin nhắn, điện thoại. Việc nhắn tin, điện thoại diễn ra thường xuyên, liên tục, thật sự gây bức xúc cho người được “nhắm đến”. Vì vậy, có thể bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức, tuân thủ các quy định pháp luật về thông tin, truyền thông.

5. Dự thảo nêu nội các bên có quyền thỏa thuận về nội dung của hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm bao gồm một số nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng; b) Đối tượng bảo hiểm, phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; c) Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm; d) Thời hạn bảo hiểm, thời điểm bắt đầu bảo hiểm; đ) Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; e) Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường; g) Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có văn bản gửi cho bên mua bảo hiểm lưu ý các điều khoản loại trừ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài những nội dung trên, cần đề cập đến các chi phí liên quan khác, như lãi suất.  Lãi suất là yếu tố được rất nhiều người quan tâm khi tham gia bảo hiểm./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.252.972
Lượt truy cập hiện tại 12.350