Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Trao đổi một số nội dung về kinh phí phục vụ cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và những kiến nghị, đề xuất
Ngày cập nhật 25/07/2019

Ngày 23 tháng 7 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP  quy định về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có 5 Chương, 20 Điều, quy định cụ thể về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Căn cứ Nghị định này, ngày 15 tháng 5 năm 2014, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 14/2014/TT-BTP quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

 

Qua hơn 7 năm triển khai thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và 5 năm triển khai thi hành Thông tư số 14/2014/TT-BTP, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật trên phạm vi cả nước và đã bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về kinh phí bảo đảm cho hoạt động này vẫn chưa có văn bản quy định riêng mà chỉ là áp dụng viện dẫn tới các văn bản quy định khác nhau. Do đó, trong phạm vi bài viết này, xin được trao đổi một số nội dung có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động tổ chức thi hành pháp luật để các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có cơ sở để triển khai thực hiện và kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện thể chế về nội dung này trong thời gian tới. 

Một là, về nội dung chi

Các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật bao gồm: (1) Tập hợp, rà soát, hệ thống hóa, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật phục vụ trực tiếp các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật[1]; (2) Điều tra thống kê, khảo sát, đánh giá thực tiễn thực hiện tình hình thi hành pháp luật; (3) Xây dựng báo cáo về tình hình thi hành pháp luật; (4) Tổ chức họp, hội thảo, tọa đàm, hội nghị; (5) Nghiên cứu, xây dựng chuyên đề phục vụ trực tiếp hoạt động theo dõi thi hành pháp luật; (6) Công tác phí.

Hai là, về mức chi

Đối với hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản phục vụ trực tiếp công tác theo dõi thi hành pháp luật

Mức chi cho hoạt động rà soát, hệ thống hóa văn bản phục vụ trực tiếp công tác theo dõi thi hành pháp luật được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Tại địa phương, mức chi cho hoạt động này thực hiện theo Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 18/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định mức chi và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đối với hoạt động điều tra thống kê, khảo sát, đánh giá thực tiễn thực hiện tình hình thi hành pháp luật

Mức chi cho hoạt động điều tra thống kê, khảo sát, đánh giá thực tiễn tình hình thi hành pháp luật được quy định chi tiết theo Thông tư 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính về lập dự toán quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra, thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.

Đối với hoạt động xây dựng báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật

Thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 4 Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính Quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Về tổ chức họp, hội thảo, toạ đàm, hội nghị và họp báo phục vụ công tác điều tra, khảo sát; theo dõi, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật

Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 4 Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính Quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đối với hoạt động nghiên cứu, xây dựng chuyên đề

Đối với hoạt động nghiên cứu, xây dựng chuyên đề phục vụ công tác xây dựng báo cáo theo dõi tình hình thi hành pháp luật, mức chi được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ về hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

Về công tác phí

Công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước phục vụ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện theo quy định tại Thông tư 47/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

Tại địa phương, mức chi cho hoạt động này thực hiện theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 08/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quy định chế độ công tác phí, chế độ tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đối với nội dung chi và mức chi khác: cho các hoạt động chưa liệt kê thì được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Căn cứ nhiệm vụ hàng năm, trên cơ sở nội dung chi và mức chi, các cơ quan, đơn vị lập dự kiến chương trình, kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đồng thời lập dự toán kinh phí thực hiện tổng hợp chung vào dự toán kinh phí chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan tài chính, Văn phòng Ủy ban nhân dân và cơ quan tư pháp cùng cấp để tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước báo cáo Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân thông qua theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Riêng đối với cấp xã, Ủy ban nhân dân lập dự toán kinh phí trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.

Với những quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động tổ chức thi hành pháp luật tại các văn bản hiện hành như đã nêu trên, có thể thấy rằng:

Thứ nhất, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã được triển khai theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ Tư pháp, song kinh phí bảo đảm cho hoạt động này vẫn chưa có văn bản quy định riêng mà chỉ là áp dụng viện dẫn tới các văn bản quy định khác nhau.

Hai là, các nội dung chi chưa bao quát hết các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật như: Thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật; Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về nội dung chi và mức chi cho các hoạt động này.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ Tư pháp quy định: “Cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện theo chế độ hợp đồng có thời hạn hoặc theo từng vụ việc cụ thể”. Tuy nhiên, hiện nay việc thanh toán theo chế độ hợp đồng hoặc theo từng vụ việc cụ thể vẫn chưa có hướng dẫn để thực hiện.

Ba là, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu; mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong các năm gần đây đã có sự gia tăng mạnh. Chính vì vậy, mức chi các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật như hiện nay không còn phù hợp, các chế độ đối với người thực hiện công tác này còn thấp, chưa động viên, khuyến khích được những người thực hiện cũng như thu hút sự tham gia của những người có trình độ chuyên môn, am hiểu sâu các quy định của pháp luật vào công tác này.

Từ việc rà soát, đánh giá các quy định có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động tổ chức thi hành pháp luật và những khó khăn, vướng mắc, bất cập như đã phân tích trên. Cùng với việc tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 14/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Để đảm bảo thể chế phục vụ cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được hoàn thiện, đầy đủ, tạo cơ sở cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thống nhất, đề xuất một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung, như sau:

Một là, sớm ban hành văn bản (Thông tư quy định riêng) hướng dẫn việc sử dụng kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo hướng toàn diện, đầy đủ các nội dung chi, mức chi.

Hai là, nâng các mức chi cho các hoạt động tổ chức thi hành pháp luật phù hợp tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

Ba là, bổ sung nội dung chi, mức chi cho các hoạt động: Thu thập, tiếp nhận và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật; Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và Cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Theo Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ, Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp được giao nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật. Ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của các tổ chức pháp chế, theo đó, giao các tổ chức pháp chế có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý.

Trong khi chưa có văn bản riêng quy định cụ thể kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Với những rà soát, đánh giá các nội dung có liên quan về kinh phí cho công tác này, người viết hi vọng rằng sẽ giúp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch ngân sách cho việc thực hiện nhiệm vụ này được tốt hơn trong thời gian tới./.          



[1] Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật được quy định từ Điều 11 tới Điều 14 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và từ Điều 6 tới Điều 10 Thông tư số 14/2014/TT-BTP gồm: thu thập, xử lý thông tin, kiểm tra, điều tra, khảo sát về tình hình thi hành pháp luật; xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật; xây dựng báo cáo tình hình thi hành pháp luật.

 

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.233.689
Lượt truy cập hiện tại 6.454