Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Khó khăn, vướng mắc và đề xuất hoàn thiện các quy định Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ
Ngày cập nhật 12/03/2021

Ngày 19 tháng 7 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP). Cùng với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho cơ quan, người có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả việc thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm hành chính; đồng thời góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai thi hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trong 8 năm vừa qua đến nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập, cụ thể như sau:

Một là, căn cứ để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định về xử lý vi phạm hành chính

- Điểm h khoản 1 Điều 37 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định một trong những nhiệm vụ quyền hạn của Chánh án Tòa án trong giải quyết vụ án hành chính:

“ Kiến nghị với cơ quan, cá nhân có văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản, chấm dứt hành vi đó nếu phát hiện có dấu hiệu trái với quy định của pháp luật;”

- Điểm h khoản 2 Điều 31 Luật khiếu nại năm 2011 quy định quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính phải có các nội dung sau đây:

“ Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại;”

Tương tự, tại điểm h khoản 2 Điều 40 Luật khiếu nại năm 2011 quy định quyết định giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính phải có các nội dung sau đây:

“ Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính;

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 6a Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 8 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) lại không quy định các trường hợp này là căn cứ để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung quyết định về xử lý vi phạm hành chính.

Tương tự, là căn cứ để hủy bỏ quyết định về xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 6b Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).

Hai là, căn cứ để ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính

Tại điểm b khoản 3 Điều 6b Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định việc người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới trong trường hợp:

“Có bản án, quyết định của Tòa án về việc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định về xử lý vi phạm hành chính bị khởi kiện.”

Quy định như vậy là không hợp lý, không cần thiết, vì khi quyết định về xử lý vi phạm hành chính bị hủy bỏ một phần thì chỉ phần nội dung bị hủy bỏ đó không còn hiệu lực thi hành, các nội dung khác của quyết định vẫn còn hiệu lực thi hành.

Ba là, về trình tự, thủ tục thực hiện việc hủy bỏ ban hành mới quyết định về xử lý vi phạm hành chính

Hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành, để chấm dứt hiệu lực của quyết định về xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành có sai sót và ban hành quyết định mới thay thế quyết định đã bị chấm dứt hiệu lực, phải trải qua hai thủ tục, tương ứng với hai thủ tục đó, người có thẩm quyền phải ban hành hai loại quyết định, trước tiên là quyết định hủy bỏ quyết định về xử phạt vi phạm hành chính có sai sót, sau đó là quyết định mới về xử phạt vi phạm hành chính.

Việc ban hành hai loại quyết định như vậy là không cần thiết, có thể nghiên cứu quy định trình tự, thủ tục đơn giản hơn. Theo đó, chỉ cần ban hành một loại quyết định: Quyết định mới về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có nội dung về việc thay thế cho quyết định đã ban hành mà có sai sót.

Bốn là, về giao quyền để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định:

Người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt như cấp trưởng.

 Quy định nêu trên, không quy định người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị (được giao quyền như cấp trưởng) có thẩm quyền giao quyền để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cho cấp phó hay không. Vì hai hình thức này (giao quyền xử phạtgiao quyền để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính) là hoàn toàn khác nhau. Từ đó, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Năm là, về mẫu biên bản vi phạm hành chính

Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, một số đơn vị thường xuyên làm việc với người nước ngoài (Cục Hải quan, cơ quan Công an…) khi phát hiện người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính thì cần phải có người phiên dịch trong quá trình lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, tại mẫu biên bản vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP lại không có phần thông tin “người phiên dịch”.

Sáu là, về gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan tư pháp địa phương

 Khoản 6 Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định:

Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính, cơ quan thi hành quyết định xử phạt, thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, cơ quan thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm gửi văn bản, quyết định quy định tại Điều 70, khoản 2 Điều 73, khoản 2 Điều 77, Điều 88, khoản 4 Điều 98, Điều 107, khoản 3 Điều 111, đoạn 2 khoản 3 Điều 112, khoản 1 và khoản 2 Điều 114 tới cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương.”

Tuy nhiên, tại phần “Nơi nhận” của các mẫu quyết định về xử lý vi phạm hành chính được ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP không có cơ quan tư pháp địa phương. Do vậy, hầu hết các cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt chưa gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan tư pháp địa phương để theo dõi, tổng hợp theo quy định.

Bảy là, về cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

Điều 23 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, theo đó quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia được thực hiện theo nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Ngày 30/3/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2016/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 13/2016/TT-BTP ngày 30/12/2016 quy định quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính vẫn chưa được triển khai, xây dựng, từ đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và việc xác định vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm nói riêng.

Từ những phân tích như đã nêu trên, có thể thấy rằng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) vẫn còn những vướng mắc, bất cập dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ của mình. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, kiến nghị, đề xuất một số nội dung sau:

Một là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các khó khăn, vướng mắc như đã phân tích nêu trên.

Hai là, nghiên cứu, xây dựng biểu mẫu về việc (cá nhân/tổ chức) vi phạm không nhận biên bản vi phạm hành chính; và biểu mẫu về giao/nhận biên bản vi phạm hành chính/quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ba là, nghiên cứu, bổ sung thông tin “người phiên dịch” tại các mẫu biên bản.

Bốn là, nghiên cứu quy định rõ trong thời gian cấp trưởng giao quyền cho cấp phó thì cấp trưởng có được thực hiện thẩm quyền của mình theo quy định hay không (vì trong thực tiễn áp dụng còn có nhiều cách hiểu khác nhau).

Năm là, sớm triển khai Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính, tạo thuận lợi trong công tác quản lý, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và việc xác định vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm, từ đó có cơ sở xem xét tình tiết tăng nặng trong xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính./.

 

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.383.398
Lượt truy cập hiện tại 34.783